Doanh nghiệp

55% DN giải thể vì điều kiện kinh doanh, chi phí

24/08/2017, 11:02

Bên cạnh chi phí quá lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải từ giã thị trường...

18

Điều kiện kinh doanh phân theo 8 nhóm nội dung (Nguồn: Bộ KH&ĐT)

Công nhân vận chuyển gas phải có 7 chứng chỉ!?

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert kể, công ty được thành lập từ năm 2009 nhưng tới nay đang vướng nhất là quy định về nhân sự khi quy định trong lĩnh vực này chỉ được tuyển người có kinh nghiệm. “Nếu chỉ những người có kinh nghiệm mới được tuyển thì người mới ra trường không bao giờ có cơ hội”, ông Dũng nói. Chính những điều kiện này làm cho VinaCert đến nay chưa hoạt động được. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Công ty Thiết bị dầu khí cũng cho hay, trong kinh doanh gas, công nhân vận chuyển gas phải có 7 chứng chỉ. “Làm công việc vận chuyển thì bắt họ học về nghiệp vụ kinh doanh gas để làm gì?”, ông Tám đặt câu hỏi.

Trên đây là hai dẫn chứng về nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Trong báo cáo Chính phủ, Bộ KH&ĐT chỉ rõ, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang tạo ra rào cản đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động. Thậm chí, làm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động.

Trao đổi với PV Báo Giao thông bên lề Tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân” tổ chức ngày 23/8, ông Ngô Văn Điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân xác nhận, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cứ 3 ra đời thì hơn 2/3 giải thể.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 90.502 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 49.882 trường hợp đăng ký tạm dừng hoạt động, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể (hơn 55%). Bên cạnh chi phí quá lớn, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này phải từ giã thị trường, từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp còn do điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Đề xuất bỏ 1.930 giấy phép con

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay, mặc dù kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp nhưng thực tế, không nước nào lại có hàng giả, hàng nhái phổ biến như Việt Nam. “Vậy quản lý ở đâu? Tôi biết có doanh nghiệp nuôi gà mang ra thị trường cực kỳ khó khăn nhưng trứng gà tràn qua biên giới không mất chi phí gì”, ông Đông nói.

Theo quy định của Luật Đầu tư, có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, còn có 19 hàng hóa cấm kinh doanh, 5 dịch vụ cấm kinh doanh, 7 hàng hóa hạn chế kinh doanh và 1 dịch vụ hạn chế kinh doanh; có 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước.

Hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ luật (66), pháp lệnh (3), nghị định (162) và hiệp định (6).

Nhìn lại chặng đường kiểm soát điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, so với giai đoạn kinh doanh cái gì cũng phải xin phép, thậm chí muốn buôn bán ve chai cũng phải ra UBND phường thì đến nay đã giới hạn được các ngành nghề bị cấm và hạn chế kinh doanh về con số 243. “Nhưng kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hiện vẫn là một “cuộc chiến” chưa dừng, các điều kiện này đã biến thiên hàng ngày, hàng giờ mà ta không cập nhật, không thể thống kê chính xác”, ông Hiếu nhận xét và cho biết thêm, theo rà soát sơ bộ của ông, những điều kiện như vậy lên tới con số hàng nghìn.

Bộ KH&ĐT đã đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con. Trong đó, đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.

Cũng theo ông Hiếu, trong lần rà soát các điều kiện kinh doanh để chấn chỉnh này, Chính phủ sẽ tiến hành song song. “Không thể chỉ dựa vào sự tích cực của bộ, ngành mà CIEM, VCCI cũng rà soát độc lập làm bằng chứng đối chứng. Nếu kết quả khác nhau thì Thủ tướng Chính phủ sẽ ra quyết định cuối cùng. Đó là điều hết sức tích cực nhằm cải cách điều kiện kinh doanh lần này”, ông Hiếu nói và cho biết, lần này Chính phủ cũng cũng tái khởi động Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho Thủ tướng Chính phủ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.