Nóng bỏng hỗn chiến “ngao-cát” ở Hải Phòng

11/10/2018, 07:36

Những cuộc đụng độ, đổ máu tiếp tục diễn ra nơi cửa biển Hải Phòng, giữa người nuôi ngao chống lại đội quân...

21

Tàu cát bị người dân bắt giữ

Cuộc đụng độ trên biển

Ngày 10/10, sau 2 ngày giằng co quyết liệt, một biên bản làm việc đã được Đồn Biên phòng Kiến Thụy lập và ghi nhận vụ việc ẩu đả trên vùng cửa biển Hải Phòng.

Trước đó, sáng 8/10, phát hiện nhiều tàu hút cát xông vào bãi nuôi ngao của người dân ở khu vực Gồ Đông (cửa sông Văn Úc), thò “vòi rồng” vào hút cát, người dân huy động lực lượng truy đuổi. Một trận chiến trên biển đã diễn ra khi người dân dùng chai lọ ném đuổi tàu cát. Các đối tượng trên tàu cát huy động người ra boong tàu ném trả bằng gạch đá, dùng dao, tuýp sắt lao vào chém. Hai phụ nữ nuôi ngao bị các đối tượng trên tàu cát dùng tuýp sắt đập vào cánh tay phải nhập viện, một nam thanh niên trong nhóm người nuôi ngao bị đánh máu chảy lênh láng. Tuy nhiên, họ đã bắt giữ được 3 chiếc tàu khai thác cát “áp tải” về bãi sông trước cửa Trạm Biên phòng Đoàn Xá để bàn giao cho lực lượng chức năng.

3 chiếc tàu gồm tàu ND - 2887; HD - 1364 và 1 tàu không có biển số. Khi về tới đất liền, một “cuộc chiến” khác tiếp tục diễn ra giằng co khi những người trên tàu kiên quyết không rời khỏi boong tàu được khóa kín còn người nuôi ngao một mực yêu cầu họ ra khỏi tàu. Lực lượng biên phòng nhận được tin báo của người dân đã cử lực lượng tới hiện trường ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên, người dân không đồng ý với cách giải quyết của lực lượng biên phòng, yêu cầu buổi làm việc có sự chứng kiến của các cơ quan báo chí. Lực lượng biên phòng cho rằng cơ quan báo chí không có trong thành phần tham dự buổi làm việc. Sự việc kéo dài suốt từ sáng tới chiều vẫn không có kết quả, người dân mang cơm hộp đến cửa Đồn Biên phòng Kiến Thụy chờ đợi giải quyết.

Sự việc căng thẳng, kéo dài mãi tới ngày 10/10, đại diện các hộ dân nuôi ngao đồng ý ký vào biên bản sự việc, đồng thời bàn giao một số tang vật là dao, tuýp sắt thu giữ được. Về phía những người bị thương là chị Nguyễn Thị Luyến và Nguyễn Thị Tuyết (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) đã được đưa vào viện điều trị. Đại diện các hộ nuôi ngao cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với cách giải quyết của Đồn Biên phòng Đoàn Xá nên đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng khác như UBND huyện, công an, Viện Kiểm sát”.

23

Tàu cát bị người dân bắt giữ (ảnh lớn); Người dân bị đánh đang điều trị tại bệnh viện (ảnh nhỏ)

Cuộc chiến đến bao giờ?

Vùng cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) trong mấy năm gần đây chưa bao giờ hết “nóng” bởi cuộc chiến ngao - cát và từng được Báo Giao thông phản ánh. Máu đã nhiều lần đổ trên vùng cửa biển này, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang bối rối.

Bãi Gồ Đông là gồ cát rộng thênh thang ngay cửa sông Văn Úc, thuộc địa bàn giáp ranh xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), phường Bàng La, Vạn Hương (quận Đồ Sơn) và xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng). Theo những người dân các địa phương, tổng diện tích bãi nuôi ngao ở đây lên tới 10 nghìn ha, trải dài theo khu vực cửa sông Văn Úc, kéo dài từ quận Đồ Sơn về huyện Tiên Lãng. Người dân nuôi ngao tại đây từ năm 2005, đến tháng 12/2016 bắt đầu xuất hiện những con tàu khai thác cát trái phép, ngày đêm sử dụng vòi hút sâu vào các bãi cát khu vực người dân đang nuôi ngao, khiến hàng trăm ha diện tích nuôi ngao bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều nơi ngao chết trắng bãi.

Đối với vụ việc đánh nhau giữa các hộ nuôi ngao và tàu cát tặc khiến một số người bị thương xảy ra ngày 8/10, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, đã nhận được báo cáo từ Đồn Biên phòng 42. “Lực lượng biên phòng khẳng định, sẽ điều tra công tâm theo quy định của pháp luật. UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng như công an, Phòng TN&MT, chính quyền địa phương vào cuộc bảo đảm an ninh trật tự khu vực”, ông Thảo cho biết. 

Không thể đứng nhìn mồ hôi, nước mắt của mình bị hủy hoại, người nuôi ngao ban đầu trình báo các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông  Vũ Chí Tuân, Hội trưởng Hội Nuôi ngao Kiến Thụy cho biết: “Chúng tôi nhiều lần báo cho Đồn Biên phòng Kiến Thụy việc tàu cát vào bãi ngao hút cát, hút cả ngao nhưng họ hầu như không giải quyết. Thậm chí, rất nhiều lần chúng tôi bắt tàu bàn giao cho biên phòng nhưng họ lại thả ra. Trước việc đó, chúng tôi phải lập tổ tự quản để bảo vệ bãi ngao của mình”.

Bất ngờ hơn, khi việc khai thác cát trái phép tại các bãi ngao đang trở nên căng thẳng thì tháng 5/2017, một số doanh nghiệp đã đưa phương tiện, tàu thuyền chở phao tiêu ra khu vực bãi ngao người dân đang nuôi trồng để cắm, nhận lãnh địa. Một số doanh nghiệp đáng chú ý được bà con ghi lại như Công ty Thành Trang, Công ty Đông Kinh… bất ngờ thông báo cho người nuôi ngao “đây là khu vực đã được chính quyền cấp phép khai thác khoáng sản” và yêu cầu người dân ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, khi được hỏi giấy phép thì các doanh nghiệp này đều không đưa ra được, đồng thời thách thức người dân.

Phẫn nộ trước vụ việc, các hộ nuôi ngao đã phản đối việc cắm phao và thu hồi toàn bộ phao tiêu, giao cho trạm kiểm soát biên phòng 42 xử lý. Sau đó, người nuôi ngao đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng TP Hải Phòng và T.Ư kêu cứu.

Tháng 12/2017, UBND huyện Kiến Thụy đã lập quy hoạch chi tiết bãi nuôi ngao. Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu được lựa chọn là đối tác đo đạc, khảo sát hiện trạng các hộ nuôi ngao. Trên cơ sở đó, ngày 24/4/2018, UBND huyện Kiến Thụy phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ngao ven biển với 750ha. Diện tích này chỉ còn 1/4 so với diện tích thực tế người dân đang nuôi ngao. Điều đáng nói, diện tích được phê duyệt lại nằm nhiều ở khu vực lòng sông và bãi sình lầy, không thích hợp cho việc nuôi ngao. Rất nhiều lần người nuôi ngao đã lên gặp lãnh đạo huyện Kiến Thụy yêu cầu giải thích rõ. Tuy nhiên, đến nay chưa có câu trả lời nào.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: Việc tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao và tàu khai thác cát diễn ra từ lâu, huyện đã cử lực lượng công an phối hợp với đồn biên phòng để đảm bảo ANTT. Thành phố đã cho quy hoạch nuôi ngao, tới đây, Sở TN&MT hướng dẫn về bàn giao mặt đất, mặt nước. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu nuôi ngao đăng ký, vào khu vực quy hoạch. Hiện nay, có 4 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản trong khu vực nhưng vẫn chưa hoàn tất các thủ tục nên chưa được khai thác cát ở đây. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.