ĐBQH Lê Thanh Vân |
Việc Chính phủ và Ủy ban TVQH thống nhất xin lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu) cho thấy các cơ quan liên quan đã lắng nghe, kịp thời tiếp thu ý kiến của nhân dân, cử tri cả nước, của ĐBQH và của các chuyên gia. Vậy, luật này cần chỉnh sửa, bổ sung gì để hiệu quả?
ĐBQH Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Cần thiết, nên trưng cầu ý dân
Dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu) có mục tiêu đúng, là mong muốn thiết kế được một “phòng thí nghiệm về thể chế”, tạo ra đột phá cho sự phát triển như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, nội dung của dự thảo luật còn một số vấn đề cần phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, tạo nhận thức chung, phù hợp với mô hình phát triển hiện nay và phù hợp với đặc điểm của nước ta. Bởi vậy, tôi cũng từng nói, dự án luật này nên được dời lại để chuẩn bị kỹ hơn, nếu cần thiết thì xin ý kiến nhân dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân. Đặc biệt, với một số vấn đề nhạy cảm, phải xin ý kiến từng ĐBQH trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong thời gian hoàn thiện Dự luật này, tôi cho rằng, có các vấn đề cần phải đánh giá kỹ, trước hết là mô hình đặc khu. Đến nay, thế giới đã trải qua 3 thế hệ của mô hình đặc khu: Cảng tự do sơ khai, các đặc khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế hướng vào các giá trị lõi. Ở thế hệ thứ hai, do bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực còn bị khép kín nên rất cần mở cửa với các ưu đãi vượt trội, hấp dẫn, lôi kéo mọi nguồn lực. Ngày nay, kinh tế thế giới, khu vực đã thay đổi theo hướng mở với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Do vậy, vấn đề cốt tử là phải cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, chứ không phải là các ưu đãi.
Với việc xây dựng các “đặc khu”, chúng ta phải xác định rõ những nhu cầu chiến lược cần thu hút đầu tư, tạo nên những đột phá thực sự, kích hoạt mạnh mẽ, có tính dây chuyền, mà theo tôi là công nghệ cao, công nghệ vượt trội và nghiên cứu phát triển.
Do đó, tôi cho rằng, chỉ nên ưu đãi lĩnh vực mà đất nước đang cần. Nếu ưu đãi tràn lan, một mặt sẽ vi phạm các cam kết trong các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết. Mặt khác, tạo sự bất bình đẳng về chính sách đối với các đối tác trong nước, tạo ra “cuộc đua xuống đáy” như các chuyên gia đã cảnh báo.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng |
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Thường trực ủy ban Các vấn đề xã hội):
Lùi dự luật để hoàn thiện
Việc Chính phủ và Ủy ban TVQH thống nhất xin lùi dự án Luật Đặc khu để hoàn chỉnh theo ý kiến của cử tri và nhân dân là cần thiết, thể hiện được sự cẩn trọng, nhạy bén và linh hoạt của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan trong quá trình làm luật. Bởi thực tế, nhiều ý kiến góp ý vừa qua cũng rất xác đáng và nghiêm túc.
Trách nhiệm của cơ quan làm luật là phải lắng nghe các ý kiến phản biện từ xã hội, làm sao tạo được sự đồng thuận, phúc đáp yêu cầu của xã hội.
Vừa qua, bên cạnh những ý kiến góp ý cũng có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này để chống phá, kích động nhân dân chống lại chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng xuyên suốt, chúng ta vẫn nhấn mạnh quan điểm phải tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi, đồng bộ để đảm bảo Nhà nước có những điều kiện quản lý tốt hơn, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Làm cái mới bao giờ cũng khó khăn nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Việc lập đặc khu không phải là làm thí nghiệm và chấp nhận rủi ro, mà ta phải tìm cách hạn chế thấp nhất rủi ro về xã hội, về kinh tế.
Bởi vậy, trong thời gian hoàn thiện Luật cần chú ý chỉnh lý các quy định cho phù hợp. Trước hết là giảm thời hạn cho thuê đất ở đặc khu, kiểm tra lại các cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó, hết sức lưu ý điều kiện tiếp nhận các nhà đầu tư; phải chọn những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực thực sự, có mong muốn đầu tư lâu dài và đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng nhất, mang lại lợi ích cho các bên.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền |
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên):
Cầu thị và tôn trọng nhân dân
Với dự Luật Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt, thời gian qua tôi nhận được nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự lo lắng và mong tôi chuyển tâm tư của họ đến với Quốc hội. Theo dõi tình hình, diễn biến dư luận xã hội trong những ngày gần đây, những làn sóng phản ứng mạnh mẽ, trong đó có cả sự ủng hộ và chia sẻ cùng Chính phủ khi dự thảo Luật được trình ra Quốc hội tiếp tục góp ý kiến tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, với mức độ phản ứng như vậy, tôi cho đó là dấu hiệu của xung đột xã hội mà các nhà quản lý, nhà làm luật không thể không quan tâm để nhận định, phân tích và xử lý khủng hoảng. Một Chính phủ và Quốc hội vì dân phục vụ cần được thể hiện rõ hơn vào thời điểm quyết định này. Tôi thật sự rất mừng khi nhận được thông tin Chính phủ trình Quốc hội xin lùi thời gian thông qua Dự luật này vào kỳ họp sau.
Điều này cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng nhân dân. Chẳng ai khác ngoài nhân dân, là một bộ phận xã hội có tính phản biện sâu sắc nhất về luật và chính sách. Bởi chính họ là đối tượng tiếp nhận, chịu sự quản lý, chi phối và ảnh hưởng từ luật pháp. Bên cạnh đó, là một Chính phủ tin tưởng, đề cao các ý kiến có giá trị của các chuyên gia kinh tế, chính trị, xã hội, ý kiến của các luật gia. Những ngày qua họ đã có những bài viết phân tích, đánh giá rất kỹ, rất sâu trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm với đất nước. Đó thật sự là một tín hiệu rất tốt và tôi hy vọng rằng, người dân sẽ phần nào yên tâm, sẽ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới.
Một đạo luật khi được thông qua có thể không nhận được sự thống nhất tuyệt đối nhưng nhất định phải đạt được sự đồng thuận cao hoặc cũng phải tương đối giữa ý chí của nhân dân với ý chí của cơ quan soạn thảo, ban hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận