Đã có nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật sau vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam |
Hết mặn mà vì đã thấm mệt?
Chỉ riêng những tháng đầu năm 2018, gần chục cán bộ, kiểm lâm viên thuộc các đơn vị của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã viết đơn xin thôi việc, nghỉ hưu sớm. Ngoài kiểm lâm viên Nguyễn Xuân H. do hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo, xin nghỉ một lần, số cán bộ kiểm lâm viên còn lại vẫn đang công tác, triển khai nhiệm vụ bình thường…
Theo lãnh đạo BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nghị định hiện hành quy định với rừng đặc dụng, tối đa không quá 500ha/kiểm lâm. Nhưng rừng Nam Giang khoảng 15.400ha/kiểm lâm, gấp 30 lần, khiến công việc của kiểm lâm rất áp lực, khó khăn. Kiểm lâm địa bàn ở Quảng Nam được bố trí theo xã, không quy định diện tích rừng tối thiểu để bố trí kiểm lâm địa bàn. Một số xã có diện tích rừng rất lớn nhưng chỉ được bố trí một kiểm lâm địa bàn. Người ít, địa bàn phụ trách quá rộng, khó hoàn thành được các yêu cầu của nhiệm vụ.
Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ hai trong cả nước, với hơn 450.000ha. Trong đó, diện tích rừng trồng khoảng 180.000ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hiện, lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam có 298 công chức, 137 viên chức, còn cán bộ biên chế và hợp đồng không ổn định. Ngoài ra, còn có 70 hợp đồng trong Nghị quyết 14 của tỉnh. |
Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết, đơn vị đã nhận được một số đơn xin nghỉ việc của cán bộ công chức, viên chức. Thực tế, sắp tới khi tỉnh áp dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, bảo vệ rừng thì cán bộ ngành không chỉ giỏi đi rừng mà còn phải biết công nghệ thông tin. Điều này cũng khiến những người lớn tuổi không theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, việc một số cán bộ kiểm lâm làm đơn xin nghỉ việc một phần do thu nhập thấp. Chính thu nhập thấp đã làm nảy sinh tiêu cực. Thực tế, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trên địa bàn Quảng Nam thời gian gần đây đều có “bóng dáng” kiểm lâm hoặc là “tiếp tay” hoặc “bật đèn xanh” để lâm tặc ngang nhiên phá rừng. Một khi công tác quản lý, bảo vệ rừng đặt ra ở mức cao hơn, gắn trách nhiệm trực tiếp của thủ trưởng đơn vị cũng như kiểm lâm phụ trách địa bàn, một số người không có được khoản “thu nhập thêm” ngoài lương. Ông Hà cho rằng, rất có thể thu nhập thấp cũng là một trong những lý do khiến cán bộ kiểm lâm mệt mỏi.
Cấp thiết bổ sung biên chế
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trong năm 2017, lực lượng này có 6 kiểm lâm viên xin nghỉ, riêng đầu năm 2018 đến nay, có 9 kiểm lâm “nghỉ hưu sớm”. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: Những cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc đều được tuyển dụng từ những năm 1980, nay đã lớn tuổi và có đơn xin nghỉ việc, nghỉ theo chế độ Nghị định 108. “Công việc quản lý rừng của kiểm lâm hiện nay là phải quản lý rừng tại gốc, mà những người lớn tuổi không đủ điều kiện để đi tuần tra rừng. Việc họ xin nghỉ là bình thường, không như một số thông tin đồn thổi”, ông Tuấn nói.
Theo ông Trần Hồng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đội ngũ cán bộ kiểm lâm của tỉnh rất lớn, chiếm trên 70% lượng biên chế của ngành nông nghiệp. Chế độ chính sách đối với kiểm lâm viên cao hơn so với mặt bằng chung của cán bộ ngành nông nghiệp vì vừa hưởng công vụ, hưởng đặc thù của kiểm lâm, hệ số công tác vùng xa xôi… Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, cán bộ kiểm lâm phải đa năng. Nếu không tổ chức lại, không nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì dù có tăng gấp đôi lực lượng, rừng vẫn tiếp tục bị phá.
Ông Đinh Văn Hồng cho hay, hiện đơn vị gặp khó do kiểm lâm nghỉ hưu sớm nhưng ngành vẫn chưa có kế hoạch tuyển dụng cán bộ thay thế, trong khi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ngày càng cấp thiết. Vấn đề này, ông Phan Tuấn cho biết, đơn vị đã báo Sở NN&PTNT và UBND tỉnh sẽ có chủ trương tổ chức thi tuyển cán bộ trẻ, khỏe, có tình độ, năng lực để thay thế lực lượng lớn tuổi, đưa cán bộ trẻ đi miền núi để đảm trách công việc sẽ tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận