Làm báo cùng Giao thông

Nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm: Đừng có lỗi với dân!

09/10/2018, 16:53

Dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm vừa được HĐND TP.HCM thông qua có cần thiết?

duong_thu_thiem_2_zing_1_1_1

HĐND TP HCM vừa nhất trí thông qua dự án xây dựng nhà hát giao hưởng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân 

Trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập văn hoá, những nơi biểu diễn nghệ thuật như nhà hát giao hưởng là cần thiết để phục vụ thẩm mỹ âm nhạc hàn lâm của công chúng và để góp phần vào việc giao lưu âm nhạc với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, nhà hát giao hưởng không thể dễ dãi như các loại hình giải trí khác, như: rạp chiếu bóng, rạp xiếc, rạp kịch, sân khấu ca nhạc… Nhà hát giao hưởng phải được xây dựng bằng tinh hoa kiến trúc để lột tả hết tính đặc thù của loại hình âm nhạc này. Vị trí địa lý cũng phải nằm trên vành đai đắc địa và thuận lợi để tạo dấu ấn giúp thúc đẩy du lịch phát triển (ví dụ như Opera House ở Sydney hay Carnegie Hall ở New York). Hơn hết, một nhà hát giao hưởng chỉ có sức sống nếu nó là “nơi ăn chốn ở” của các nghệ sĩ hàn lâm, và là nơi thưởng thức âm nhạc thực sự của công chúng.

Nói đến nhu cầu thưởng thức âm nhạc hàn lâm của TP. HCM, tuy chưa có cuộc khảo sát thực tế, nhưng theo quan sát của người viết, dựa vào thực tế hiện nay, thị trường nhạc giao hưởng không phải “ít khán giả” mà có thể nói là “không có khán giả”. Trừ những buổi biểu diễn mang tầm vóc quốc tế, khán giả trong những buổi biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch chủ yếu là gia đình của nghệ sĩ biểu diễn, sinh viên Nhạc viện, và… khách mời.

Cần nói đôi chút về lực lượng khách mời. Khách mời tức là VIP, mà nhiều VIP tâm sự rằng họ cũng “khổ tâm” lắm vì họ đâu thích đi xem nhạc hàn lâm, được tặng vé không đi cũng kỳ, mà vô ngồi ngủ như đi họp Liên hiệp quốc thì đâu có được, thế nên phát sinh thêm thị trường tặng vé xem nhạc thính phòng rất nhộn nhịp. Tặng qua tặng lại thôi, chưa chắc người được tặng đã đi, hàng ghế VIP vắng hoài, thấy thương!!!

Thành phố thực sự cũng cần một nhà hát giao hưởng tầm cỡ quốc tế. Nhà hát Thành phố và Phòng hoà nhạc của Nhạc viện hiện nay tuy chưa hoạt động hết công suất nhưng đều không đủ tiêu chuẩn.

Thế nhưng xây dựng nó trong thời điểm thành phố nói riêng và đất nước nói chung còn nhiều “nút thắt” về kinh tế liệu đã phù hợp, khi ngày ngày người dân thành phố vẫn phải chịu đựng cảnh quá tải ở các bệnh viện, trường học?

Và nhất là, xây dựng trên một vị trí vô cùng nhạy cảm như Thủ Thiêm hiện nay có phải là ý tưởng tốt? (Việc đền bù cho người dân oan khiên chưa xong, lại xây một nhà hát giải trí trên đất của họ?).

Đó là chưa kể con số 1.500 tỷ đồng sẽ được sử dụng như thế nào, nhà hát sẽ được xây dựng ra sao, chúng ta sẽ có một nhà hát để “tự hào” hay nó lại là một gánh nặng khác sau khi ra đời? Nếu không có sự thay đổi về giáo dục âm nhạc học đường thì trăm năm nữa vẫn vậy. Có thể nhìn thấy trước tương lai 10 năm tới, thị trường nhạc hàn lâm sẽ không có gì thay đổi.

Sự xuất hiện của một nhà hát mới càng không thể lấy làm nguồn cơn để khẳng định nó sẽ giúp âm nhạc hàn lâm phát triển. Ở những nước có âm nhạc hàn lâm phát triển (Mỹ, Anh, Đức, Áo, Nhật...), tất cả đều bắt nguồn từ giáo dục phổ cập học đườngchứ không phải theo kiểu "con nhà nòi" như ở Việt Nam.

Nhìn chung, xét trên 3 phương diện: nhu cầu công chúng, làm công cụ thúc đẩy du lịch, làm nguồn cảm hứng giúp âm nhạc hàn lâm phát triển, tất cả đều không có một dấu hiệu nào cho thấy việc chỉ xây dựng một Nhà hát giao hưởng ở Thủ thiêm sẽ đáp ứng được.

Người dân thành phố cần nhiều thứ, dẫu vậy, quan trọng hơn là cần chứng minh "nhu cầu cấp thiết" một cách minh bạch chứ không phải là những câu nói “phục vụ giải trí” vô hồn từ các vị đại biểu HĐND Thành phố.

Nếu không, dù xây nhà hát hay bảo tàng nghìn tỷ rồi để đó thì cũng chỉ là những dự án có lỗi với nhân dân, đất nước.

LTS: Sáng 8/10, kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khoá IX đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Thông tin này ngay lập tức gây ra những phản ứng trái chiều. Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông xin giới thiệu một số ý kiến bạn đọc về dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2022 này.

*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả không nhất thiết trùng với quan điểm của tòa soạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.