Bạn cần biết

Cô gái nghi say nắng được hai chị Tây cứu gây sốt MXH

19/05/2018, 10:11

Một cô gái nghi bị say nắng tự lao vào cột biển báo giao thông đã được hai nữ du khách Tây giúp đỡ.

Ảnh chụp Màn hình 2018-05-19 lúc 08.16.49

Một cô gái nghi bị say nắng tự lao vào cột biển báo giao thông đã được hai nữ du khách Tây giúp đỡ. Ảnh Facebook

Chiều qua 18/5, một sự việc hi hữu xảy ra tại tuyến đường Hoàng Diệu, Hà Nội giữa trời nắng nóng gay gắt 36, 37 độ C.

Theo đó, một cô gái nghi bị say nắng đang đi xe máy bất ngờ lao thẳng vào cột biển báo giao thông trên đường rồi ngã văng xuống và bị thương, bất tỉnh tại chỗ.

Những hình ảnh lan truyền trên MXH Facebook sau đó cho thấy có hai nữ du khách nước ngoài đang đi bộ qua phát hiện vụ việc nên nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân. 

Được biết, hai nữ khách Tây này công tác trong ngành Y và đã trực tiếp sơ cứu, cầm máu và gọi cấp cứu đưa nạn nhân tới bệnh viện.

photo-0-15266464876151845152136

Nạn nhân bất tỉnh tại chỗ. Ảnh Facebook

Ngay sau khi những hình ảnh này được đăng tải, cư dân mạng đã dành nhiều lời khen cho hai nữ du khách nước ngoài. Nickname Facebook H.T.N cho biết: "May mắn là có hai chị Tây tốt bụng biết kỹ năng để giúp đỡ, nếu không chị gái này có khi còn nguy kịch hơn!".

"Người nước ngoài họ khá nhanh nhạy và nhiệt tình trong mấy trường hợp kiểu này lắm, đúng là phải "thả tim" cho hai chị, nhờ chị mà nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm!", nickname FB Hà Anh tấm tắc.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đăng tải bài viết, các triệu chứng chính của say nắng, nóng là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Việc cấp cứu với bệnh nhân say nắng, say nóng cần được thực hiện kịp thời, nhanh chóng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, khi gặp người có dấu hiệu say nắng, say nóng, cần nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương đích. Lý tưởng là giảm nhiệt độ 0,2 độ C/phút và nên dừng khi nhiệt độ là 38 độ C. Cụ thể như: Làm mát bằng bay hơi an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện như: Cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm, sau đó dùng quạt thổi hoặc dùng hơi nước mát 15OC rồi thổi hơi nước ấm 45 độ C. Biện pháp hỗ trợ khác là đặt các gói đá lạnh vào cổ, nách, bẹn, cũng như dùng chăn điện.

“Việc dùng cồn lau để làm lạnh đã lỗi thời và nguy hiểm nếu dùng cho trẻ nhỏ. Còn với người già giảm thích nghi với nhiệt độ và có nhiều bệnh kèm theo nên cần phải theo dõi tim mạch, đánh giá thường xuyên và bù dịch thận trọng. Sau khi kiểm soát nhiệt độ phải đánh giá lại ngay và xét chụp cắt lớp sọ não loại trừ tổn thương thần kinh trung ương như chảy máu não, phù não...”, BS. Quân khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.