Làm báo cùng Giao thông

Đừng đổ tội cho...Tết!

29/01/2017, 18:03

Cần phải “duy tân” như Nhật, Hàn bằng cách gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch để hòa nhập với thế giới?!

21

Không khí Tết vào công sở

Mặc dù cả thế giới lái xe bên phải nhưng Anh và phần lớn các nước thuộc địa cũ lại lái xe bên trái. Sự khác biệt này chắc chắn gây ra không ít phiền toái nhưng không vì thế mà họ thay đổi theo số đông và vẫn là một trong những cường quốc trên thế giới.

Tương tự, không thể nói chỉ còn Việt Nam và vài ba nước lân cận vừa nghèo, vừa lạc hậu là còn rú rí ăn với nhau cái Tết Âm lịch, cần phải “duy tân” như Nhật, Hàn bằng cách gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch để hòa nhập với thế giới!

Thực ra, Tết Nguyên đán vô can trong tình trạng tê liệt kéo dài tại các công sở, cơ quan, nhà máy. Trên thực tế, châu Âu cũng nghỉ lễ Tết khá nhiều. Từ Giáng sinh đến năm mới là một đợt nghỉ kéo dài tới 2 tuần. Sau năm mới là lại bắt đầu những lễ hội Carnaval mùa xuân thâu đêm suốt sáng...

Một năm trung bình một người lao động ở châu Âu được nghỉ 20 ngày phép và 10 ngày lễ, Tết, tương đương một tháng. Tính ra số ngày nghỉ ở ta cũng tương đương nhưng lại khác hẳn nhau ở “cái thái độ”: Họ làm ra làm chơi ra chơi, trước và sau nghỉ lễ, công việc chạy bình thường theo đúng nghĩa. Ngoài ra, một số cơ quan dịch vụ công của Chính phủ và doanh nghiệp đặc thù như các hệ thống siêu thị thì chỉ nghỉ đúng ngày 25/12 (Giáng sinh) và mùng 1, mùng 2 Tết Dương lịch. Họ thay nhau nghỉ phép để duy trì hoạt động sản xuất liên tục.

Còn ở ta, tâm lý rã đám đã xuất hiện trước Tết cả tháng, tranh thủ giờ hành chính đi sắm Tết, nhậu nhẹt tất niên liên miên. Cuối năm “đóng sổ” không triển khai công việc mới, đầu năm kiêng chi trả các khoản lớn... Tinh thần Tết nhất còn kéo dài sau kỳ nghỉ cho đến tận Rằm tháng Giêng! Có những nhà máy sau hai tuần đi vào sản xuất mà tới 15% công nhân vẫn chưa đi làm trở lại. Tất nhiên lương thấp, chế độ đãi ngộ kém là nguyên nhân cho tình trạng này, nhưng cả năm làm được, ra Tết lại nghỉ... chơi thì chỉ có ở Việt Nam.Tình trạng này gây tổn thất nặng nề nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi các đơn hàng quốc tế lỗi hẹn và phải chịu phạt. Tết Nguyên đán nghỉ dài còn có thể đổ lỗi, nhưng ngay cả Tết Dương lịch nghỉ có 1-2 ngày mà trước và sau Tết hiệu suất làm việc cũng cực kém, thì chỉ có thể do tính cách lười biếng, thói xuê xoa và quản lý kém cỏi của chúng ta mà thôi.

Việc một số người kêu gọi bỏ Tết âm chuyển sang ăn Tết Dương lịch là phương án cực đoan. Không cần bỏ bớt lễ Tết vì nó nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn cho con người, cần thiết như miếng cơm manh áo. Cái cần phải bỏ nằm ngay trong tư tưởng của chúng ta, đó là thói quen ăn chơi Tết la đà từ giữa tháng Chạp sang rằm tháng Giêng, là việc quản lý kém cỏi dẫn đến hiệu suất công việc thấp.

Chưa kể, nếu khéo tổ chức, Tết cổ truyền sẽ là nét văn hóa đặc sắc giúp du lịch Việt Nam tạo dấu ấn riêng, đồng thời là dịp kích cầu thị trường tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu lớn cho nền kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.