Tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị biến tướng khó kiểm soát - Ảnh minh họa: Văn Đức Huy |
Sau gần 1 năm UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng này vẫn bị lợi dụng và biến tướng nghi thức hầu đồng, mở phủ gia tăng chóng mặt.
Biến tướng hầu đồng
Ngày 16/11 tại Đình Hào Nam (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Nhận diện, bảo tồn và phát triển. Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: Hiện nay, việc thực hành nghi thức hầu đồng đang bị biến tướng nghiêm trọng. Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, từ hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, hầu đồng tại các chùa, đình và các sư tham gia hầu đồng. Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ thường hầu đồng ở mọi ban, thậm chí cả ngoài sân, bật loa đài hết cỡ. Bên cạnh đó, sự bùng phát trình đồng, mở phủ cũng dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử. Nhiều người sau 3 năm, thậm chí có người mới “ra đồng” 1 năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là “đồng thầy”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ, việc lợi dụng truyền phán, dọa nạt để con nhang sắm to lễ vật, dâng cúng cũng đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong đội ngũ các ông bà đồng vẫn có không ít người lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phán bừa hoặc phán vô trách nhiệm. Không chỉ vậy, việc phát lộc trong lễ hầu đồng còn có sự phân biệt nặng nề về vật chất, làm mất đi nét đẹp ứng xử.
Ông cũng cho biết thêm, các cung văn hiện nay không còn sáng tác lời ca, sáng tác lai lịch các giá đồng như các cung văn ngày xưa. Thêm nữa, còn có tình trạng mỗi giá đồng một bộ quần áo, các ông đồng, bà cốt mỗi lần hầu đồng có hàng chục bộ quần áo cầu kỳ, đắt đỏ. Nhiều lễ phục bị thay đổi thái quá khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thần nào. Đặc biệt, việc lạm dụng sân khấu hóa, sáng tạo quá mức cũng khiến di sản này bị méo mó, biến dạng.
Cùng với vấn đề biến tướng hầu đồng, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) khẳng định, việc bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội cần bắt đầu nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập. Nữ tiến sĩ cho hay, việc tổ chức quá nhiều các cuộc trình diễn, liên hoan như hiện nay dẫn tới xu thế sân khấu hóa, du lịch hóa, sính danh hiệu một cách hình thức, phô trương và dần làm thay đổi tính chất và giá trị vốn có của di sản.
Cấp thiết quản lý thờ Mẫu
Tại hội thảo, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, năm 2017, Sở đã tiếp nhận 11 hồ sơ trong lĩnh vực thờ Mẫu (trong đó, có 11 thanh đồng và 1 hát văn) để trình Thủ tướng phê duyệt, công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Ông Tiến cho hay, 2 năm trước, ông đã nhấn mạnh việc thực hành đúng chuẩn mực. Chuẩn mực đó được các nhà khoa học, thanh đồng công khai để tập huấn cho những người mới làm nghề, tránh những biến tướng gây phản cảm.
Nở rộ thờ Mẫu Kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở VH-TT Hà Nội vào cuối năm 2016 chỉ ra, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1.900 đền, điện thờ Mẫu ở mỗi tư gia. Trong khi đó, theo điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo, đã có 83 ngôi đền, phủ thờ Mẫu ở Hà Nội (khi chưa mở rộng). Sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu cùng sự phát triển của TP Hà Nội đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định: “Nghi lễ lên đồng ở đô thị có những khác biệt với nông thôn, đó là tính cung đình hóa, đô thị hóa, thể hiện trong kiến trúc, trang trí đền, phủ, lễ phục, dâng đồ cúng… Tính thương mại và vụ lợi cũng thể hiện trong hình thức ban phát lộc, cung cách cầu xin của con nhang đệ tử”. |
“Chúng ta phải nghiên cứu việc sáng tạo trong thờ Mẫu như thế nào để không phản cảm. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 5.922 di tích, nhưng không phải ở đâu cũng có thể thực hành, ở chùa nào cũng có ban Mẫu… Cần phải làm rõ địa bàn thực hành nên ở đâu, vàng mã đốt thế nào cho phù hợp. Về vấn đề tiền lẻ, chúng tôi đồng ý trong thực hành giá đồng có thể thu tiền lẻ, nhưng không nên tung tiền lên cao, gây phản cảm”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, cơ quan quản lý cần đánh giá lại và định hướng các hoạt động trình diễn, trao giấy khen, bằng khen như hiện nay. Bởi đã là di sản văn hóa phi vật thể thì nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng và giữ gìn sự đa dạng văn hóa, không bao giờ có sự thi thố, cạnh tranh trong các dịp lễ hội, liên hoan. Hà Nội cũng cần có một chương trình kiểm kê riêng với loại hình di sản này. Cần xác định nhóm đồng nòng cốt, tham gia vào việc xây dựng tiêu chí để nhận diện những người đang thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Họ sẽ tham gia nhận diện giá trị, quy trình thực hành, nhận diện những biến đổi, nguy cơ đang làm sai lệch các giá trị văn hóa, nghệ thuật của di sản cũng như đề xuất, quyết định hình thức bảo vệ di sản này ở các phương diện khác nhau.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nêu rõ, hầu đồng vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Những tranh luận về nghi lễ hầu đồng cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau: “Vấn đề đặt ra là kế thừa như thế nào, chọn thời điểm nào... Chúng ta cần thái độ phê phán, góp ý và tiếp thu để đi đến đồng thuận, tránh đao to búa lớn, quy chụp. Trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm và kiến thức của các thanh đồng, cung văn với nghi lễ truyền thống, bởi họ là những người thực hành và nắm giữ nghi lễ, giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận