Bức tranh Maja khỏa thân
Maja khỏa thân (The Naked Maja hay La maja desnuda) là bức tranh sơn dầu của họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya. Tranh ra đời trong khoảng năm 1797-1800. Tác phẩm này hiện được trưng bày ở Bảo tàng Prado tại Madrid và được coi là điểm mở ra một chân trời nghệ thuật mới của nhân loại, thế nhưng trong thời điểm ra mắt, tâm huyết của Francisco Goy lại không được coi trọng như vậy.
Bức tranh Maja khỏa thân của danh họa người Tây Ban Nha Francisco Goya. Ảnh: Bảo tàng Prado
Bức tranh Maja khỏa thân khắc họa một người phụ nữ khỏa thân ngả mình trên chiếc giường nhiều gối. Tư thế cởi mở đặt tay ra sau đầu. Ở thế kỷ 17, không khó để tìm thấy những bức tranh khắc họa đàn ông và phụ nữ khỏa thân. Vệ nữ Rokeby, Nàng Danae hay bức Sự ra đời của thần Vệ Nữ đều là những tác phẩm tranh khỏa thân được tôn vinh. Vậy vì đâu mà Maja khỏa thân lại gây sốc và bị chỉ trích nặng nề ở thời điểm ấy?
Câu trả lời nằm ở lý lịch của nhân vật trong hình. Nếu như các tác phẩm tranh khỏa thân trước đó đều vẽ nhân vật thần thoại hay nhân vật liên quan đến tôn giáo, thì Maja khỏa thân lại khắc họa một con người thật. Ý tưởng về bức tranh khỏa thân của một con người bằng xương bằng thịt thời bấy giờ đã khiến người xem bị sốc.
Không ít tác phẩm tranh khỏa thân từng xuất hiện trước thế kỷ 17, đặc biệt là các bức tranh Vệ Nữ. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Luân Đôn
Chính biểu cảm gương mặt và ánh nhìn thẳng thắn, không chút xấu hổ của cô người mẫu cũng khiến cho bức tranh này trở nên quá táo bạo trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18.
Thực tế là khi ra đời, Maja khỏa thân không phải một tác phẩm hội họa công khai. Tranh được cho là thuộc sở hữu của Thủ tướng Manuel de Godoy, được ông đặt vẽ cùng với một tác phẩm khác có tên La maja vestida - chính là phiên bản có trang phục của Maja khỏa thân. Biểu cảm gương mặt người phụ nữ trong phiên bản La maja vestida thậm chính còn táo bạo và thách thức hơn.
Tác phẩm táo bạo
"Maja" thực ra không phải tên riêng của bất kỳ người mẫu nào. Đây là một từ cổ tiếng Tây Ban Nha, dùng để chỉ những nữ thường dân ăn mặc phá cách trên đường phố Madrid xưa. Từ này cũng đồng thời là hình thức nữ tính của "majo", ám chỉ một người Tây Ban Nha thuộc tầng lớp thấp của thế kỷ 18 và 19.
Danh tính của người phụ nữ trong tranh vẫn luôn là một bí ẩn trong lịch sử hội họa. Có nguồn tin cho rằng đây là nữ bá tước Pepita Tudó, người tình của Manuel de Godoy. Cũng có người khẳng định nàng mẫu này là Nữ công tước xứ Alba, người tình của họa sĩ Goya. Song tất cả những người phụ nữ này đều là vương tôn quý tộc, không dễ gì để họ thể xác nhận danh tính trong một tác phẩm gây tranh cãi như thế này.
Hai bức tranh La maja vestida và La maja desnuda được trưng bày cạnh nhau trong Bảo tàng Prado tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Flickr
Manuel de Godoy đã lưu giữ hai bức tranh tại nhà riêng 6 năm trước khi bị các nhà điều tra của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha phát hiện, năm 1808. Godoy bị đưa ra trước tòa án, buộc phải khai ra nghệ sĩ đứng sau tác phẩm này là Francisco Goya. Tranh bị tịch thu sau đó với lời kết tội là tác phẩm "quá khiếm nhã và gây phương hại đến lợi ích chung". Họa sĩ Goya sau đó cũng phải hầu tòa vì bị quy kết tội danh suy đồi đạo đức.
Một thời gian sau, Francisco Goya được miễn tội do chứng mình được tranh mình mô phỏng theo truyền thống từ tranh khỏa thân của danh họa Titian và Diego de Velázquez - hai vị họa sĩ có vẽ tranh khỏa thân nhưng được hoàng gia và nhà thờ ngưỡng mộ.
Giờ đây, Francisco Goya được hậu thế nhớ tới như một huyền thoại của hội họa Tây Ban Nha. Maja khỏa thân chính là tác phẩm vẽ phụ nữ khỏa thân kích thước như người thật đầu tiên trong nghệ thuật phương Tây. Bức tranh cũng đặt những viên gạch đầu tiên cho trường phái nghệ thuật này, mở cánh cửa để các họa sĩ có thể khắc họa vẻ đẹp của cơ thể con người một cách tự nhiên, không dung tục thông qua hội họa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận