Để giảm thiểu ô nhiễm, thủ đô New Delhi (Ấn Độ) sẽ hạn chế phương tiện và đánh thuế khí thải. |
Giảm khí thải mà không ảnh hưởng đến kinh tế
Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Pháp, các chuyên gia tính toán rằng, đến năm 2050 có thể đạt được mục tiêu giảm 50% lượng khí thải từ các phương tiện giao thông so với hiện nay mà không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Tại đây, đại diện của ngành giao thông đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông bền vững, như: Sáng kiến Tiết kiệm Năng lượng Toàn cầu (GFEI) hiện đã có 65 nước tham gia; dự kiến đến năm 2016 có 100 nước tham gia.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để có thể đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 2OC, thì đến năm 2030 ít nhất 20% phương tiện giao thông (ô tô, xe tải, xe buýt...) phải chạy bằng điện, nhiên liệu không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, còn có kế hoạch MoniliseYourCity nhằm hỗ trợ 100 thành phố và 20 quốc gia mới nổi đang phát triển thực hiện các chính sách giao thông đô thị và giao thông quốc gia bền vững. Mỗi thành phố cam kết đến năm 2050 sẽ giảm từ 50-70% lượng khí thải từ phương tiện giao thông so với mức hiện nay. Các nhà tài trợ cam kết khoản tín dụng ban đầu 5,5 triệu euro cho chương trình này.
Mới nhất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, giới chức Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) quy định kể từ 1/1/2016, ô tô cá nhân chỉ được ra đường theo ngày chẵn/lẻ (áp dụng theo số cuối của biển số). Ngoài ra, xe tải chạy diesel chỉ được vào thành phố sau 23h, thay vì 21h như hiện nay. Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ phê duyệt kế hoạch đánh thuế khí thải các loại xe tải và các loại xe kinh doanh khi vào nội đô New Delhi – nơi được coi là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới; nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Theo đó, giới chức sẽ áp một khoản phụ phí 700 rupees (11 USD)/xe tải hạng nhẹ và 1.300 rupees (20 USD)/xe tải hạng nặng khi vào thủ đô. Hiện, mỗi ngày thành phố này có khoảng hơn 8,5 triệu ô tô tham gia giao thông và khoảng 1.400 xe đăng ký mới/ngày, thải ra 1/3 lượng khói bụi gây ô nhiễm.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), New Delhi có mật độ ô nhiễm không khí (PM) trung bình cao nhất thế giới, cao hơn cả thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc); mật độ các phân tử gây hại trong không khí gấp 12 lần so với ngưỡng an toàn và là một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm phổi mãn tính, ung thư phổi và các bệnh về tim mạch.
Sức ép lên các nhà sản xuất
Trong khi COP21 đang diễn ra thì vụ bê bối phần mềm gian lận khí thải của hãng xe Volkswagen (VW) của Đức lại được xới lên lần nữa. Thông tin mới nhất từ Reuters về vụ bê bối này cho thấy: Để giải quyết hậu quả vụ gian lận khí thải, VW đang có kế hoạch vay 13 tổ chức tài chính một khoản tài chính bắc cầu trị giá 20 tỷ euro (21,22 tỷ USD) để dàn xếp các vụ kiện, nộp phạt, chi phí triệu hồi để khắc phục…
Tuần này là giai đoạn đàm phán quyết định giữa các Bộ trưởng 195 nước đang tham dự COP21. Một trong những điểm bất đồng chính là kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng. Hiện vẫn chưa xác định được tiêu chí để phân bổ khoản tiền này. |
Trước đó, hồi cuối tháng 9, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cáo buộc VW cài đặt phần mềm bất hợp pháp để giảm lượng khí thải xuống thấp hơn 40 lần, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khi kiểm tra. Ông Cynthia Giles, một quan chức của EPA cho biết: “Phần mềm gian lận này sẽ như thiết bị kiểm soát khí thải khi xe chạy bình thường và chỉ bật lên trong quá trình kiểm tra khí thải. Vì hành vi này, chúng tôi yêu cầu VW phải chịu trách nhiệm. VW đang lừa dối EPA và toàn thể người tiêu dùng.
Sử dụng thiết bị qua mặt kiểm tra khí thải là bất hợp pháp và đe dọa sức khoẻ cộng đồng”. VW phải dừng ngay việc bán các mẫu xe gian lận khí thải cho đến khi được khắc phục đạt chuẩn. Thậm chí, nhiều khả năng VW có thể sẽ phải bán đi một vài thương hiệu họ đang sở hữu, như Bentley, Lamborghini, Ducati để lấy tiền trang trải.
Câu chuyện của VW cho thấy sức ép của việc bảo vệ môi trường toàn cầu trước sự phát thải của ngành giao thông, khi chiếm tới 1/3 lượng khí thải CO2 và là ngành phát thải cao nhất trong các ngành công nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận