Làm báo cùng Giao thông

Đừng để chết lãng xẹt khi... đi bộ

21/02/2016, 07:44

“102 người tử nạn vì đi bộ không đúng Luật GTĐB ở Hà Nội” là một câu chuyện rất đáng suy nghĩ.

25
Các bạn trẻ sẵn sàng băng qua đường dù cầu vượt bộ hành nằm cách đó chưa đầy 20m (Khu vực Cổng trường ĐH Công Đoàn). - Ảnh minh họa

“102 người tử nạn vì đi bộ không đúng Luật GTĐB ở Hà Nội” là một câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Thông tin này ngay khi được đăng tải trên Báo Giao thông đã được nhiều bạn đọc chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội.

Tác giả bài báo cho biết, qua thống kê, các vụ TNGT khiến người đi bộ tử vong thời gian qua tăng cao. Năm 2013 có 80 người, năm 2014 có 92 người và năm 2015 có tới 102 người chết chỉ vì đi bộ không chấp hành các quy định của Luật GTĐB. Những dẫn chứng cụ thể cho thấy, có những người vì vội, qua đường bất cẩn, không quan sát, đi không đúng phần đường đã bị xe tông phải dẫn tới tử nạn.

Đáng lưu ý, chỉ trong vòng một tháng rưỡi qua, lực lượng CSGT Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 423 trường hợp đi bộ vi phạm Luật GTĐB.

Bình luận về bài báo, bạn Hoàng Thủy (Thủ Đức, TP HCM) viết: “Nhiều người nghĩ đi bộ không ai phạt được nên muốn đi sao thì đi, xem thường mạng sống của mình và gây ảnh hưởng đến người khác. Ai qua đường ngang ngược, gây cản trở dòng xe qua lại thì cần phạt mạnh mới thay đổi ý thức “.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn Văn Tiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bình luận: “Dân ta từ lâu đã có thói quen đi bộ, đi xe đạp, thậm chí cả đi xe máy là phớt lờ luật giao thông. Chuyện đang đèn xanh vẫn thản nhiên đi bộ băng qua đường đã quá phổ biến. Xe cộ cứ phải đi chậm lại tránh người đi bộ, rất ức chế”.

Bạn Lê Hoàng (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ trạng thái “đừng chết lãng nhách khi... đi bộ” khi dẫn link lại bài trên Báo Giao thông và cho rằng, ngoài phạt mạnh, chính quyền cần đảm bảo đường sá tốt cho người đi bộ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) cho biết, quá trình kiểm tra, xử lý người đi bộ vi phạm cũng gặp không ít những khó khăn. Điển hình nhất là khi CSGT ra quyết định xử phạt tại chỗ thì nhiều người đều đưa ra lý do không mang theo tiền, cả CMND cũng không.

Về ý kiến vỉa hè bị lấn chiếm, dân phải đi xuống lòng đường, nhiều phố không kẻ vạch sang đường cho người đi bộ mà vẫn phạt thì dân không phục, Đại úy Đức khẳng định những khu vực tổ chức giao thông chưa hợp lý, Phòng CSGT sẽ có kiến nghị với ngành Giao thông để thống nhất, bố trí tổ chức lại và chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt người đi bộ sai luật ở những khu vực này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.