Hạ tầng

Đường lớn đánh thức tiềm năng vùng Tây Bắc

10/10/2018, 08:44

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình khánh thành ngày 10/10 sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho tỉnh Hòa Bình.

14

Một đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Sau hơn 4 năm triển khai thi công, sáng nay (10/10), tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình chính thức khánh thành, đưa vào khai thác rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí đồng thời “mở toang” cánh cửa để Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

Rút ngắn 20km, tiết kiệm nửa thời gian đi từ Hà Nội lên Hoà Bình

Khởi công tháng 5/2014, dự án BOT đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình mang theo nhiều kỳ vọng của nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc sớm hình thành một con đường lớn, hiện đại, rút ngắn quãng đường, thời gian và chi phí đi lại đến Thủ đô Hà Nội.

Trong khi hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài hơn 30km chỉ mất hơn 1 năm thi công hoàn thành cuối tháng 9/2015, hợp phần còn lại được xây dựng mới hoàn toàn từ Hòa Lạc đến Hòa Bình dài gần 26km cắt ngang qua nhiều khu vực đèo cao, suối sâu, gặp vô vàn trắc trở, khó khăn.

Theo dự kiến ban đầu, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ hoàn thành xây dựng trong 28 tháng (31/8/2016). Tuy nhiên, do gặp quá nhiều vướng mắc về công tác GPMB, kèm theo những nguyên nhân khách quan khiến dự án có thời điểm tưởng chừng vỡ trận và buộc phải gia hạn tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 56km, gồm hai hợp phần: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng mới dài 25,7km và hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km. Trong đó, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, nền đường 12m, mặt đường 11m. Dự án có tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến QL6 đặt tại Km 42+730, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đặt tại Km 17+100. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 27 năm 6 tháng 9 ngày.

Công trình trọng điểm này chỉ thực sự khởi sắc kể từ đầu năm 2018 khi lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra những chỉ đạo rất quyết liệt tháo gỡ từng nút thắt từ công tác thi công đến việc giải ngân nguồn vốn… Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn trực tiếp xuống thực địa nắm bắt tình hình và đưa ra những chỉ đạo “nóng” ngay trên công trường. Cùng với đó, chính quyền địa phương và ngân hàng tài trợ vốn cũng rốt ráo vào cuộc giải quyết dứt điểm công tác bàn giao mặt bằng, nối lại giải ngân cho dự án.

Về phía nhà đầu tư, Tổng công ty 36 với vai trò là doanh nghiệp đứng đầu liên danh cũng liên tục đưa ra những thông điệp mạnh mẽ với các đơn vị thi công, bất kể nhà thầu của gói thầu nào làm chậm tiến độ sẽ bị cắt giảm khối lượng cho đơn vị khác làm tốt hơn, nhanh hơn.

Không ít lần, PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 phải xắn áo, lội bùn đến từng điểm “nóng” trên công trường để thúc giục các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngân hàng tài trợ vốn và nỗ lực của nhà đầu tư, công tác triển khai thi công tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật từ ngày 31/8/2018.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được khánh thành đưa vào khai thác từ ngày 10/10 sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho tỉnh Hòa Bình, rút ngắn quãng đường 20km, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại từ Hòa Bình về Thủ đô Hà Nội. “Không chỉ Hòa Bình, các tỉnh khu vực Tây Bắc như: Điện Biên, Lai Châu… cũng được hưởng lợi từ tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình”, ông Khánh nói và cho biết, trước đây, đi từ trung tâm TP Hòa Bình về Thủ đô Hà Nội theo QL6 cũ hết khoảng 90 phút, nay đi theo đường Hòa Lạc - Hòa Bình chỉ mất khoảng 45 phút, tiết kiệm được thời gian sẽ tạo ra tiền bạc. Hơn nữa, tuyến đường mới giúp bà con, nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn.

15
Sau khi khánh thành đường Hòa Lạc - Hòa Bình, thời giandi chuyển từ Hòa Bình về Hà Nội chỉ còn 45 phút so với 90 phút đi trên QL6 cũ

“Mở toang” cánh cửa thu hút đầu tư vùng Tây Bắc

Chiều qua (9/10), trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH của các tỉnh Tây Bắc nói chung và Hòa Bình nói riêng.

“Giao thông đi trước mở đường sẽ kéo theo sự phát triển về KT-XH. Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình khánh thành đưa vào khai thác sẽ kết nối Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn cho tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Phải nói rằng, tuyến đường này đã “mở toang” cánh cửa để Hòa Bình thu hút đầu tư, phát triển KT-XH”, ông Tỉnh nói và cho biết, dự án càng có ý nghĩa hơn khi được triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư theo hình thức BOT, do dân làm và hoàn vốn bằng tiền phí đóng góp của người dân.

Khánh thành cầu hơn 1.400 tỷ đồng nối Việt Trì - Ba Vì

Cũng trong sáng nay (10/10), Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C theo hình thức BOT. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, nối liền Thủ đô Hà Nội với đất Tổ Hùng Vương. Sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP Việt Trì khoảng 20-30km, giảm ùn tắc và TNGT trên QL32, QL32C, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua.

Được biết, dự án đầu tư cầu Việt Trì - Ba Vì có tổng chiều dài 9,46km. Trong đó, phần cầu chính Việt Trì - Ba Vì vượt sông Hồng có chiều dài 1,55km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.463 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo ông Tỉnh, trước đây, các nhà đầu tư tìm đến Hòa Bình đều bày tỏ e ngại giao thông đi lại khó khăn, chưa thuận tiện. Đến nay, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã hoàn thành, giao thông được kết nối là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, kể cả những nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Hòa Bình.

“Hiện có nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược đã nghiên cứu và đăng ký với tỉnh Hòa Bình tham gia đầu tư vào các dự án xung quanh tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Điển hình nhất là Tập đoàn MEIKO của Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Hòa Bình với số vốn 200 triệu USD. Tập đoàn này chỉ chờ tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành là sẽ triển khai ngay dự án. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng đang đăng ký đầu tư vào Hòa Bình, trong đó có những dự án du lịch, công nghiệp, dịch vụ, kể cả phát triển đô thị”, ông Tỉnh chia sẻ.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, nhà đầu tư và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trong việc quyết tâm đầu tư, thi công và đưa tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình vào vận hành, khai thác. “Tuyến đường đã nhiều lần lỡ hẹn, phải thay đổi cả nhà đầu tư và phương thức đầu tư từ hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) sang hình thức hợp đồng BOT. Đến giờ phút này chúng ta đã thấy được thành quả, đó là một sự nỗ lực rất lớn, thỏa niềm ước mơ bao năm nay của nhân dân về một con đường lớn, ngắn nhất nối Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội. Từ nay, người dân từ Hòa Bình về Thủ đô chỉ còn 45 phút đến 1 giờ, ngược lại, từ Hà Nội về Hòa Bình, về với Tây Bắc cũng kéo lại rất gần”, ông Sinh nói và cho biết, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình không chỉ đem lại hiệu quả về KT-XH, mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng cho Hòa Bình nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.

Theo ông Sinh, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba mục tiêu đột phá của tỉnh Hòa Bình. Trước đây, các nhà đầu tư đến Hòa Bình rất băn khoăn, dù khoảng cách với Thủ đô Hà Nội không xa nhưng giao thông đi lại rất khó khăn, chỉ có QL6 là con đường độc đạo. “Tuyến QL6 đi qua khu vực đông dân cư nên việc cải tạo, mở rộng rất khó khăn vì suất đầu tư lớn. Do vậy, chủ trương đầu tư mới tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình bằng hình thức BOT là rất đúng đắn. Tuyến đường được khánh thành, đưa vào khai thác không chỉ giúp Hòa Bình thúc đẩy phát triển KT-XH mà còn đánh thức tiềm năng phát triển về công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các tỉnh khu vực Tây Bắc” ông Sinh nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.