Đô thị

Đề xuất hai phương án gỡ khó dự án Vành đai 2,5 Hà Nội

02/05/2024, 14:43

Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa đề xuất UBND Thành phố giải pháp để khai thác có hiệu quả Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT.

Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban QLDA) vừa đề xuất UBND TP Hà Nội giải pháp thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT để khai thác hiệu quả sau đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai.

Đề xuất hai phương án gỡ khó dự án Vành đai 2,5 Hà Nội- Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 2,5 - QL1A vẫn gặp khó khăn (Ảnh minh họa).

Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai (Dự án hầm chui vành đai 2,5) được khởi công ngày 6/10/2022, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025.

Theo thiết kế được duyệt, Dự án hầm chui đường 2,5 sau khi hoàn thành sẽ hình thành nút giao thông khác mức trên đường Giải Phóng, kết nối phố Kim Đồng với đường vành đai 2,5 đoạn từ QL1A cũ đến Đầm Hồng.

Đoạn tuyến này thuộc Dự án xây dựng tuyến đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A theo hình thức BT. Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường, Dự án BT hiện nay đang dừng triển khai thi công do vướng mắc các thủ tục pháp lý.

Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả cũng như kết nối giao thông thông suốt của Dự án hầm chui đường 2,5 với các tuyến đường khu vực, trong đó kết nối trực tiếp vào tuyến đường vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A, Ban QLDA đề nghị UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng liên ngành làm việc với nhà đầu tư Dự án BT yêu cầu triển khai dự án đảm bảo đồng bộ, kết nối kịp thời với Dự án hầm chui đường 2,5.

Đáng chú ý, trong trường hợp Nhà đầu tư không đủ các điều kiện, thủ tục pháp lý dẫn đến không thể tổ chức thi công được Dự án BT, Ban QLDA kiến nghị UBND TP Hà Nội thực hiện 2 phương án.

Cụ thể, với phương án 1 sẽ cho phép điều chuyển đoạn tuyến chưa triển khai thi công của Dự án BT sang Dự án hầm chui đường 2,5 (đoạn tuyến này có chiều dài khoảng 350m từ cọc H6 của Dự án BT về phía Đầm Hồng). 

Nếu lựa chọn phương án này, thuận lợi lớn nhất là công tác GPMB đã hoàn thành, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến này để kết nối hầm chui đường 2,5 đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng, đồng bộ với tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, trên đoạn tuyến có cầu L3 qua sông Lừ nhà đầu tư đã xây dựng 2 trụ và lắp đặt nhịp dầm giữa từ lâu chưa thi công mố và 2 nhịp biên. Hiện nay, phần xây dựng này đã xuống cấp, cần phải xác định điểm dừng thi công, kiểm định đánh giá lại chất lượng dầm, trụ cầu đã thi công để có phương án xử lý.

Phương án 2, điều chuyển đoạn tuyến từ cọc H6 đến bờ trái sông Lừ của Dự án BT (chiều dài đoạn tuyến khoảng 200m). 

Triển khai phương án này, công tác GPMB đã hoàn thành, nhà đầu tư chưa triển khai xây dựng trên đoạn tuyến này nên việc xác định điểm dừng của Dự án BT không phức tạp, khối lượng thực hiện nhỏ nên không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện của Dự án hầm chui đường 2,5.

Khó khăn khi không hoàn thiện được đoạn tuyến vành đai 2,5 từ QL1A cũ đến Đầm Hồng theo quy hoạch chỉ khắc phục được tình thế trước mắt mà không giải quyết được triệt để công tác kết nối giao thông trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra điểm đen ùn tắc giao thông khu vực cầu Định Công và đường hai bờ sông khu vực lân cận.

Đề xuất hai phương án gỡ khó dự án Vành đai 2,5 Hà Nội- Ảnh 2.

Hầm chui Kim Đồng đang có diện mạo rõ nét khi nhà thầu hoàn thành nhiều công đoạn thi công.

Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - QL1A) là dự án được UBND Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Đoạn vành đai này dài khoảng 2km, được thiết kế chiều rộng 40m, vỉa hè rộng 7,5m. Tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013-2016. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng, đến nay, công trình vẫn còn dang dở khi mới chỉ đạt 87% khối lượng.

Theo ghi nhận, dự án mới cơ bản hoàn thiện 1,3km đoạn từ Đầm Hồng đến nút giao đường Vành đai 2,5 - Trần Nguyên Đán. Đoạn còn lại hơn 600m từ nút giao Vành đai 2,5 - Trần Nguyên Đán đến nút Kim Đồng - Giải Phóng nhiều năm qua chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án có một cây cầu bắc qua sông Lừ đoạn qua phường Định Công. Hơn 7 năm qua, cây cầu này đã hoàn thiện phần chân đế, nhưng không được hoàn thiện tiếp do không có mặt bằng để kết nối.

Ở đầu tuyến, một công trình hầm chui đang được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đầu tư xây dựng. Song, hầm chui này chỉ có thể lưu thông khi có tuyến Vành đai 2,5 kết nối vào.

Dự án hoàn thành góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai kết nối liên thông theo mạng nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực, chỉnh trang quy hoạch đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trước đó, Văn phòng UBND Hà Nội đốc thúc thanh tra thành phố khẩn trương thực hiện chỉ đạo về việc xem xét thanh tra dự án đầu tư liên quan đối ứng cho dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - QL1). Quỹ đất đối ứng cho dự án vành đai này là khu đô thị Đại Kim - Định Công mở rộng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.