Đường thủy

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom

30/04/2024, 06:00

Được ví như lính đảo, 5 công nhân đảm bảo an toàn đường thủy Ba Mom ngày đêm ứng trực trên đảo đá chơ vơ giữa vịnh Hạ Long...

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 1.

Những ngày cuối tháng 4, ngồi trên tàu kiểm tra luồng tuyến đường thủy, chúng tôi từ Tuần Châu ra Trạm quản lý đường thủy Ba Mom ngoài vịnh Hạ Long. Chiều dài tuyến luồng chỉ 15km nhưng tàu chạy khoảng một giờ. Trực tiếp điều khiển tàu, Trạm trưởng Nguyễn Văn Tính cho hay đây là khu vực cửa ngõ, các phương tiện thủy từ các tỉnh phía Bắc muốn vào Quảng Ninh đều phải đi qua đây, nên mật độ phương tiện dày đặc.

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 2.

Trạm có 5 người, nhiệm vụ là trực đảm bảo ATGT đường thủy trên 7 nhánh luồng vịnh Hạ Long gồm: Luồng Ba Mom dài 15km, luồng vịnh Hạ Long dài 9,5km, luồng lạch Sâu dài 11,5km, luồng lạch Ngăn 16km, lạch Đầu Xuôi 19km, cửa Vạn 4,5km, lạch Giải 6,5km (Trong ảnh: Tàu kiểm tra luồng tuyến của trạm Ba Mom).


Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 3.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 4.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 5.

Nhiệm vụ chủ yếu hằng ngày là trực an toàn. Ngoài ra, trong tháng sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra tuyến luồng, sửa chữa, duy tu, sơn hệ thống phao tiêu, báo hiệu (Trong ảnh: Anh Hoàng Triều Dương đang kiểm tra đèn tín hiệu).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 6.

Trên đảo không có người dân sống, chỉ có các nhân viên của trạm. Nhà trạm được xây dựng trên mom đá từ năm 1969, hoàn thành năm 1971 và hoàn toàn biệt lập. Từ mặt biển đi lên nhà trạm phải qua 98 bậc thang.

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 7.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 8.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 9.

Dọc đường lên, dễ dàng bắt gặp những cây hoa bỏng, hoa dừa cạn, gần đến nhà trạm có cả cây lựu, cây chanh, vài khóm sả trên những hốc đá, tô điểm thêm chút tươi thắm cho quang cảnh cô quạnh. “Cây hoa ở đây khó sống lắm, rất dễ lụi vì không có đất. Các cây này là do trước kia anh em nấu cơm bằng bếp than tổ ong, xỉ than thì dầm ra, tãi vào các hốc đá để trồng. Các khóm sả kia trồng quanh nhà trạm để ngăn rắn đấy, nhiều rắn lục lắm”, ông Tính kể.

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 10.

Chơ vơ trên mom đá cách mặt biển hàng chục mét, các công nhân trực đảm bảo an toàn đường thủy ở đây thiếu thốn đủ bề. Anh Đào Văn Sáng ra Ba Mom nhận nhiệm vụ từ đầu năm 2000 chia sẻ: Bố anh cũng công tác trong ngành đường thủy nói cho anh về những khó khăn của trạm, nên anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Thế nhưng, khi ra trực tại trạm rồi, khung cảnh hoang sơ, vắng người vẫn khiến anh buồn và phải mất mấy tháng mới quen được.

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 11.

Hơn nữa, thực phẩm hạn chế, món thường xuyên là trứng rán, lạc rang; nước và điện thì “ăn đong”. Để có thức ăn, anh em cũng phải gọi điện khắp bà con xung quanh, xem ai đi chợ để nhờ mua, ăn vài ba ngày. Tủ lạnh không có nên chủ yếu là đồ khô, rau xanh thì chỉ mua củ quả su hào, bí xanh, hôm nào được bữa rau muống thì rất quý...

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 12.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 13.

Theo lời anh Hoàng Triều Dương, công nhân trạm, do đảo đá nên đôi khi các tàu khó cập vào bờ. Anh em trạm thường phải dùng thuyền mủng nhỏ, chèo tay để "tăng bo" lấy đồ ăn mang lên trạm. "Ở đây ai cũng biết nấu cơm. Do việc mang thực phẩm ra đây khó khăn nên anh em cũng chỉ nấu những món đơn giản. Nguồn thực phẩm dồi dào nhất chủ yếu là hàu vì chúng tôi có thể mua của các hộ nuôi bè ngay bên cạnh", anh Dương cười (Trong ảnh: Ông Tính, anh Dương chèo thuyền mủng "tăng bo" thực phẩm).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 14.

Ông Tính tiếp lời: Nguồn nước ngọt duy nhất là hứng nước mưa vào bể xây, rồi lại xách từng xô chứa vào các bể inox để dự trữ. Để tiết kiệm, thậm chí anh em xuống biển tắm rồi lên tráng nước ngọt. Mùa đông không có mưa, nước cạn thì càng phải tiết kiệm, tắm giặt là phải có “tổ chức”, để cùng nhau giặt quần áo. “Những năm hạn hán không có nước ngọt, chúng tôi phải mang can xuống dưới tàu lấy nước rồi xách từng can lên nhà. Sáng nào, anh em cũng phải xuống tàu lấy nước, rồi chèo thuyền mủng để đưa vào bờ rồi mang lên”, anh Sáng kể (Trong ảnh: Việc sử dụng nước trong sinh hoạt phải tính toán cho tiết kiệm nhất).


Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 15.

Điện thì dùng hệ thống điện mặt trời nạp vào ắc-quy, cũng chủ yếu để thắp đèn tín hiệu ban đêm và đèn điện. Nếu mưa, hoặc không còn điện ắc-quy thì dùng máy phát điện, nhưng rất hạn chế vì phải theo định mức về nhiên liệu. Vì thế, trong điều kiện thời tiết bình thường, sóng yên biển lặng sẽ không có vấn đề gì lớn, nhưng mùa mưa bão, hay mưa dầm gió bấc, sẽ khó khăn cả trong thực hiện nhiệm vụ và điều kiện sinh hoạt. Chưa kể, từ tháng 3 âm lịch đến hè, hay những ngày nước kém, trên đảo có rất nhiều con dĩn li ti, chi chít, nên thường xuyên phải đốt hương muỗi, có hôm ban ngày mà phải mắc màn, ngồi ở trong tránh dĩn (Trong ảnh: Hệ thống ắc-quy chỉ để dùng duy trì đèn báo hiệu, đèn thắp sáng).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 16.

Ông Tính kể, những năm 1999, 2000, khu vực quanh đảo bà con thuyền chài đông nên cũng đỡ cô quạnh. Hơn nữa, Quỹ Cộng đồng của Canada đã tài trợ xây dựng tại khu vực nhà trạm từ năm 2001 một lớp học, một nhà sơ cứu để phục vụ bà con, lại được cấp cả xuồng máy. Phòng sơ cứu được duy trì khoảng 6-7 năm, sau không có nguồn tài trợ nên không có kinh phí duy trì, trải qua năm tháng ngày càng xuống cấp. Hồi đó, trông lớp học là một công nhân trẻ của trạm. Còn trực tiếp lái xuồng và sơ cứu là ông Tính, dù không được tập huấn về sơ cứu, chủ yếu có kinh nghiệm từ thời đi bộ đội. Vậy mà thời gian đó đã sơ cứu, cấp thuốc cho bà con rất nhiều trường hợp (Trong ảnh: Phòng lớp học được hoàn thành năm 2001).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 17.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 18.

“Tôi nhớ trường hợp một thuyền đánh lưới cá, hai vợ chồng vừa chạy thuyền vừa lúi húi nấu cơm bằng bếp dầu, không may sóng đánh, nồi cơm rơi xuống hầm máy, cô vợ đưa tay xuống nhấc nồi cơm lên, không may bị khớp mềm nối giữa máy và hộp số quệt vào, lột hết da một bên cánh tay, nổi cả mạch máu. Họ nhờ sơ cứu, tôi vệ sinh bằng cồn, băng bó rồi đưa xuồng máy đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Sau khi điều trị khỏi, phục hồi da tay, chị ấy ra tận nơi cảm ơn tôi. Còn tôi sau hôm sơ cứu cho chị ấy cũng ám ảnh hình ảnh cánh tay bị thương, mất cả ngày không ăn được cơm. Lại có vụ bục dạ dày của công nhân tàu đẩy. Anh này bị đau bụng, đêm đến trạm xin thuốc chữa tiêu chảy, đến khoảng 5h sáng, đau quá mới đề nghị trạm cho đi cấp cứu. Tôi cũng lấy xuồng đưa đi bệnh viện tỉnh, chưa kịp kê khai gì thì vào mổ ngay vì lúc đó đã bục dạ dày rồi”, ông Tính nhớ lại (Trong ảnh: Nhà sơ cứu đã xuống cấp vì gần 20 năm không dùng đến).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 19.

Nhiều năm gắn bó với Ba Mom, nhiều kỷ niệm vui buồn, nhiều khó khăn, nhưng với các công nhân tại đây, điều khó khăn nhất không phải công việc mà chính là sự thiếu thốn tình cảm. Xa gia đình, lại ở biệt lập, di chuyển không thuận tiện nên lúc gia đình có việc đột xuất, họ cũng khó để về kịp. Dù theo quy định của công ty, mỗi tháng, các công nhân có khoảng 4 ngày nghỉ nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể về nhà.Ông Tính cho hay, phương tiện vào bờ chủ yếu là đi nhờ bà con, vì với đồng lương hiện nay mà đi thuê thì không có khả năng vì mất từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Hôm nào quay về đảo, sẽ phải gọi điện khắp nơi, xem có tàu, thuyền nào từ Tuần Châu sẽ đi qua Ba Mom không để đi nhờ. Nhiều khi xuống thuyền của bà con từ hôm trước nhưng hôm sau mới ra tới nơi vì họ còn đi làm, xong họ mới về qua (Trong ảnh: Tàu kiểm tra của đơn vị phải để phục vụ công việc trực an toàn).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 20.

“Thiệt thòi lắm, trực xong đáng ra có thể về với gia đình, thì vẫn phải ở lại, như lính biên giới, hải đảo. Ví dụ làm gần nhà, gia đình có việc gì đột xuất còn thu xếp về ngay được, xử lý. Nhưng ở đây thì lại phải phụ thuộc vào tàu, thuyền qua khu vực. Như hồi bố tôi mất mà nhận tin từ sáng nhưng đến tối tôi mới vào đến bờ, dù khoảng cách chỉ 15km”, ông Tính tâm sự.Còn anh Sáng cho hay: “Vợ con tôi động viên rất nhiều. Làm việc lâu tại đây cũng dần quen nhưng cơ bản, cũng chỉ vì mưu sinh nên cố gắng”. Anh Sáng cũng cho biết thêm, xung quanh trạm có một số ngư dân nên khi buồn, anh em vẫn có thể xuống giao lưu, hát hò cho đỡ nhớ nhà (Trong ảnh: Anh em trạm Ba Mom nuôi thêm "người bạn bốn chân" cho vui).

Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 21.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 22.
Những người “lính” đảm bảo an toàn đường thủy trên đảo đá Ba Mom- Ảnh 23.

Chia sẻ về công việc, ông Tính cho biết, làm nghề sông nước này rất rủi ro, chưa nói về người, nếu không may tàu đắm, cả khối tài sản như vậy mình phải xử lý sao? Đền thì lương thấp, chỉ 6-7 triệu, làm đến bao giờ mới đền được. Khổ nhiều rồi thành quen, anh em bảo ban nhau làm, mục tiêu đảm bảo an toàn là trên hết. Trước khi thực hiện nhiệm vụ gì, anh em bàn bạc phương án cho khả thi nhất. Trước khi chia tay, ông Tính hỏi chúng tôi: “Nhà báo biết ước mơ lớn nhất của anh em trên đảo là gì không?”, rồi ông tự trả lời: “Là hằng ngày, dậy mở mắt ra là thấy xe ô tô chạy qua”, ông cười, nét mặt bừng sáng. Ước mơ rất bình dị, nhưng chứa đựng cả nỗi niềm, khát khao được hòa vào nhịp sống xã hội ngày ngày đang chuyển động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.