Nhiều chuyên gia cho biết, thỏa thuận cho thuê Cảng Gwada mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn Pakistan. |
Bao vây Ấn Độ
Lễ bàn giao được tổ chức hôm 11/11. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Phát triển và Cải cách Pakistan Ahsan Iqbal đã chuyển giao khu vực Cảng Gwadar cho Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Theo đó, Tập đoàn của Trung Quốc được Chính phủ Pakistan cho phép thuê Cảng Gwadar với diện tích 8.093 km2 trong 43 năm.
Theo ông Andrew Small, chuyên gia về quan hệ quốc tế của German Marshall Fund (Mỹ): Gwadar là cảng nằm ở cực phía tây trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. Với việc tiếp quản cảng này, Bắc Kinh tiến thêm một bước quan trọng trong chiến lược bảo đảm nguồn cung ứng dầu khí từ Trung Đông. Đồng thời, mở rộng sự kiềm tỏa, bao vây Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất tại Nam Á. Ngoài ra chính quyền Islamabad có thể còn ưu tiên cho Trung Quốc tiếp cận các cảng quân sự hiện có ở Karachi hay Qasim.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony tuyên bố lo ngại trước việc Pakistan chuyển giao quyền quản lý Cảng Gwadar cho Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn COPHCL sẽ có toàn quyền quản lý Cảng Gwadar - cảng lớn thứ 3 tại Pakistan, Sân bay quốc tế Gwadar và một công ty quản lý biển tại Gwadar. Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 1,62 tỷ USD vào Gwadar trong đó có xây dựng đường cao tốc nối Cảng Gwadar và bờ biển, đê chắn sóng và 9 dự án khác. Dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành trong 3 - 5 năm tới.
Quân sự hay kinh tế?
Ông Wang Shida, chuyên gia về Afghanistan tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc nhận định: “Việc đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận cho cả hai bên”. Trung Quốc đã đầu tư hơn 40 tỷ USD vào phát triển hạ tầng kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Trong đó, Cảng Gwada đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của hai nước.
Từ năm 2005, Mỹ cùng nhiều nước đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai”, gồm các căn cứ trải dài từ Trung Đông đến Nam Trung Quốc. Những viên ngọc trai này là các căn cứ hải quân hoặc các cảng biển được Trung Quốc xây dựng/thuê tại Myanmar, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, với mục tiêu khuếch trương sức mạnh hải quân và bảo vệ các tàu chở dầu của Trung Quốc. |
Cảng Gwadar là khu vực chiến lược vì đây là nơi được Chính phủ Pakistan lựa chọn là khu vực tự do thương mại trong 43 năm. Nhiều chuyên gia cho biết, thỏa thuận này mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn cho Pakistan. Ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á và Đông Nam Á đến từ Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho biết, theo thỏa thuận, việc Trung Quốc thuê Cảng Gwadar sẽ mang lại lợi ích cho Pakistan: Từ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nó tạo vị thế vững chắc cho Trung Quốc tại Nam Á, củng cố cơ sở hạ tầng cho các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chủ yếu vận chuyển qua Eo biển Malacca đông đúc và biển Đông.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, 82% tổng lượng nhập khẩu dầu thô, 30% tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc được vận chuyển trên các tuyến đường này. Gwadar cùng Cảng Kyaukpyu của Myanmar sẽ giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào hai tuyến đường vận chuyển dầu thô trên.
Tuy nhiên, Ấn Độ e ngại Trung Quốc thuê Cảng Gwada với âm mưu “một mũi tên trúng hai đích”; Bởi trong tất cả các dự án cảng biển mà Trung Quốc tham gia, Gwadar có nhiều khả năng nhất để trở thành một quân cảng. Khi đó nó góp phần đắc lực khuếch trương sức mạnh hải quân của Trung Quốc tại khu vực phía Tây Ấn Độ Dương trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” trên biển.
Cũng theo ông Michael Kugelman, tuy Pakistan không nhận được nhiều lợi ích đáng kể về kinh tế nhưng nước này vẫn hồ hởi vì dự án này sẽ giúp vun đắp quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, việc hải quân Trung Quốc có mặt tại Pakistan là lời khẳng định với các nước khác rằng: Trung Quốc là đồng minh của Pakistan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận