Thu hoạch ngao tại vùng biển Kiến Thụy, Hải Phòng |
Dân xin đóng thuế mà không được (!?)
Cuối tháng 8/2017, tại trụ sở UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) diễn ra một buổi làm việc khá đặc biệt bàn về công tác quản lý khu vực bãi triều cửa sông Văn Úc. Tại cuộc họp này, một trong những ý kiến được người dân đưa ra nhiều nhất là: Khu vực bãi triều cửa sông Văn Úc vốn từ xa xưa được các ngư dân đánh bắt cá, sản vật biển. Những năm gần đây, nhận thấy việc nuôi ngao đem lại giá trị kinh tế cao, người dân đã tự phát nuôi ngao tại các bãi triều.
Từ một vài hộ nuôi ngao, tới nay tại khu vực cửa sông Văn Úc đã có hàng trăm hộ dân cùng góp vốn nuôi ngao, thu hút hàng nghìn lao động. Người dân mong muốn được làm ăn lâu dài, muốn được quy hoạch vùng nuôi ngao để từ đó thuê mặt nước, đóng thuế cho Nhà nước.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì cùng các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai; căn cứ các quy định của pháp luật, quy định hiện hành liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định “Quy định tạm thời giao, cho thuê mặt nước biển khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố”. |
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ bãi nuôi ngao (xã Đại Hợp, Kiến Thụy) chia sẻ: “Từ thời cha ông chúng tôi đã bám biển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở đây. Nay chúng tôi vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi thả ngao từ năm 2009, làm ăn sinh sống và đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn huyện. Chúng tôi mong mỏi chính quyền địa phương quy hoạch vùng nuôi ngao, chúng tôi sẵn sàng đóng thuế để có thể ổn định sản xuất lâu dài. Tuy vậy, nguyện vọng này của chúng tôi đã đề đạt rất lâu rồi mà không thực hiện được vì… chẳng biết đóng thuế ở đâu”.
Ý kiến của chị Yến mong muốn được đóng thuế cho Nhà nước là nguyện vọng chung của hàng trăm hộ nuôi ngao. Không chỉ ý kiến trong các cuộc họp, họ đã viết đơn “xin được đóng thuế” gửi tới nhiều cấp chính quyền địa phương nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, tại Hải Phòng hiện có khoảng 4.000ha bãi triều thuộc 6 quận, huyện ven biển là: Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng và Hải An. Một thực tế là người nào muốn được sở hữu một bãi nuôi ngao cũng đều phải bỏ ra một số tiền rất lớn để thuê mặt nước. Tuy nhiên, số tiền đó không vào ngân sách Nhà nước và người dân vẫn mang tiếng “làm chui”.
Chỉ cần làm phép tính đơn giản, nếu 1ha mặt nước được cho thuê với giá rẻ nhất hiện nay là 5 triệu đồng thì với 4.000ha, mỗi năm ngân sách TP Hải Phòng thất thu khoảng 20 tỷ đồng.
Loay hoay quản lý
Vùng cửa biển Hải Phòng thời gian gần đây “dậy sóng” bởi cuộc chiến của những hộ nuôi ngao với nạn cát tặc. Người nuôi ngao tự bảo vệ mình bằng cách lập ra các “đội tự quản” xua đuổi các tàu cát tặc vào bãi ngao của họ để hút cát. Nhiều xung đột đã xảy ra tại vùng cửa biển tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Chính vì thế, các quận, huyện có bãi triều ven biển tại Hải Phòng đều rất sốt sắng đề xuất các phương án quản lý bãi triều ven biển nhằm ổn định an ninh trật tự và địa phương cũng có nguồn thu từ cho thuê mặt nước. Tuy nhiên, tất cả đều đang vướng mắc bởi chưa có phân định địa giới hành chính vùng quản lý mặt nước tại các địa phương.
Được biết, UBND TP Hải Phòng đã từng có văn bản giao Sở Nội vụ tiến hành rà soát, tham mưu với thành phố việc phân giới cắm mốc địa giới hành chính trên khu vực mặt nước, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Sở TN&MT và Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ quy hoạch khu vực khai thác mặt nước nhưng cũng chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng thừa nhận: Thời gian qua, công tác quản lý hành chính trên biển chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc khai thác, sử dụng mặt nước biển chưa hiệu quả, thất thu ngân sách. Đặc biệt, vẫn để xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao và các doanh nghiệp khai thác cát, gây mất trật tự an ninh trên biển…
“Nguyên nhân là do chưa phân định cụ thể địa giới hành chính trên biển giữa các địa phương có mặt nước ven biển, gây khó khăn trong công tác quản lý và lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản của các địa phương”, ông Sơn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận