Bến bãi trái phép đua nhau lấn chiếm hành lang thoát lũ
Nhiều năm qua, hành lang thoát lũ đê sông Trà Lý đoạn qua địa phận hai xã Thái Thọ và Sơn Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đua nhau lấn chiếm, "xẻ thịt" làm bến, bãi trái phép để trung chuyển, kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng.
Những ngày trung tuần tháng 12/2023, PV Báo Giao thông đã có mặt tại hai địa phương này và ghi nhận, dọc hành lang thoát lũ sông Trà Lý qua địa phận xã Thái Thọ là san sát những bến bãi tập kết than, vật liệu xây dựng nằm nối liền.
Những dãy than, đá khổng lồ không hề được che chắn án ngữ chân đê, tràn lên cả mặt đê, trải dài ra đến mép bờ sông.
Dưới mép sông luôn nhộn nhịp các tàu, thuyền ra vào neo đậu tại những mố cầu cảng có dấu hiệu xây dựng trái phép để cấp hàng cho những đoàn xe Howo đang chờ sẵn trên bờ chở đi tiêu thụ.
Cũng từ nguyên nhân này khiến mặt đê giới hạn tải trọng 12 tấn xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị cày nát, bùn đất nhão nhoẹt, xe cộ qua lại rất khó khăn, mất an toàn giao thông.
Clip: Xe chở vật liệu từ các bến không phép trên hành lang đê Trà Lý thuộc địa bàn xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Tương tự, tại tuyến đê tả sông Trà Lý, đoạn qua địa phận xã Sơn Hà hiện cũng đang tồn tại ba bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên hành lang thoát lũ.
Cụ thể là bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty CP TM&DV Hậu Hà; Bãi trung chuyển vật liệu của hộ cá thể Nguyễn Thị Hạnh; Bãi tập kết vật liệu xây dựng của Công ty xây dựng Đức Thủy.
Theo tìm hiểu, các bến bãi này chủ yếu là của doanh nghiệp kinh doanh theo hộ gia đình, hoạt động tự phát trên địa bàn và chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động, thậm chí đã nhiều lần bị lập biên bản xử phạt, yêu cầu khắc phục vi phạm.
Các bến bãi có diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông, cát, đá chất cao như núi lấn sát dọc theo chiều dài chân đê chắn sóng.
Chính quyền loay hoay xử lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Thái Thụy thừa nhận, tại địa phương đang tồn tại ba đơn vị kinh doanh bến bãi, tuy nhiên chỉ có một đơn vị là Công ty xây dựng Đức Thủy được cấp phép, còn lại là hoạt động trái phép.
"Vừa qua, địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với hộ cá thể Nguyễn Thị Hạnh tại thôn Đông Hưng do kinh doanh bến bãi khi chưa được cấp phép và bến bãi này không nằm trong quy hoạch bến bãi của UBND tỉnh Thái Bình. Đồng thời, nhắc nhở các đơn vị cam kết không được xây mới, phát sinh các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều", ông Lượng cho biết.
Khi được hỏi về trách nhiệm của địa phương, ông Lượng phân trần, do mới được điều chuyển công tác và giữ chức vụ chủ tịch xã nên bản thân ông chỉ biết rằng hai bến bãi này đã tồn tại từ lâu, do lịch sử để lại nên địa phương không biết xử lý như thế nào.
"Vừa qua, xã cũng đã phối hợp với đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra đối với các bến bãi hoạt động trên địa bàn. Do vi phạm kéo dài, địa phương cũng chưa xác định được thẩm quyền giải quyết nên đã xin ý kiến của UBND huyện, hiện đang chờ chỉ đạo từ phía UBND huyện", ông Lượng cho hay.
Trao đổi với PV qua điện thoại, đại diện Chi cục Quản lý đê điều tỉnh Thái Bình cho biết: "Về góc độ quản lý Nhà nước, đơn vị thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc địa phương xử lý đối với những trường hợp bến bãi hoạt động không phép, những trường hợp xe quá khổ, quá tải ảnh hưởng đến đê điều. Còn việc xử lý các vi phạm tồn tại thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận