CSGT Quảng Ninh thực hiện đo nồng độ cồn, xử lý vi phạm “kiểu mới” tại khu vực ngã ba Tuần Châu. |
Nhằm bảo đảm ATGT dịp cuối năm, lực lượng CSGT tỉnh Quảng Ninh đang tập trung tuần tra kiểm soát (TTKS) và xử lý những trường hợp vi phạm ATGT, nhất là lái xe vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện. Việc áp dụng kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn “siêu nhanh” giúp CSGT và chủ phương tiện thuận tiện hơn trong quá trình kiểm tra.
Bám đường đêm giữ ATGT
19h30 tối 14/12, PV Báo Giao thông có mặt tại trụ sở Đội CSGT Trung tâm và dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh). Lúc này, 16 chiến sĩ CSGT, CSCĐ đã chuẩn bị xong các phương tiện, thiết bị để tiến hành nhiệm vụ kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông trên QL18 qua địa bàn.
Theo Đại úy Đào Công Hiểu, Đội trưởng Đội CSGT Trung tâm và dẫn đoàn, điểm chốt chặn đêm nay là ngã ba Tuần Châu, TP Hạ Long. Trước giờ lên đường, anh em trong đội đã khảo sát vị trí cắm chốt có thể kiểm soát được tất cả các phương tiện lưu thông qua, đảm bảo kiểm tra, xử lý vi phạm thuận lợi, không gây ùn tắc. Các thành viên trong tổ công tác được quán triệt thực hiện đúng quy trình tác nghiệp đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đã được tập huấn, sẵn sàng đối phó với những tình huống mà người say rượu có thể gây ra.
Đúng 20h, tại ngã ba Tuần Châu, 16 CSGT, CSCĐ nhanh chóng xếp chóp nón phản quang phân làn giao thông để các chủ phương tiện dễ dàng di chuyển vào khu vực đo nồng độ cồn. Tại điểm đầu khu vực chốt, có đặt biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn” và một chiến sỹ CSGT ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ, hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra. Các thành viên khác trong tổ công tác đứng xung quanh khu vực kiểm soát để bảo đảm ATGT cho các phương tiện và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khi có trường hợp bị xử lý.
Cứ thế, từng lượt xe nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của CSGT vào chốt để kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Lúc này, CSGT yêu cầu chiếc xe BKS 29A - 896.14 vào làn kiểm tra, tài xế Đặng Đình Việt (SN 1962, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) mỉm cười, chu miệng thổi ào một cái kiểu lấy lệ, liền bị yêu cầu thổi lại. Tài xế Việt thổi một hơi dài và kết quả trên máy báo “vạch đỏ”. Đại úy Đào Công Hiểu thông báo: “Nồng độ 0,247mg/lít khí thở - vượt quy định cho phép”. Trước kết quả rõ ràng, tài xế Việt ký biên bản vi phạm và xin... rút kinh nghiệm.
Khi bị lập biên bản vi phạm với nồng độ cồn 0,506mg/lít khí thở cùng với việc không có đăng ký và GPLX, tài xế Nguyễn Quốc Tam (SN 1975, trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) điều khiển xe BKS 14A-123.05 sau một hồi phân bua không được, liền rút điện thoại gọi người thân nhờ can thiệp, tuy nhiên Đại úy Hiểu giải thích: “Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ, không ai “giúp” gì cho anh được đâu”. Tài xế Tam đành phải ký vào biên bản vi phạm. Đến 23h, công tác kiểm soát và xử lý nồng độ cồn của tổ công tác mới kết thúc với 84 trường hợp kiểm tra, trong đó có 4 trường hợp vi phạm bị lập biên bản.
Xử lý theo “nhu khắc cương”
Dù là ban đêm, chỉ le lói ánh sáng từ chiếc đèn pin, nhưng mỗi khi ra dấu hiệu dừng xe, các chiến sĩ CSGT đều thực hiện nghiêm túc việc “chào” và “mời” các tài xế một cách thân thiện. Khi người điều khiển ôtô kéo cửa kính xuống, một chiến sĩ CSGT nói rõ: “Xin mời anh cho Tổ tuần tra kiểm tra nồng độ cồn”. Sau khi hướng dẫn tài xế thổi vào máy, nếu kết quả là không vi phạm, chiến sĩ CSGT cảm ơn và mời tài xế tiếp tục lưu thông. Nếu kết quả báo vi phạm, CSGT mời tài xế ra vị trí kiểm tra lại nồng độ cồn và tiến hành lập biên bản xử lý, đồng thời yêu cầu một thành viên trong tổ công tác đưa xe vào vị trí an toàn.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công điện số 21 về việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT cuối năm 2015 và thời gian tiếp theo. Công điện yêu cầu tăng cường công tác TTKS, lực lượng CSGT chủ trì phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo tổ chức TTKS giao thông 24/24h, tập trung trên các đoạn tuyến có tính chất giao thông phức tạp, thường xảy ra mất ATGT và triển khai theo chuyên đề là những nguyên nhân chính gây TNGT như: Tốc độ, nồng độ cồn, quá tải… |
Đại úy Đào Công Hiểu cho biết, việc đo nồng độ cồn “kiểu mới” giúp anh em CSGT đỡ vất vả, chỉ cần 30 giây, Tổ công tác vừa có thể tiến hành kiểm tra chính xác nồng độ cồn, hầu như không gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của phương tiện. Với những trường hợp vi phạm, Tổ công tác cương quyết xử lý để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Các thành viên trong Tổ công tác tâm sự, việc đo nồng độ cồn có rất nhiều chuyện bi hài xảy ra. Nhiều người không chịu thổi, thậm chí có những câu nói lăng mạ, xúc phạm anh em, nhưng các chiến sỹ CSGT vừa mềm mại thuyết phục, vừa nhẫn nại hướng dẫn, vừa cương quyết xử lý để tài xế say xỉn cũng phải chấp hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận