Khôi phục nhiều đường bay quốc tế từ 1/1/2022, dự kiến thí điểm trong 2 tuần
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có buổi làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao một số nước như Nhật Bản, Singapore,… để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy triển khai kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.
Bộ GTVT đang tích cực làm việc với Đại sứ quán các nước để thúc đẩy kế hoạch khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng thông báo tới cơ quan đại diện ngoại giao các nước về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt cũng như Hướng dẫn số 10688 ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 (từ 1/1/2022), Chính phủ Việt Nam đồng ý tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trước mắt việc khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ dự kiến sẽ được thí điểm trong 2 tuần, bắt đầu từ 1/1/2022. Bộ GTVT sẽ xem xét mở rộng thêm trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng thông tin về việc Nhà chức trách hàng không Việt Nam đã có thư gửi tới Nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ để thống nhất về việc khôi phục lại hoạt động hàng không quốc tế chở khách và đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao trao đổi với các cơ quan liên quan trong nước để sớm thống nhất và có phản hồi về kế hoạch nêu trên để có thể nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách từ ngày 1/1/2022 , góp phần tạo thuận lợi cho đi lại của người dân cũng như khôi phục giao lưu và hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.
Trên cơ sở đề nghị của Cơ quan đại diện ngoại giao các nước, Bộ GTVT cũng đã có giải thích cụ thể về các thủ tục triển khai thực hiện kế hoạch nêu trên đối với các hãng hàng không của Việt Nam và các nước, các đường bay, tần suất và thời gian thực hiện các chuyến bay.
Quy định cách ly sẽ cản trở các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho hay: "Đại diện Đại sứ quán các nước bày tỏ sự hoan nghênh và ủng hộ chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nói chung và kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách nói riêng, đồng thời cho rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần tích cực thúc đẩy khôi phục các hoạt động hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước như trước đây cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại, kinh doanh, thăm thân,... của người dân và doanh nghiệp".
Đại diện Đại sứ quán các nước cho biết hiện nay các nước đều đã thực hiện chính sách mở cửa, khôi phục các chuyến bay quốc tế để khôi phục kinh tế và bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam xem xét tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực đối với người nhập cảnh như trước khi dịch Covid-19 bùng phát cũng như sớm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng chống Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh và có xét nghiệm RT-PCR âm tính do đây là những nguyên nhân chính cản trở các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế cũng như đi lại của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục có những buổi làm việc với Cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam để thúc đẩy việc triển khai Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách nêu trên.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam từ ngày 1/1/2022.
Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh: người nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú (gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh); không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là trẻ em), người từ 65 tuổi trở lên (sau đây gọi chung là người cao tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận