Châu Âu và thế giới Hồi giáo vẫn còn nhiều bất đồng cần phải giải quyết nếu muốn hợp tác chống khủng bố |
Bất đồng
Trong cuộc họp hôm qua tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng cho rằng, biện pháp hợp tác có thể tiễu trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU - bà Federica Mogherini nói: “Điều chúng ta cần không chỉ là hợp tác giữa EU với các nước Arab, mà còn là sự hợp tác giữa EU với các cộng đồng người Hồi giáo và với tất cả các cộng đồng người thiểu số, cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực.”
Hôm qua, một video trên trang mạng của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã dọa giết hai con tin người Nhật Bản nếu Tokyo không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 72 giờ, để “đền bù” cho khoản viện trợ phi quân sự mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết hỗ trợ chiến dịch chống IS. Ông Abe cho rằng, sự đe dọa này “không thể tha thứ” và sẽ không lùi bước.Theo IS, hai công dân Nhật Bản tên là Kenji Goto Jogo và Haruna Yukawa. Haruna Yukawa (42 tuổi), làm việc cho một công ty quân sự tư nhân, đã bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 8/2014. Kenji Goto Jogo (48 tuổi), một nhà báo độc lập, thường cung cấp các thước phim tài liệu về Trung Đông và các khu vực khác cho các kênh truyền hình của Nhật Bản. |
Liệu sự hợp tác này có đi đến đâu khi trong quá khứ mối quan hệ giữa châu Âu và thế giới Hồi giáo không mấy êm ấm. Không nói đâu xa, ngay khi cả châu Âu và người Hồi giáo lên án hành động khủng bố thì Tạp chí Charlie Hebdo lại gây chia rẽ khi tiếp tục đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammad. Người Hồi giáo ở Niger, Palestine, Iran, Pakistan, Algerie, Senegal, Mauritania, Mali... xuống đường biểu tình, dẫn đến bạo động. Thậm chí tại Niger, 45 nhà thờ Thiên chúa đã bị đốt cháy trong các cuộc bạo động những ngày gần đây. Cảnh sát cho biết, trong các cuộc bạo động, ít nhất 10 người chết, hơn 170 người bị thương ở Thủ đô Niamey và TP Zinder. Gần 200 người bị bắt giữ, trong đó có cả trẻ vị thành niên. Còn tại Iran, hơn 2 nghìn người Iran biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Thủ đô Tehran với khẩu hiệu “Đả đảo nước Pháp” và yêu cầu chính quyền trục xuất Đại sứ Pháp…
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande tái khẳng định cam kết của mình đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và cho rằng nước Pháp không xúc phạm bất cứ ai trong khi bảo vệ tư tưởng của mình và nước Pháp đại diện của sự tự do.
Bản thân người Pháp cũng mâu thuẫn khi trong một cuộc khảo sát vừa tiến hành cho thấy: 42% cho rằng Charlie Hebdo không nên đăng tải các bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammad; trong khi đó, 57% cho rằng không nên để những cuộc biểu tình ngăn cản việc công bố tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammad.
Cực đoan từ nghèo đói, thất nghiệp
Thủ tướng Pháp Manuel Valls thông báo có khoảng 1.200 thanh niên tham gia và hàng triệu thanh niên khác đang trong tầm ngắm của các tổ chức thánh chiến. Tờ L’Express của Pháp cho rằng, kinh tế đình trệ đã nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và sẽ luôn là nguy cơ hiện hữu nếu như không giảm được gánh nặng tài chính đang đè nặng lên các DN, không giải tỏa được thị trường lao động.
Các chuyên gia cho rằng, nếu có nhiều cơ hội thăng tiến với con cái của những người nhập cư và tăng trưởng kinh tế mang đến cơ hội nghề nghiệp thì những tư tưởng cực đoan khó có thể tác động tới họ. Những thanh niên này không việc làm, không được sự giúp đỡ của cơ quan tìm kiếm việc làm.
Trong khi đó, hôm qua, ông Guy Ryder, người đứng đầu Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng thêm 11 triệu người trong 5 năm tới do kinh tế tăng trưởng chậm và bất ổn. Riêng tại khu vực châu Âu, chính sách khắc khổ góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Theo ILO, thất nghiệp ở thanh niên vẫn còn là một mối lo ngại lớn, nhất là ở miền Nam châu Âu.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận