Thời sự

Gửi thư cho Thủ tướng nêu 8 vấn đề về "báu vật" Sơn Trà

12/05/2017, 18:09

Thư khuyến nghị 8 vấn đề về Sơn Trà đã được gửi cho Thủ tướng Chính Phủ.

Voọc
Voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Lê Phước Chín

Đây là bức thư rút ra từ Hội thảo “Giải pháp Bảo tồn & Phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” do PanNature, GreenViet và DN-EBR thuộc ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 28/4 liên quan các giải pháp bảo vệ bán đảo Sơn Trà.

Được biết, Thư khuyến nghị cũng đã được Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trao cho Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) trong buổi làm việc về Sơn Trà chiều ngày 11/5. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Du lịch là Tổng cục phó Hà Văn Siêu không có ý kiến gì về bức thư này. Tổng cục Du lịch cho biết sẽ không thay đổi quy hoạch Sơn Trà.

Khẳng định quyết tâm bảo vệ báu vật Sơn Trà, bức thư vẫn được gửi đến cho người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo Đà Nẵng. Nội dung bức thư khuyến nghị 8 vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần giải quyết ngay về Sơn Trà.

Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ các Quy hoạch liên quan đến bán đảo Sơn Trà đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà. Hiện nay số liệu về diện tích Sơn Trà còn mâu thuẫn giữa các Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014, Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 cùng của Thủ tướng Chính phủ. Còn theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Sơn Trà) thì KBTTN Sơn Trà chỉ có diện tích 1.826,5ha trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 2.810,9ha.

Sơn Trà (4)
Một góc bán đảo Sơn Trà bị đào với nham nhở để xây biệt thự khiến dư luận bức xúc thời gian qua. Ảnh: Tấn Việt

Thứ hai, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt là chuyển đổi đất rừng đặc dụng/KBTTN sang “đất khác”. Lưu ý rằng khái niệm rừng ở độ cao 200m trở xuống ở Sơn Trà được xếp loại “rừng nghèo” là không đúng cơ sở khoa học và cần có đánh giá khách quan của cơ quan chuyên môn.

Thứ ba, tổ chức điều tra và thẩm định lại Đánh giá Môi trường chiến lược đối với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tại Thuyết minh Quy hoạch Sơn Trà, phần đánh giá tác động môi trường rất sơ sài, các tác động đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước lại gần như chưa được đề cập.

Thứ tư, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ năm, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Sơn Trà

Chiến dịch ký tên "Giải cứu Sơn Trà" đã có gần 11.000 người tham gia. Ảnh chụp màn hình

Thứ sáu, xây dựng cơ chế thống nhất giao 1 đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà. Xây dựng các barie kiểm soát, thu vé tham quan bán đảo Sơn Trà và xây dựng lộ trình chuyển đổi các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường trên bán đảo như xe điện, xe đạp, đi bộ thay cho các phương tiện cơ giới.

Thứ bảy, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà. Theo đó, hình ảnh Voọc Chà vá chân nâu được xây dựng thành biểu tượng linh vật của Đà Nẵng tương tự như gấu trúc ở Trung Quốc, đại bàng đầu trắng ở Mỹ, Kangaroo ở Úc để thu hút du khách đến Đà Nẵng.

Thứ tám, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý KBTTN Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên Đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine. Theo đó, doanh thu từ du lịch sinh thái như vé tham quan, quà lưu niệm sẽ được tái đầu tư vào các chương trình bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu và giáo dục quan trọng tại cộng đồng địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.