Những ngày đầu gian khó
- Gần 10 năm kể từ ngày cổ phần hóa chuyển đổi mô hình hoạt động, Cienco4 đã bắt đầu thu lượm được những "trái ngọt". Nhìn lại hành trình ấy, ông ấn tượng điều gì?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về việc cổ phần hóa các tổng công ty, Cienco4 là đơn vị đầu tiên trong ngành GTVT hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp để thích ứng với quá trình hội nhập, mở rộng cơ hội tìm kiếm công việc, lĩnh vực kinh doanh.
Tính đến thời điểm cổ phần hóa (năm 2014), doanh nghiệp đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Với tổng sản lượng đạt 16.943 tỷ đồng, tăng 395% so với năm 2010; Doanh thu đạt gần 15.900 tỷ đồng, tăng 398%; Thu nhập doanh nghiệp đạt 105 tỷ đồng, tăng 269%; Đầu tư thiết bị công nghệ đạt 269 tỷ đồng, tăng 230%; Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 220%.
Năm 2010-2014 ngành GTVT triển khai rầm rộ dự án nâng cấp QL1 từ Bắc đến Nam, khối lượng công việc nhiều với nguồn lực dồi dào được Chính phủ "bơm" cho hạ tầng, kích thích tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế thế giới (2008).
Thời gian đầu cổ phần hóa, doanh nghiệp đối diện khó khăn trăm bề: Chưa ổn định tổ chức, tâm tư nguyện vọng người lao động còn dao động, các cổ đông chưa có nhiều thời gian để ngồi lại với nhau xác định chiến lược rõ ràng và tìm tiếng nói đồng nhất.
Nội tại chưa ổn định, thị trường lại vào đà lao dốc, nguồn vốn, số lượng dự án giao thông bị giảm do chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, các nguồn vốn ODA giảm. Giai đoạn 2015-2020, nguồn dự án giảm rất mạnh. Riêng Cienco4, nếu trước đây, giá trị doanh thu hàng năm đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, nhưng giai đoạn này, doanh thu hàng năm chỉ còn khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ngành nghề nào cũng có lúc thăng, lúc trầm…
- Thách thức là rất lớn, Cienco4 đã vượt qua khó khăn ấy như thế nào, thưa ông?
Doanh thu giảm, bài toán đặt ra là phải tiết kiệm nhất có thể để có nguồn lực nuôi dưỡng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xác định phương châm đó, Tập đoàn Cienco4 xác định là phải tăng cường quản trị doanh nghiệp. Hệ thống các đơn vị thành viên được tái cấu trúc. Một số đơn vị phải giải thể, có đơn vị được sáp nhập, cổ phần hóa nhằm tinh gọn bộ máy.
Công ty mẹ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng phòng, ban, tăng trách nhiệm, một người có thể kiêm nhiều việc.
Nếu thời điểm còn trực thuộc Nhà nước, mỗi năm chi phí quản lý doanh nghiệp của Cienco4 là hơn 200 tỷ đồng thì sau cổ phần hóa, con số này giảm hơn một nửa.
Cải thiện nội lực, Cienco4 cũng nhanh chóng chuyển hướng đi trong công tác thị trường.
Tận dụng thế mạnh về tính minh bạch trong quản trị, kinh nghiệm thi công lâu năm với những công trình chất lượng, đội ngũ nhân lực lành nghề, chịu thương chịu khó, Cienco4 lập tức "bắt tay" liên danh với các đối tác nước ngoài (chủ yếu là đối tác Nhật Bản) để có việc.
Giai đoạn 2015-2020, ước tính 80% doanh thu Cienco4 có chủ yếu từ các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, từ Tân Vũ - Lạch Huyện, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Mai Dịch - Nam Thăng Long, metro Bến Thành - Suối Tiên…
Nhận định ngành nghề nào cũng sẽ phải đi theo đồ thị hình sin, sẽ có lúc thăng, lúc trầm theo thời cuộc, không thể cứ mãi đi ngang hay một chiều thẳng tiến, chiến lược kinh doanh của Cienco4 được xây dựng đi bằng "nhiều chân", không phụ thuộc vào duy nhất một lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông.
