Không cần ngôi sao, Thái Lan (giữa) vẫn chơi tốt tại AFF Cup 2018 - Ảnh: AFF |
Đẳng cấp “nhà vua”
Thái Lan tới AFF Cup 2018 với tư cách nhà đương kim vô địch nhưng sự hoài nghi bao trùm quanh vương miện của người Thái. Việc vắng tới 4 trụ cột đang thi đấu ở nước ngoài gồm: Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và Kawin Thamsatchanan khiến sức mạnh của “Bầy voi” được dự đoán giảm đi đáng kể. Dự đoán này hoàn toàn có cơ sở bởi cả 4 cầu thủ nói trên đều là trụ cột không thể thay thế trong đội hình Thái Lan vô địch AFF Cup 2016.
Thế nhưng, Thái Lan vẫn khiến các đối thủ nể sợ với màn trình diễn ấn tượng tại vòng bảng khi thắng 3 trận, hòa 1 trận, sở hữu hàng công ấn tượng nhất với 15 bàn. Tới vòng bán kết, trước một Malaysia thi đấu đầy quyết tâm, dưới sức ép của hơn 80 nghìn khán giá ở sân Bukit Jalil, người Thái vẫn đứng vững. Trận hòa 0-0 ngay trên sân đối thủ giúp Thái Lan chỉ cần thắng tối thiểu ở trận lượt về diễn ra ngày 5/12 tới là giành quyền vào chung kết. Sau tất cả những gì đã thể hiện, Thái Lan rõ ràng vẫn là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch.
Điểm nổi bật trong lối chơi của Thái Lan là tính hiệu quả. Ở trận hòa Philippines 1-1, Thái Lan chỉ cần sút 4 lần đã đem về 1 bàn thắng. Ở trận thắng Singapore 3-0, Thái Lan sút 11 lần còn trận thắng Indonesia 4-2, người Thái thực hiện 8 pha dứt điểm. Đặc biệt, Thái Lan chỉ dứt điểm 14 lần và ghi tới 7 bàn vào lưới Đông Timor.
Vậy, đâu là những yếu tố tạo nên sức mạnh cho đội tuyển Thái Lan trong bối cảnh không ngôi sao? Giải Vô địch quốc gia Thái Lan là giải đấu hấp dẫn số 1 Đông Nam Á, thu hút được nhiều ngoại binh giỏi. Cộng thêm cách làm bài bản, chất lượng chuyên môn của Thái League nhiều năm trở lại đây có sự tăng vọt. Một giải đấu có sự cạnh tranh cao, chuyên môn tốt đương nhiên cho ra những sản phẩm tốt và tuyển Thái Lan được hưởng lợi. Bên cạnh đó, phải kể tới việc người Thái luôn chú trọng xây dựng các đội tuyển theo cùng một mô hình, một lối chơi thống nhất. Điều này giúp cầu thủ Thái Lan có sự thống nhất về tư duy chơi bóng nên dễ dàng trám vào chỗ trống mà các ngôi sao vắng mặt để lại.
Người Thái đi trước Đông Nam Á
Đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng, Giải Vô địch quốc gia Thái Lan tạo ra lực lượng cầu thủ giỏi, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn còn nhận định: “Cầu thủ Thái Lan ngoài việc có môi trường tốt còn thường xuyên được thi đấu ở Cúp C1 châu Á, đối đầu với các đối thủ mạnh tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí từng lên ngôi vô địch. Như vậy, họ có sự trưởng thành về mặt bản lĩnh so với mặt bằng cầu thủ trong khu vực. Ngay như Việt Nam, Hà Nội FC mạnh như vậy, đóng góp 6 cầu thủ cho tuyển quốc gia nhưng đã bao giờ vượt qua vòng bảng Cúp C1 đâu. Nhìn Thái Lan chơi bóng, chúng ta thấy họ rất thảnh thơi, nhẹ nhàng, không cuống trong mọi hoàn cảnh. Đó là nhờ được rèn luyện thường xuyên ở cấp độ cao”.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh chỉ ra yếu tố then chốt giúp tuyển Thái Lan chơi hay dù thiếu ngôi sao chính là sự chuyên nghiệp. “Phải thừa nhận, cầu thủ Thái Lan quá chuyên nghiệp nên dễ dàng lắp ghép lại với nhau, dù thiếu một vài mảnh ghép nhất định. Sự chuyên nghiệp này bắt nguồn từ quá trình đào tạo trẻ, rồi quá trình thi đấu ở các CLB. Cũng nhờ sự chuyên nghiệp, ta thấy trước mỗi giải đấu, Thái Lan luôn có thời gian hội quân rất ngắn nhưng vẫn chơi cực kỳ ăn ý”.
Ngoài ra, cả cựu danh thủ Dương Hồng Sơn và chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đều có chung nhận định, người Thái đi trước bóng đá Đông Nam Á cả một bước dài về cách làm bóng đá. “Tư duy của họ là tư duy hướng ra châu Á, World Cup. Tư duy này thể hiện rõ nhất ở việc dùng quân ở các đội tuyển. Việt Nam hay nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, cầu thủ ở đội tuyển vẫn đá ở các lứa U23, U21 thậm chí cả U19. Nhưng cầu thủ Thái Lan khi đã lên tuyển thì không bao giờ xuống tuyến trẻ, kể cả khi bị đào thải. Cách làm này giúp Thái Lan tạo ra được một lực lượng kế cận dồi dào chứ không trông chờ vào một hay một nhóm cá nhân nào”, ông Vinh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận