Giao thông

Nên dùng công nghệ nào thu phí ô tô vào nội đô?

23/12/2016, 17:00
image

Thu phí giao thông vào nội đô đang được hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM tính toán để áp dụng.

Xe ô tô nối đuôi nhau ra, vào trung tâm thành phố

Xe ô tô nối đuôi nhau ra, vào trung tâm TP Hà Nội (Chụp trên đường Giải Phóng đoạn gần bến xe Nước Ngầm). Ảnh: Khánh Linh.

Thu phí giao thông vào nội đô đang được hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM tính toán để áp dụng trong thời gian tới. Vấn đề được nhiều người quan tâm là cách thức triển khai thế nào, công nghệ ra sao để đảm bảo hiệu quả, công bằng, không gây ùn tắc…

Xe ô tô cá nhân sẽ được cấp một thẻ hoặc miếng OBU

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là giải pháp tiên quyết để giảm ùn tắc giao thông. Thành phố sẽ áp dụng cả biện pháp hành chính lẫn kinh tế bằng việc thu phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào những nơi hạ tầng giao thông không đáp ứng được, dễ gây ùn tắc giao thông. “Khi thu phí trên tuyến đường nội đô, các chủ phương tiện sẽ cân nhắc có quyết định đi vào tuyến đường đó hay chọn tuyến khác không mất phí. Từ đó, sẽ kéo giãn được lượng phương tiện lưu thông trong nội đô, ùn tắc giao thông sẽ giảm”, ông Viện nói.

Xem thêm video:

Tương tự, Đề án thu phí ô tô vào trung tâm cũng được UBND TP HCM chấp thuận từ năm 2012 và đang tính toán để triển khai trong thời gian tới. Theo đề án, việc thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động không dừng. Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe ô tô.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề công nghệ triển khai thu phí liệu có khả thi, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, hoàn toàn có thể làm được. Thực tế nhiều nước trên thế giới đã thực hiện giải pháp thu phí giao thông lưu hành trong thành phố. Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) cho rằng, nên thu phí theo khu vực và sau đó thu theo những tuyến đang bị ùn tắc như một số nước đã làm. Ví như làn xe buýt nhanh chẳng hạn, nếu xe nào có đóng phí có thể được phép lưu thông trong làn của xe buýt nhanh để được đi nhanh hơn. Còn ai không đóng phí phải đi làn ngoài chậm hơn. Như vậy, vừa có làn riêng cho xe buýt, vừa thu được phí để tái đầu tư hạ tầng công cộng.

Về công nghệ áp dụng, theo ông Quân, hệ thống thu phí không dừng sắp áp dụng rộng rãi trên cả nước. Công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng để thu phí trong nội đô. Vấn đề hiện nay là tính pháp lý, bởi trong quy định hiện nay chưa có loại phí chống ùn tắc giao thông. Khi áp dụng thu phí, về nguyên tắc người dân muốn đi vào trung tâm sẽ phải đi bằng các phương tiện công cộng. Dần dần các khu dân cư, trường học, công sở... sẽ phải đẩy ra ngoài nội đô vì nếu xe đi vào nội đô sẽ phải mất chi phí.

“Hiện trên thế giới, công nghệ thu phí này đã được áp dụng rộng rãi. Đối với đô thị ở ta trước đây, tôi đã từng đề xuất thu mức 40.000 - 60.000 đồng/lượt là phù hợp”, ông Quân cho hay.

Một lãnh đạo Phòng kinh doanh Công ty ITD cũng cho biết, khi áp dụng quy định thu phí vào nội đô, mỗi xe ô tô cá nhân sẽ được cấp một thẻ hoặc miếng OBU và dán trên kính xe để tương tác giữa xe và thiết bị đầu đọc trang bị trên đường, thiết bị sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của chủ xe tùy theo tuyến đường, khoảng cách di chuyển.

Ai đi nhiều thu nhiều, ai đi ít thu ít

Đồng tình với việc thu phí phương tiện vào nội đô, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT cho rằng, rất nhiều nước trên thế giới đã làm, trong đó có Singapore. Theo đó, khi xe đi vào tuyến đường có thu phí sẽ tự động bị thu tiền trên cơ sở mức phí được niêm yết. Do đó, không phải bất cứ ai cũng có thể đi được khắp thành phố của Singapore. Thậm chí, họ thu phí theo giờ. Có những thời điểm trong ngày mức phí rất cao, nên người dân không dám sử dụng phương tiện cá nhân, mà chuyển sang phương tiện công cộng. “Như vậy, ở đây chỉ có hai lựa chọn. Một là, chấp nhận tắc đường mấy tiếng, hai là, phải có giải pháp để chống tắc đường. Và một trong những giải pháp là thu phí đi trên đường. Ai đi nhiều thu nhiều, ai đi ít thu ít sẽ rất công bằng”, ông Bình nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cũng khẳng định, Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở GTVT Hà Nội cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang xây dựng cũng đã đề cập các giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội. “Hà Nội đang nghiên cứu xem sẽ thu phí (ô tô) từ vành đai 3 trở vào hay chỉ thu từ vành đai 2. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ thảo. Khi đề án được phê duyệt, sẽ tính toán cụ thể áp dụng công nghệ nào cho phù hợp”, ông Mười nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.