Tiến độ thi công nút giao Dầu Giây bị "lụt" do vướng GPMB. |
Dự án mở rộng, xây cầu vượt “xóa” điểm đen giao thông tại ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) tiến độ thi công rất chậm do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).
Họp nhiều... giao mặt bằng vẫn chậm
Theo kế hoạch dự án nút giao ngã tư Dầu Giây dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018. Thế nhưng đến nay mới hoàn thành các hạng mục thoát nước và mở rộng 1,5km trên QL20 (đoạn từ cầu Gia Đức đến nút giao). Hạng mục chính và quan trọng nhất để “xóa” điểm đen giao thông là cầu vượt tại nút giao đang đứng trước nguy cơ ngưng thi công do vướng mặt bằng.
Ghi nhận trên công trường nút giao Dầu Giây vào trung tuần tháng 10, hàng chục công nhân đang khẩn trương thi công các hạng mục cầu vượt hướng phía Bắc đã dần thành hình hài. Tuy nhiên nửa cầu vượt còn lại chưa thể thi công đồng loạt do nhà thầu hết đất để thi công. Do đang thi công công trình nên làn đường ở đây bị thu hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai gây xung đột giao thông, dẫn đến ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ông Hồ Sỹ Hiệp, chỉ huy phó thi công dự án nút giao Dầu Giây (nhà thầu Đông Mê Kông) cho biết: Hiện, tiến độ dự án đang chậm 23% so với kế hoạch đề ra do mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ, thời gian thi công phải kéo dài cùng với đó là mật độ phương tiện giao thông rất cao khiến công tác thi công, đảm bảo ATGT gặp rất nhiều áp lực. “Về tiến độ, nhà thầu đã lập lại tiến độ cho phần khối lượng thi công còn lại sau khi có mặt bằng (dự kiến là ngày 15/10) và đã trình Ban quản lý dự án 7. Tính tới thời điểm này thì nhà thầu thi công cũng chưa biết đến bao giờ sẽ có mặt bằng sạch để có phương án điều động nhân lực thi công”, ông Hiệp cho hay.
Đơn vị thi công chưa thể thi công nhánh cầu vượt hướng về TP.HCM |
Ông Đỗ Duy Hưng, phụ trách công tác điều hành dự án nút giao Dầu Giây Ban 7 cho biết: Hiện tại đoạn tuyến QL1 còn lại từ Km1832+400 - Km1833 (phạm vi cầu vượt Dầu Giây từ trụ T3 đến mố M2) và nhánh rẽ Đà Lạt - TP.HCM do vướng mắc nêu trên chưa có mặt bằng thi công. Sau rất nhiều cuộc họp xử lý do UBND tỉnh Đồng Nai và các Sở ban ngành địa phương chủ trì đến ngày 28/5 UBND tỉnh có Văn bản số 5309/UBND-ĐT chấp thuận chủ trương xác định diện tích đất thu hồi.
Đến ngày 15/9, Trung tâm Phát triển Qũy đất huyện Thống Nhất đã thực hiện kiểm đếm xong nhưng chưa áp giá đền bù được và báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị giải quyết. Tiếp đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên môi trường chủ trì họp các bên liên quan để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay, công tác áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường,vẫn gặp vướng mắc. Công tác GPMB kéo dài tính từ lúc khởi công đến nay là 1 năm 8 tháng.
Cần sớm công bố giá bồi thường
Cũng theo ông Đỗ Duy Hưng hạng mục cầu vượt Dầu Giây đến nay chỉ đạt 60% khối lượng thi công. Do yêu cầu tiến độ gấp rút, Ban QLDA7 và Nhà đầu tư đã chỉ đạo Nhà thầu thi công tranh thủ tối đa điều kiện mặt bằng hiện có trên QL1 để hoàn thành các vị trí mố M1, các trụ từ T1 đến T6. Trong tháng 10 sẽ lao lắp dầm tiếp 4 nhịp còn lại. Hiện tại, phạm vi thi công cầu vượt Dầu Giây đã hết và không thể triển khai được các vị trí trụ T7, T8, T9, mố M2, tường chắn mố M2 và đường song hành hai bên. “Vấn đề mấu chốt là cần đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng còn lại trong tháng 11 để nhà thầu huy động tổng lực thiết bị máy móc thi công nước rút sớm hoàn thành dự án ”, ông Hưng thông tin.
Nút giao Dầu Giây thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT |
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 16/10 ông Phạm Sanh giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thống Nhất (Trung tâm) cho biết, đến nay Trung tâm đã hoàn thành việc đo đạc, kiểm đếm diện tích đất các hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án. Theo ông Sanh trước đây người dân cho rằng phải có ý kiến của tỉnh về giá đất, chủ trương thu hồi đất các hộ dân mới đồng ý cho đo đạc kiểm đếm, Tuy nhiên trong quá trình vận động đây là công trình trọng điểm khi hoàn thành sẽ xóa điểm đen TNGT, giao thông thuận lợi hơn… qua quá trình vận động giải thích thì bà con đồng thuận phối hợp cho kiểm đếm trước.
“Hiện, Sở Tài nguyên Môi trường đang phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát giải quyết các vấn đề về giá đất, diện tích thu hồi. Sau khi Sở Tài nguyên có ý kiến tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù huyện sẽ thực hiện ngay công tác tiếp theo để bàn giao mặt bằng”, ông Sanh nói.
Liên quan đến tuyến tránh Bảo Lộc (Lâm Đồng) đại diện Ban 7 cho biết: Đến nay vẫn xảy ra các hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng tái lấn chiếm cản trở thi công gồm 1 hộ tại xã Lộc Châu và 17 hộ tại địa phận xã Lộc Nga tiếp tục khiếu nại về đơn giá đền bù. Nhánh vuốt nối đường Âu Cơ vào tuyến chính, các hộ dân đang khiếu nại về đơn giá đền bù, đến nay địa phương chưa giải quyết xong nên chưa có cơ sở áp giá đền bù hỗ trợ cho các hộ dân để bàn giao mặt bằng thi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận