Xã hội

Chuyện những người đi xây hồ Kẻ Gỗ

01/05/2024, 13:26

Lời bài hát "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khắc họa chân thực nhất không khí lao động và tinh thần quyết tâm của lớp lớp thanh niên đi xây hồ Kẻ Gỗ ngày đó.

Giờ đây sau gần nửa thế kỷ, những ngày tháng "Tay anh phá đá, tay em đào sỏi…" vẫn chưa thể mờ phai trong tâm trí của gần 6.000 nam nữ thanh niên đi xây dựng công trình đại thủy nông kỳ vĩ nhất lúc bấy giờ.

Công trình thế kỷ

Ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ kể, từ trước năm 1945, người dân địa phương sinh sống trên mảnh đất khô cằn đã mong ước có những kênh nước dẫn về ruộng đồng của họ.

Chuyện những người đi xây hồ Kẻ Gỗ- Ảnh 1.

Ông Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đọc lệnh khởi công dự án năm 1976.

Mãi năm 1971, trong một lần công tác ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã làm việc với Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn về xây dựng hồ Kẻ Gỗ. Bộ Thủy lợi sau đó trình hồ sơ lên Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ xin tiến hành xây dựng hồ Kẻ Gỗ và được chấp thuận.

Sáng 26/3/1976, sau nửa thế kỷ đợi chờ, ông Trương Kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố khởi công công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ. Tại buổi lễ, ba quả mìn được kích nổ tạo nên cột khói bốc cao hàng chục mét làm tín hiệu. Ngay sau đó, hàng nghìn thanh niên với cuốc xẻng trong tay, tràn ngập công trường.

Bà Nguyễn Thị Thành (70 tuổi, tham gia đội dân công Cẩm Xuyên) nhớ lại: "Gần 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh công trường ngày ấy vẫn như mới hôm qua. Xây hồ lúc đó gian khổ, vất vả lắm. Bữa ăn không đủ no, bàn tay của ai cũng chai sần, song khí thế lúc nào cũng hừng hực, vừa lao động vừa ca hát vang cả một vùng".

Theo bà Thành, lời bài hát "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khắc họa chân thực nhất không khí lao động và tinh thần quyết tâm của lớp lớp thanh niên thời đó: "Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào mấy con kênh/ Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt/ Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm/ Ruộng đồng ta thỏa mơ uớc bao ngàn năm… Tay anh phá đá, tay em đào sỏi/ Ngồi trong xe ủi em nhớ những ngày hè…".

Dành tất cả cho Kẻ Gỗ

Ông Nguyễn Viết Ninh kể: "Lực lượng thi công phải làm việc liên tục ba ca mỗi ngày, máy móc ít lắm, hầu hết làm bằng tay. Ăn uống thiếu thốn, cơm độn toàn khoai, nhưng ai cũng hăng say, vừa làm vừa nghe bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phát liên tục trên loa".

Chuyện những người đi xây hồ Kẻ Gỗ- Ảnh 2.

Là hồ nước ngọt lớn nhất của vùng đất Hà Tĩnh, hồ Kẻ gỗ nằm trong quần thể khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị vận hành hồ) cho biết, để đảm bảo công trình hoàn thành trong ba năm, việc huy động nhân lực tính theo từng địa phương, từng hợp tác xã. Mỗi thanh niên tham gia đóng góp ít nhất 30 ngày công trong một năm.

Ông Đào Văn Tinh, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh kể lại, lúc đó chiến tranh vừa chấm dứt, nhiều người muốn đi học hoặc tính chuyện chồng con. Lắng nghe và tìm hiểu kỹ từng hoàn cảnh, ông động viên những người trẻ: "Ai cũng muốn bước vào cổng trường đại học, nhưng người dân quê mình còn nghèo đói quá, xây được hồ Kẻ Gỗ, có gạo thơm, cơm dẻo, đời sống khá lên, chúng ta tiếp tục học lên cũng chưa muộn".

Ngày đó, từng đoàn xe tải chở người đổ bộ xuống dọc các cánh rừng, con sông. Tính ra, đã có gần 6.000 lao động, chủ yếu là nam nữ thanh niên của Nghệ Tĩnh được huy động. Chỉ trong 6 tháng đầu, 24.000m2 kho tàng, lán trại, hơn 20km đường công vụ cho xe cơ giới di chuyển trong lòng hồ đã được hoàn thành.

"Ngành Ngoại thương phải mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường. Tỉnh ủy cũng hoãn việc xây dựng một số công trình chưa cần để dành xi măng cho Kẻ Gỗ", ông Sơn kể.

Thỏa bao năm đợi tháng chờ

Phương án ban đầu cho hồ Kẻ Gỗ là hoàn thành trong 10 năm, sau rút xuống còn 6 năm, rồi 3 năm. Để đáp ứng yêu cầu này, những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn đã được đưa vào công trường; huy động cả vạn m3 sỏi phục vụ xây lắp những tháng đầu tiên. Thời đó vật tư, nhiên liệu rất khan hiếm, nên để có thép, có xăng dầu, nhiều tỉnh khác đã phải rút bớt nhu cầu để chi viện cho Hà Tĩnh.

Chuyện những người đi xây hồ Kẻ Gỗ- Ảnh 3.

Hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu m3 nước.

Ngày 3/2/1979, đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Đảng, công trình thủy lợi Kẻ Gỗ làm lễ mở nước đợt đầu. Hàng nghìn người dân địa phương bất chấp mưa phùn, giá rét tề tựu hai bên bờ kênh đón dòng nước mát sau bao năm chờ đợi. Việc hoàn thành công trình đại thủy nông trong 3 năm được coi là một kỳ tích.

Công trình hồ Kẻ Gỗ ra đời là bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà, xóa hẳn đói nghèo, cơ cực của hàng vạn người dân vùng hạ du.

Hồ Kẻ Gỗ có sức chứa 345 triệu m3 phục vụ tưới tiêu cho hơn 21.000ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh ngày nay, góp phần hạn chế chống lũ lụt, hạn hán.

Ông Lê Quang Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết, trước kia xã Cẩm Mỹ là vùng đất cằn sỏi đá, lúa mỗi năm chỉ trồng được một vụ song không có năng suất, hoa màu trồng lên đều khô héo, bởi không có nguồn nước tưới. Từ ngày nước về đồng, cỏ cây xanh tốt, không khí trở nên mát mẻ, lúa trồng được 2-3 vụ, sắn khoai đầy nhà, đói khổ bị đẩy lùi.

Từ khi xây dựng tới nay, hồ Kẻ Gỗ trải qua hai lần sửa chữa, vào năm 1990 và 2006. Tỉnh Hà Tĩnh đang xúc tiến lập các dự án cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư để xây dựng hồ Kẻ Gỗ thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá, xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.