Gia đình ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh (áo đen) kể lại sự việc với PV |
Thời gian ông Vót đi tù, đứa con trai thứ hai đang học lớp 9 dù đã quỳ xuống xin mẹ đừng bắt phải bỏ học giữa chừng nhưng không được, vì gia cảnh quá khó khăn.
Bố đi tù, con ở nhà thất học
Trưa 10/8, khi biết tin có PV Báo Giao thông đến gặp gia đình ông Trần Văn Vót, cả chục người dân xóm 4, xã Phú Phúc (trước kia là thôn Nhân Phúc), Lý Nhân, Hà Nam đã tề tựu tại đây với mong muốn nói lên nỗi hàm oan ông Vót đã phải gánh chịu suốt 24 năm qua. Nhiều người cho biết, họ là nhân chứng trong vụ án năm xưa và cùng khẳng định, ông Vót và anh Thanh không hề có mặt tại hiện trường khi xảy ra xô xát giữa dân hai thôn Nhân Phúc và Thanh Nga.
Nhắc đến người chồng đang vướng vòng lao ý, bà Đỗ Thị Xưởng (56 tuổi, vợ ông Vót) bật khóc nức nở, nói trong nước mắt: “Khi ông ấy bị bắt, 3 đứa con tôi vẫn còn bé dại, gia cảnh kiệt quệ. Mọi gánh nặng dồn lên vai tôi, vừa chăm bố mẹ già, chăm con, lo tiếp tế cho chồng. Trại giam cách nhà khoảng 50 cây số, mỗi lần đi đều phải đạp xe đạp vì không có tiền thuê xe, tích góp được tiền chỉ dám mua mấy miếng thịt mang đến trại giam cho chồng, các con ở nhà thèm cũng không có để ăn. Con cái nheo nhóc, khổ sở, đứa con trai thứ hai học hết lớp 9 phải nghỉ học giữa chừng đi cày thuê kiếm tiền. Khi biết phải bỏ học, con tôi quỳ xuống van xin mẹ cho đi học tiếp nhưng tôi không còn cách nào khác”.
Suốt 24 năm qua, gia đình bà Xưởng đã mang đơn đi khắp nơi, đi nhiều đến nỗi bán tất cả đồ đạc trong gia đình, nuôi được con gì cũng phải bán đi để làm lộ phí. Thậm chí, có những lần đi không còn đồng nào để mua cơm ăn. “Cả ba thế hệ trong gia đình tôi ròng rã đi kêu oan, đến nay không nhớ nổi đã gửi bao nhiêu lá đơn, không có giấy bút nào có thể tả hết được nỗi oan ức của gia đình”, bà Xưởng nghẹn ngào.
Cụ Trần Thị Vấn (mẹ ông Vót) năm nay gần 90 tuổi đã rất già yếu, nhưng chỉ cần nghe có người nhắc đến con trai là bà cụ lại khóc sụt sùi. Bà kể, ngày xưa còn sức khỏe, hai ông bà liên tiếp đi kêu oan cho con, có những đợt đi không có tiền, phải vào chợ Đồng Xuân (Hà Nội) xin cơm thừa ăn, nằm ngủ vỉa hè. Thế rồi, năm ngoái ông ngã bệnh qua đời khi con trai chưa được minh oan. Giờ đây bà chỉ sợ chết trước khi con được minh oan thì sẽ không nhắm mắt được. “Ngày 5/8 vừa qua, tôi mới lần đầu tiên được vào trại giam thăm con trai sau 24 năm”, cụ Vấn vừa khóc vừa nói khi tiễn chúng tôi ra cổng.
Dù chết trong tù vẫn một mực kêu oan
Cụ Trần Thị Vấn đã gần 90 tuổi, cứ hễ ai nhắc đến con trai là lại khóc |
Con gái út ông Trần Văn Vót, chị Trần Thị Chi (SN 1984) cũng chua xót cho biết, ông Vót đã có 18 năm phục vụ trong quân ngũ, được tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ do Nhà nước Lào trao tặng. Khi rời quân ngũ, ông là bệnh binh mất 71% sức khỏe. Về lại địa phương, ông Vót làm Bí thư Chi bộ xóm được hơn 1 năm thì xảy ra sự việc.
“Nếu bố tôi đúng là kẻ giết người thì đã mãn hạn tù, trở lại cuộc sống tự do từ năm 2000. Do bố tôi là người có công với Cách mạng, có huân chương, nếu ký vào các bản nhận tội thì sẽ được đặc xá giảm án, ra tù sớm trước thời hạn. Nhưng bố tôi luôn kiên định không có tội thì không bao giờ chấp nhận ký. Bố tôi bảo nói sống ngày nào còn kêu oan ngày ấy. Nếu bố không may gục ngã trong tù vẫn mong các con sẽ minh oan cho bố”, chị Chi chia sẻ.
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 10/8, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết, vào ngày 9/8, bà đã nhận được Công văn số 3022 của VKSND Tối cao về việc thông báo tiến độ giải quyết vụ án của ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh của VKSND Tối cao. Theo đó, nội dung công văn nêu rõ: “VKSND Tối cao đang xem xét vụ án này và sẽ thông báo cho ĐB ngay khi có kết quả giải quyết”. |
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Thanh, người đã bị bắt cùng với ông Vót và bị kết án 15 năm tù, đã ra tù từ năm 2004. Anh Thanh cho biết, từ đó đến nay anh cùng gia đình vẫn kiên trì kêu oan cho mình và ông Vót. Nhắc lại vụ án của mình, giọng anh nghẹn lại: “Trong suốt những năm tháng ở tù, tôi hận lắm và nếu không được minh oan, tôi sẽ hận đến suốt đời. Khi bị bắt, tôi mới 18 tuổi, là anh cả trong gia đình 4 anh em. Sau khi tôi vào tù, bố mẹ vất vả đi kêu oan, các em tôi không được ăn học đến nơi đến chốn, có một em học đến lớp 5 đã phải bỏ học giữa chừng...”.
Anh Thanh cho biết, kể từ khi vào tù, anh đã viết 422 lá đơn kêu oan gửi ra bên ngoài, mỗi lá đơn anh đều ghi rõ số để đánh dấu. Tất cả các lá đơn được gửi cho quản giáo, còn việc quản giáo có gửi đi hay không anh hoàn toàn không biết, vì không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Bà Trần Thị Tân (SN 1952), mẹ anh Thanh là giáo viên nghỉ hưu kể lại, khi anh Thanh bị bắt bà đang công tác. Nhưng sau đó, bà gần như bỏ nhà cửa, công việc, bỏ học sinh đi kêu oan cho con. Đi từ xã đến huyện, đến tỉnh, đến T.Ư đưa đơn nhưng đều không có hồi âm. Gia đình khi ấy cũng nghèo đến mức phải bốc từng nắm gạo tiết kiệm để đi kêu oan cho con. “Gia đình tôi đau khổ đến mức không còn nước mắt để khóc, nhưng sẽ kiên trì kêu oan tới cùng.
Hơn 20 năm đã qua đi, nhưng nỗi đau với gia đình tôi vẫn quá lớn. Án oan mà con trai tôi phải chịu đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hiện tại, là một “vết đen” không thể gột rửa”, bà Tân nói và nhắc đến nỗi oan của ông Trần Văn Vót: “Nỗi oan được hóa giải lúc nào cũng đáng quý, nhưng sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều khi người bị oan còn sống…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận