Cần chính sách “vượt rào” để ngành vận tải Việt vươn tầm quốc tế

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, để ngành vận tải trong nước phát triển, vươn tầm quốc tế, cần mạnh dạn tiếp thu những tinh hoa của nhân loại.

Hoạt động vận tải là mạch máu của nền kinh tế quốc gia. Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), vận tải vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục. Tuy có lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn thực hiện được nhiệm vụ chính yếu của ngành là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông, phân phối hàng hóa thuận lợi cho nền kinh tế.

Những năm tháng khó quên

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, tại TP.HCM, hoạt động vận tải có thể chia ra các giai đoạn, mỗi giai đoạn có những cột mốc khác nhau.

Giai đoạn 1, từ 1975 - 1986: Trong đó, giai đoạn từ năm 1975 - 1979 khó khăn nhất. Lúc này toàn bộ phương tiện vận tải thuộc sở hữu tư nhân được đưa vào hợp tác xã, xí nghiệp, công ty hợp doanh, quốc doanh, dưới sự quản lý của nhà nước.

Năm 1980 đến năm 1986, giá xăng, dầu thế giới lên cao dẫn đến tình trạng khan hiếm. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô ở phía Nam, có ô tô chạy bằng than xuất hiện. Tuy kéo lùi sự tiến bộ nhưng cũng thực sự góp phần trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân.

Cần chính sách “vượt rào” để ngành vận tải Việt vươn tầm quốc tế- Ảnh 1.

Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM là nơi gắn kết các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.

Giai đoạn 2, từ 1986 - 2008: Đó là giai đoạn ở miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, lực lượng vận tải ngoài quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo trong ngành kinh tế. Thời điểm này, xuất hiện 2 giá xăng dầu, 2 giá cước vận tải, mở đường cho từng bước phục hồi hoạt động vận tải nói riêng và cả ngành kinh tế nói chung.

Đặc biệt, giai đoạn này xuất hiện hình thức "phụ thu giá cước theo chiều rỗng", một biện pháp có tính cách "xé rào", gây ra nhiều tranh cãi nhưng lại có hiệu quả thiết thực là giải tỏa khách tồn đọng ở các bến xe liên tỉnh vào các dịp lễ, Tết; góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Giai đoạn 3, từ 2008 - 2024: Giai đoạn này hoạt động vận tải dần đi vào nền nếp với Luật Giao thông đường bộ 2008, đây cũng là một bước tiến mới trong lĩnh vực GTVT. Hoạt động vận tải được quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước do Cục Đường bộ VN - Bộ GTVT trực tiếp quản lý.

Cần chính sách “vượt rào” để ngành vận tải Việt vươn tầm quốc tế- Ảnh 2.

Xe buýt hai tầng tham quan TP.HCM của Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam - một thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM.

Với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, mô hình công ty TNHH, Công ty cổ phần, hộ kinh doanh cá thể… tất cả đều sử dụng loại xe chất lượng cao, xe giường nằm, giúp hành khách có nhiều chọn lựa.

Luồng tuyến xe hoạt động cũng được mở rộng, thậm chí xe chạy về đến các trung tâm huyện, xã, phục vụ người dân tận ngõ. Ở những tuyến có cự ly trung bình như: TP.HCM - Vũng Tàu, Đà Lạt, TP.HCM - Cần Thơ… các hãng còn sử dụng loại xe limousine cao cấp, được mệnh danh là "hàng không mặt đất".

Các chính sách "vượt rào" của vận tải TP.HCM

Khi Nhà nước thực hiện cơ chế mở cửa và áp dụng "kế hoạch 2", tức là xăng dầu không còn do Nhà nước cung cấp và giá cước không còn bị ấn định, thay vào đó, doanh nghiệp, hợp tác xã được tự thỏa thuận giá với khách hàng. Chính sách đổi mới này đã góp phần tạo ra những bước tiến vượt bậc cho ngành vận tải, đưa ngành đến vị trí phát triển như ngày nay.

Trong 50 năm hình thành và phát triển, ngành vận tải ô tô TP.HCM đã xác lập những dấu ấn rất quan trọng. TP.HCM được xem là nơi khai phá, góp phần phát triển ngành vận tải ô tô sau đổi mới. Những chính sách được thành phố đề xuất đến nay đã áp dụng rộng rãi trên cả nước, nhưng ở thời điểm đề xuất, ông Tính cho rằng, việc bảo vệ các quan điểm đó cực kỳ gian nan.

Chẳng hạn, thời điểm TP.HCM đề xuất Nhà nước không trực tiếp quản lý giá cước vận tải mà để doanh nghiệp tự quyết định thông qua cơ chế cung cầu. "Mặc dù, lúc đó đã được đưa vào áp dụng và phát huy hiệu quả, nhưng sau đó thành phố cũng bị Bộ Tài chính nhiều lần kiểm tra", ông Tính nhớ lại.

Cần chính sách “vượt rào” để ngành vận tải Việt vươn tầm quốc tế- Ảnh 3.

Lái xe của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) - một thành viên của Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM.

Hay như chính sách cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã được phụ thu tối đa 60% cho lượt xe chạy rỗng, đã huy động được phương tiện để giải tỏa khách vào các dịp lễ, Tết… Thế nhưng lúc đầu đưa ra cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nói về tương lai của ngành vận tải, ông Lê Trung Tính cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng chung của thế giới, nhất thiết phải phấn đấu để theo kịp, nếu không sẽ bị tụt hậu.

Để ngành vận tải trong nước phát triển, vươn tầm quốc tế, theo ông Lê Trung Tính, cần mạnh dạn tiếp thu những tinh hoa của nhân loại.

Chẳng hạn, cần công nhận và hướng đến cho phép sử dụng ô tô cá nhân lúc nhàn rỗi, tham gia vận tải công cộng - một loại hình kinh tế chia sẻ, đã len lỏi mọi ngõ ngách của các nền kinh tế. Hay cần có quy định riêng "đường ưu tiên" hoặc "đường dành riêng" cho xe buýt trong các thành phố đô thị.

Bộ GTVT nên có chiến lược tái cấu trúc các doanh nghiệp, HTX vận tải trên phạm vi cả nước, nhằm tăng quy mô doanh nghiệp, tạo điều kiện tích lũy vốn, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh; đồng thời có thể áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực vận tải. Nhanh chóng ban hành nhiều biện pháp nhằm kéo giảm chi phí vận tải nói chung và chi phí logistics nói riêng, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước với khu vực.

26/12/2024, 16:45