Ngành nghề nào cũng sẽ phải đi theo đồ thị hình sin, sẽ có lúc tăng, lúc giảm theo thời cuộc, không thể cứ mãi đi ngang hay một chiều thẳng tiến, chiến lược kinh doanh của Cienco4 được xây dựng đi bằng "nhiều chân", không phụ thuộc vào duy nhất một lĩnh vực.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - CEO Tập đoàn Cienco4
Ngoài lĩnh vực giao thông, Cienco4 tiếp tục dấn thân vào ngành nghề bất động sản, đầu tư để bán và cho thuê. Cùng đó là các lĩnh vực: Dịch vụ, thương mại, du lịch, đầu tư tài chính.
Nhờ đó, trong khoảng thời gian từ khi cổ phần hóa (2014) đến năm 2020, hiệu quả kinh doanh vẫn đi ngang, duy trì ổn định, tăng tỷ suất hiệu quả nhờ tiết giảm chi phí (chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp…).
Trong bối cảnh khối lượng dự án giao thông ít, doanh thu giảm, dù không có sự tăng trưởng, song việc đảm bảo được việc làm, giữ được người và chưa bao giờ giảm lương, chế độ của người lao động, các kỹ sư, công nhân với Cienco4 đã là thành công rất lớn và là một trong số ít các Cienco của ngành GTVT làm được.
Từ con người nảy ra ý tưởng
- Vậy Cienco4 đã làm thế nào để vượt qua được khó khăn đó, thưa ông?
Như đã chia sẻ ở trên, đứng trước những khó khăn của ngành Giao thông, từ khi cổ phần hóa đến năm 2020, hoạt động kinh doanh của Cienco4 gần như chỉ đi ngang, không tăng trưởng.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, bức tranh kinh doanh của Cienco4 đã có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Chỉ trong hai năm gần đây, số vốn điều lệ của Cienco4 đã tăng 3 lần. Từ số vốn 1.000 tỷ đồng (tính đến năm 2021) cho đến nay là 3.573 tỷ đồng.
Tận dụng thời cơ trong thời gian Nhà nước đẩy mạnh nguồn vốn kích thích kinh tế thông qua đầu tư mạnh mẽ các hạ tầng giao thông trọng điểm, từ cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, sân bay, hai năm trở lại đây, doanh thu, khối lượng việc làm của Cienco4 đều tăng từ 15% trở lên.
Riêng năm 2023, dự kiến doanh thu tăng ít nhất 50%, lợi nhuận tăng gấp 2 lần. Điều này giúp Cienco4 có tiền gửi nhiều hơn, kéo tiền vay ngân hàng giảm xuống, chi phí lãi vay giảm.
Nhờ đó, trải qua nhiều thăng trầm, doanh nghiệp vẫn vững vàng vượt qua, đẩy mạnh đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi, chính sách, chế độ cho người lao động, đáp ứng đầy đủ trách nhiệm đóng thuế, bảo hiểm cho Nhà nước dù rằng, một số dự án hạ tầng giao thông "rót vốn" đầu tư như Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa được thu phí.
Không quá để nói rằng, trong khối các "Cienco - anh cả đỏ của ngành GTVT" ngày trước, hiện Cienco4 đang là doanh nghiệp giữ vững được vị thế cả về tiềm lực, năng lực đầu tư. Đâu là chìa khóa giúp Tập đoàn có được kết quả này?
Yếu tố chính vẫn là con người. Từ con người nảy sinh ra ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó.
May mắn là trong suốt hành trình 6 thập kỷ phát triển của Cienco4, đặc biệt là sau gần một thập kỷ tiến hành cổ phần hóa, Cienco4 đã tạo lập được uy tín, tạo niềm tin để liên danh, liên kết với các tổ chức tài chính, các cổ đông, nhà đầu tư góp vốn.
Minh chứng là thời điểm này, số cổ đông của Cienco4 đã lên tới hơn 30.000 cổ đông. Bốn lần tăng vốn điều lệ của Cienco4 đều đạt kết quả tuyệt đối (100%).
Cụ thể, thời điểm còn là doanh nghiệp Nhà nước, vốn điều lệ của Cienco4 chỉ chưa đến 200 tỷ đồng (183 tỷ đồng), đến thời điểm cổ phần hóa (2014) vốn điều lệ được nâng lên 600 tỷ đồng.
Chỉ sau một năm, vốn điều lệ tiếp tục được tăng lên 720 tỷ đồng. Năm 2016 là 1.000 tỷ đồng.
Quan điểm xuyên suốt của Cienco4 là không tăng trưởng bằng mọi giá, không dùng đòn bẩy tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi sẽ sử dụng tối đa vốn tự có để đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - CEO Tập đoàn Cienco4
Tháng 3/2022, Tập đoàn Cienco4 đã hoàn thành phát hành hơn 112 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ lên hơn 2.200 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 2.000 tỷ trước thời hạn.
Năm 2023, hơn 112 triệu cổ phiếu tiếp tục được Cienco4 phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Việc phát hành thành công ngoài mong đợi, số vốn điều lệ được nâng lên gần 3.573 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Nói theo cách ví von, nếu "sức khỏe", tiềm lực nội tại của doanh nghiệp không tốt, không gây dựng được niềm tin từ chính những sản phẩm mình làm ra, có lẽ, Cienco4 không có được suôn sẻ như vậy.
Giao thông là chủ đạo, không đầu tư bằng mọi giá
- Như ông nói, Cienco4 xác định đi bằng "nhiều chân", vậy lĩnh vực giao thông có được ưu tiên?
Duy trì mảng xây dựng với giá trị doanh thu tăng đều 10-15% hàng năm là mục tiêu Cienco4 tiếp tục hướng đến trong thời gian tới.
Tùy vào tình hình thị trường, các lĩnh vực khác sẽ tiếp tục được Tập đoàn nghiên cứu, phân tích để có hướng đầu tư phù hợp.
Mặc dù vậy, quan điểm xuyên suốt của Cienco4 là không tăng trưởng bằng mọi giá, không dùng đòn bẩy tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi sẽ sử dụng tối đa vốn tự có, không ưu tiên đầu tư bằng vốn vay. Tích lũy từ hoạt động đầu tư xây dựng sẽ là nguồn lực thực hiện tái đầu tư công nghệ, bất động sản, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và ngược lại.
Nói cách khác, Cienco4 sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng từng bước trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững, sản xuất kinh doanh hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh; lấy chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông làm chủ đạo, phát triển ngành nghề khác một cách hợp lý.
Riêng lĩnh vực bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, trọng tâm đầu tư của Cienco4 sẽ hướng đến các dự án như: Dự án Khu nghỉ dưỡng Green Tea Islands; Dự án chung cư thương mại Cienco4 Group tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Dự án Khu du lịch ẩm thực sinh thái Nghi Hải; Các dự án khu đô thị Long Hải…
- Riêng lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, ông cho rằng đâu là thế mạnh của Cienco4?
Hơn 60 năm hình thành, phát triển với xuất phát điểm từ lĩnh vực giao thông, hiện tại, Cienco4 hoàn toàn tự tin tham gia đấu thầu và được các chủ đầu tư tin tưởng chỉ định thầu tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Vị thế, tiềm lực của Tập đoàn không chỉ thể hiện qua việc sở hữu một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, từng kinh qua với tất cả các loại hình công trình giao thông: Sân bay, cảng biển, hầm đô thị, hầm cao tốc, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc… mà đó còn là giá trị doanh thu, nguồn lực tài chính sẵn có, các công nghệ thi công hiện đại, vốn "hợp đồng công trình tương tự" để cạnh tranh một cách sòng phẳng với nhiều nhà thầu lớn khác.
Đặc biệt hơn cả là uy tín. Có thể nói, trên các công trình đảm nhận, chưa dự án nào Cienco4 để lỡ hẹn và không đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, thẩm mỹ.
Song Cienco4 sẽ không đầu tư bằng mọi giá mà có sự chọn lọc, ưu tiên yếu tố an toàn, hiệu quả để giữ năng lực.
Chớp cơ hội làm đường sắt tốc độ cao
- Sau quá trình đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc, giai đoạn 2025-2030, nguồn lực giao thông được Chính phủ xác định ưu tiên phát triển hạ tầng đường sắt, đường sắt tốc độ cao. Cienco4 đã có sự chuẩn bị thế nào?
Với đường sắt đô thị, Tập đoàn Cienco4 có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác là đã tham gia làm metro với đối tác Nhật Bản tại dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Nhờ đó, kinh nghiệm thi công, nhân lực, máy móc thiết bị, công nghệ trong thi công loại hình dự án này đã được Cienco4 đầu tư trước một bước so với nhiều nhà thầu giao thông khác.
Chúng tôi cũng xác định, sau khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông được nối liền, ưu tiên số 1 trên "trục xương sống" huyết mạch quốc gia là tập trung cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Để "chớp" được những cơ hội tiếp theo, Tập đoàn đã bắt đầu đào tạo, kết hợp với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển giao kiến thức quản lý, kỹ năng quản trị, thi công để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng các dự án khi được lựa chọn tham gia.
- Cảm ơn ông!