Thế giới giao thông

Thu phí điện tử: Mỹ, châu Á chuộng công nghệ RFID

15/12/2016, 13:08
image

Thu phí điện tử (Electronic Toll Collection - ETC) đang phát triển rộng khắp thế giới với đa dạng công nghệ.

Malaysia đang lắp đặt thử nghiệm một số cổng thu p

Malaysia đang thử nghiệm một số cổng thu phí không dừng, tiến tới áp dụng trên toàn bộ trạm thu phí vào năm 2018.

Thu phí điện tử (Electronic Toll Collection - ETC) đang phát triển rộng khắp thế giới với đa dạng công nghệ. Tuy nhiên, RFID (Radio Frequency Identification - hệ thống nhận dạng qua radio) được đánh giá là công nghệ tiên tiến, được nhiều nước trong khu vực châu Á sử dụng.

Kiêm “chứng minh thư” của xe

Là các nước phát triển, công nghệ khoa học hiện đại, ETC được áp dụng ở các nước phương Tây từ cách đây mấy chục năm nhưng chưa được hiệu quả và đắt đỏ.

Vài năm trở lại đây, RFID bắt đầu được áp dụng vào thu phí điện tử. Hệ thống RFID để thu phí bao gồm một thẻ RFID (etag) có gắn chip cực nhỏ, ăng-ten, thiết bị nhận dạng phương tiện, đầu đọc RFID, camera. Khi các phương tiện đi qua giá long môn thẻ này sẽ được các đầu đọc RFID gắn trên giá long môn đặt trên đường cao tốc nhận diện và gửi thông tin về trung tâm điều khiển, tự động trừ tiền phí. Đầu đọc RFID có thể nhận diện xe ngay cả khi đang chạy với tốc độ 140km/h. Giá long môn được gắn thêm camera chụp lại biển số trước/sau của phương tiện kết hợp với thiết bị nhận dạng phương tiện, ăng-ten để tự động thu phí trong trường hợp xe không gắn thẻ etag.

Nghiên cứu của Viện Công nghệ và quản lý Chamelidevi (Ấn Độ) cho thấy, mặc dù mỗi nước sử dụng dải tần và tiêu chuẩn của ETC khác nhau nhưng cuối cùng thường hướng tới áp dụng công nghệ tín hiệu định danh bằng tần sóng vô tuyến (RFID). Hiện, ở Mỹ có 70% đường thu phí trong đó chủ yếu sử dụng công nghệ RFID.

Bên cạnh lợi thế về chi phí rẻ, mỗi thẻ RFID sẽ được gắn cố định trên một phương tiện tham gia giao thông. Về lâu dài, etag được sử dụng như “chứng minh thư” để nhận biết xe và chủ xe, làm cơ sở để phát triển nhiều dịch vụ tối ưu và hiện đại, hướng tới giao thông thông minh như: Kết hợp với hệ thống kiểm soát phương tiện cho trung tâm đăng kiểm; Đỗ xe, quản lý xe ra/vào, etag có thể phát triển thành biển số xe điện tử hoặc tích hợp trở thành ví điện tử (trả tiền xe buýt, tàu điện ngầm…).

Chi phí thấp

Theo Viện Công nghệ và quản lý Chamelidevi, rất nhiều nước trong khu vực Bắc - Nam Mỹ, Australia và châu Á có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ RFID. Đài Loan là ví dụ điển hình trong việc áp dụng thành công RFID trong thu phí tự động.

Năm 2006, Đài Loan sử dụng thiết bị On Board Unit (OBU) do Công ty Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC) thực hiện. Tuy nhiên, chỉ có 42,6% xe ô tô lắp đặt thiết bị OBU, chưa đáp ứng kỳ vọng của cơ quan quản lý (65%). Một phần do chi phí đắt đỏ khoảng 1 nghìn Đài tệ/OBU (hơn 31 USD) và FETC đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng. Bởi vậy, năm 2011, FETC đã thay đổi công nghệ, chuyển sang áp dụng công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến (RFID). Chỉ sau một năm áp dụng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, số lượng khách hàng tăng vọt lên 94%, vượt mức đề ra. Thẻ etag có hình dáng như miếng decal, gắn chip cực nhỏ, dán cố định trên đèn hoặc cửa kính ô tô, với giá thành chỉ 1,5 USD. Chưa có thống kê mới nhất về tỉ lệ khách hàng sử dụng etag. Nhưng, trước đó, tính đến tháng 1/2015, FETC có khoảng 6,06 triệu khách hàng; 80% xe ô tô mới bán ra thị trường được dán thẻ etag.

Là nước mới bắt đầu áp dụng ETC từ tháng 4/2013, Ấn Độ "đi tắt đón đầu", chọn tiếp cận với công nghệ RFID, ngay lập tức thu được nhiều kết quả tích cực về giảm tắc đường, khí thải… Thống kê đến đầu năm 2016, Ấn Độ chuyển đổi 275/350 trạm thu phí sang ETC và dự kiến đến hết năm 2016 sẽ hoàn tất chuyển đổi toàn bộ. Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkar tuyên bố, từ những kết quả đạt được sau hai năm triển khai áp dụng, Ấn Độ sẽ tiến tới thay thế toàn bộ trạm thu phí thủ công bằng ETC.

Một ví dụ khác, Malaysia giới thiệu và đưa vào sử dụng ETC từ năm 1994, trải qua nhiều lần thay đổi công nghệ, hiện đang thu phí dựa trên công nghệ nhận dạng phương tiện bằng hồng ngoại. Tuy nhiên, người sử dụng phải trả phí rất cao để mua loại thẻ hai mảnh tương thích với hệ thống này. Giám đốc marketing Adam Riff cho biết: “ Là một người Malaysia, tôi hiểu chắc chắn không có nhiều người bỏ tới hàng trăm ringgit (hơn 10 triệu VND) ra mua thẻ hai mảnh này vì chi phí quá cao”.

Do vậy, sau một thời gian áp dụng và thử nghiệm tại 21 trạm thu phí, Cục Đường cao tốc Malaysia có kế hoạch sử dụng công nghệ RFID trên toàn bộ các trạm thu phí vào năm 2018.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.