Đời sống

Nghị lực ông chủ xưởng may KymViet sau biến cố cuộc đời

01/05/2024, 06:00

Mất đôi chân sau vụ tai nạn giao thông khi chỉ mới 7 tuổi, ông Phạm Việt Hoài không những từng bước vượt qua nghịch cảnh mà còn giúp đỡ rất nhiều người khuyết tật có việc làm và động lực sống.

Mất đi đôi chân khi mới 7 tuổi

Gặp ông Phạm Việt Hoài, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty KymViet tại xưởng may của công ty, nổi bật giữa dáng người nhỏ gầy trên chiếc xe lăn là đôi bàn tay khéo léo thoăn thoắt những đường kim mũi chỉ hướng dẫn nhân viên hoàn thành sản phẩm thú nhồi bông.

Nghị lực ông chủ xưởng may KymViet sau biến cố cuộc đời- Ảnh 1.

Vượt lên biến cố cuộc đời, ông Phạm Việt Hoài trở thành một trong những người sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty KymViet, nơi sản xuất thú nhồi bông mang đậm "chất Việt".

Nhìn xưởng may rộng với hàng chục nhân công đang say sưa làm việc và danh tiếng của KymViet ít ai biết rằng, ông Hoài đã từng trải qua biến cố mất đi đôi chân khi chỉ còn là một đứa trẻ.

Cách đây 44 năm, một vụ tai nạn giao thông đã khiến cậu học sinh Việt Hoài mới 7 tuổi bị thương nặng, trải qua nhiều ca phẫu thuật để giành giật sự sống.

“Mẹ tôi kể, ngày đó, bác sĩ thông báo cơ thể tôi bị tổn thương hơn 70%, liệt hai chân, teo tủy đốt sống cổ và rất nhiều di chứng khác. Việc tôi tỉnh lại sau một tuần hôn mê được coi là kỳ tích", ông Hoài kể và cho biết, bấy giờ, ông vẫn chưa biết rằng, mãi về sau, ông không thể tự đứng dậy trên chính đôi chân của mình, không còn được chạy nhảy, đá bóng như chúng bạn.

Hai năm nằm viện điều trị, cuối cùng, cuộc sống của Hoài phải gắn liền với chiếc xe lăn, trở về nhà, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, chiều chiều hò nhau đi chơi, Hoài cũng thèm muốn được như thế.

Vốn tính hiếu động, thông minh, không cam chịu phải ngồi nhà, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác, Hoài vượt lên nghịch cảnh, coi việc phải ngồi trên chiếc xe lăn chỉ còn là sự bất tiện.

Ông kể, hồi ấy, bạn bè chơi quay, chọi gà ông cũng chơi, thậm chí, khi thấy người ta phá dỡ công trình cũ, ông còn cùng bạn đi đẽo vữa lấy gạch rồi xếp lên xe lăn mang đến các bãi tập kết vật liệu xây dựng bán lại để lấy tiền mua bánh, mua kẹo.

“Cứ như thế, cuộc sống của tôi dần trở lại bình thường, tôi thấy mình chẳng thua kém gì bọn bạn cả. Ngay những sinh hoạt hằng ngày, tôi cũng tự làm, dù lần một, lần hai... bị ngã trong nhà tắm, bố mẹ lo lắng chạy vào tính đỡ dậy nhưng tôi nhất quyết gạt ra và cố gắng tự đứng dậy. Làm như vậy, đơn giản vì tôi nghĩ rằng, nếu bố mẹ đi vắng hay không còn nữa, nếu không phải mình thì ai sẽ là người giúp mình", ông Hoài cười, kể lại.

Nghị lực ông chủ xưởng may KymViet sau biến cố cuộc đời- Ảnh 2.

Ông Phạm Việt Hoài cùng nhân viên KymViet trong lần tiếp đón công nương Nhật Bản - KIKO (23/9/2023).

Xưởng may giàu tình thương của những người khuyết tật

Trong học tập, ông Hoài nhận được sự hướng dẫn tận tình của cha mẹ vốn là những người giáo viên, thế rồi, ông cũng đỗ đại học.

Đam mê kinh doanh từ nhỏ, năm 18 tuổi, ông cùng hai người bạn mở một cửa hàng photocopy để khởi nghiệp. Tuy sau đó thu nhập không như kỳ vọng nhưng ông không nản chí, tiếp tục kêu gọi bạn bè hùn vốn, thử sức với nhiều công việc kinh doanh khác, từ đầu tư vào một cơ sở đúc hàng rào bê tông theo công nghệ mới đến việc mở cửa hàng đĩa phần mềm Friendship lừng lẫy một thời ở Bạch Mai.

Kinh doanh thuận lợi song ông Hoài luôn trăn trở làm cách nào để giúp những người khuyết tật nhưng còn khả năng lao động cũng có công việc để làm chủ được cuộc sống như mình.

Một lần nữa, ông Hoài quyết định thử sức với việc mở công ty sản xuất thú nhồi bông chất lượng hàng đầu, mục tiêu là tạo việc làm cho người khuyết tật, qua đó giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Cuối năm 2013, tôi cùng hai người bạn khuyết tật Nguyễn Đức Minh, Lê Việt Cường lập nên thương hiệu Kymviet, mở xưởng may để tiếp nhận, đào tạo nghề cho những người khuyết tật.

Ban đầu, KymViet chỉ có vài lao động, đều là người khuyết tật vận động, câm điếc. Tài sản chỉ vỏn vẹn 2 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 cái bàn là, hoạt động trong khoảnh sân rộng chừng 5m2 của nhà thờ họ một thành viên công ty. Đến nay, mái nhà chung KymViet đã có tới 30 lao động tham gia vào các khâu dịch vụ và thủ công, chủ yếu là người khiếm thính”, ông Hoài kể và cho biết: Đến nay, thu nhập trung bình của họ từ 4,5-5 triệu đồng, những người ở xa được hỗ trợ chỗ ăn ở, tiền xăng xe và hưởng các chế độ về bảo hiểm.

Có thể với người khỏe mạnh, khoản tiền này không lớn nhưng với nhiều người khuyết tật, KymViet không chỉ là công việc mà còn là gia đình, là động lực để họ thêm hi vọng và vững vàng hơn trong cuộc sống.

Chia sẻ với PV qua những nét chữ nguệch ngoạc, chị Hương (nhân viên xưởng may KymViet) cho biết, chị từng làm việc ở nhiều nơi nhưng KymViet là nơi thích hợp nhất với mình, không chỉ bởi công việc ổn định, mức lương đủ sống mà mọi người rất thân thiện và tình nghĩa với nhau.

“Tôi không còn mặc cảm tự ti về khuyết điểm trên cơ thể mình ở nơi đây, mỗi ngày làm việc với tôi là một niềm vui, anh Hoài đã truyền cho tôi rất nhiều động lực để vươn lên trong công việc và cuộc sống", chị Hương tâm sự.

Với phương châm: “Người khuyết tật nhưng không tạo ra những sản phẩm khuyết tật”, hơn 12 năm qua, KymViet ngày càng phát triển và chinh phục khách hàng bằng chính giá trị sản phẩm chứ không chỉ bằng tình thương.

“Tôi có thể tự tin nói rằng mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, là những sản phẩm thủ công tinh xảo, trước khi được tạo ra bởi bàn tay của những người khuyết tật câm điếc, chúng được lên ý tưởng, thiết kế bởi những người có chuyên môn về mỹ thuật. Vì thế, mỗi sản phẩm đều rất có hồn, chứa đựng những nét văn hóa của người Việt mình trong đó”, ông Hoài tự hào nói.

Minh chứng là năm 2017 một số mẫu thú nhồi bông của KymViet đã được chọn là tặng phẩm cho du khách trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines dịp Trung thu hay tham dự các sự kiện tuần văn hóa. Cũng từ đó, có những chuyến hàng của KymViet đã được xuất đi thị trường Mỹ và cho đến nay, sản phẩm của KymViet đã đi khắp năm châu, mang "chất Việt" giao lưu với bạn bè thế giới. Không ít cơ quan, đơn vị đã lựa chọn sản phẩm của KymViet làm quà tặng cho đối tác quốc tế.

Đặc biệt, ông Hoài cho biết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thường xuyên đặt hàng các sản phẩm của anh để làm quà tặng cho các vị khách nước ngoài.

Nói về lời khuyên dành cho những start-up là người khuyết tật muốn vượt qua định kiến và học tập kinh doanh, ông Hoài cho biết: “Hãy làm tất cả những gì với mục đích tốt, cố gắng bằng tất cả khả năng, bằng tâm của mình, sớm muộn cũng sẽ thành công”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.