"Buýt nhanh có thể đi nhanh?" là câu hỏi nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc |
Xem clip và thông tin trên báo về lộ trình tuyến buýt nhanh cũng như mật độ giao thông trên tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, bạn đọc Lê Minh cho rằng: “Việc dành ra làn riêng cho xe buýt là hợp lý và cần làm quyết liệt chứ không phải vẽ ra để đấy. Nếu nhanh hơn 5-10 phút như bài báo đưa tin, tôi tin chắc nhiều người đi làm trên tuyến này sẽ bỏ xe máy đi xe buýt”.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác phản đối dự án lần đầu được thực hiện tại Hà Nội có chung quan điểm: Chi 1.100 tỷ đồng làm dự án mà hiệu quả chỉ rút ngắn 5-10 phút đi xe trên tuyến là quá phí phạm. Tốc độ 20km/h chỉ nhanh hơn xe đạp một chút, sao gọi là buýt nhanh được?
Trái ngược với suy nghĩ này, bạn đọc Quốc Huy bình luận: “Buýt cũ đầu tư xe mới, xây nhà chờ, mở đường cũ cũng tốn hàng chục tỷ đồng nhưng không ai cộng vào thành tổng giá trị đầu tư nên so sánh vậy là khập khiễng”. Bạn đọc Mai Lan cũng bày tỏ: “Đừng ném đá, cản trở cái mới, cứ tuân thủ quy định, nhường đường cho xe buýt, cái chúng ta nhận lại sẽ là sự khác biệt. Cứ ngồi đó phán xét, tranh đường của xe buýt, chúng ta sẽ dẫm chân lên chính mình”.
Bạn đọc Quỳnh Linh lại đặt ra góc nhìn khác: “Rất khó giảm áp lực giao thông nếu chỉ làm buýt từng tuyến đường. Số người bỏ xe máy đi xe buýt cũng như muối bỏ biển, bởi họ không chỉ đi từ nhà đến chỗ làm, mà còn cần đưa đón con hoặc làm việc khác. Cứ hình dung thử, đường đã bé lại chia 1/3 cho buýt nhanh, số người còn lại dồn vào 2/3 đường, không tắc thêm mới lạ”.
Đây cũng chính là lo ngại của nhiều độc giả khác bình luận dưới bài viết, đa số đều mong mỏi kiến nghị Hà Nội chỉ đạo CSGT phối hợp tốt với công ty vận hành xe buýt để đảm bảo giao thông trên tuyến không bị xáo trộn.
“Cả tháng nay tôi đã khốn khổ trên các tuyến đường đông như kiến tầm 17h-18h, nếu các phương tiện đi loạn xạ không theo hướng dẫn thì không biết mấy giờ tôi mới về được nhà. Tôi ủng hộ giải pháp mới nhưng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu làm “đầu voi đuôi chuột” vừa lãng phí vừa ức chế cho người dân”, bạn đọc Lưu Phượng Lý chia sẻ.
"Là một người hàng ngày đi làm trên tuyến tới đây sẽ có buýt nhanh, tôi đề nghị trước ngày vận hành chính thức, Hà Nội nên thử nghiệm điều tiết giao thông theo đúng phương án phân làn khi có xe buýt nhưng chưa cho buýt chạy thử. Nếu tắc đường vỡ trận, ta có thể "mở" đường cấm cho xe vận hành bình thường. Chỉ có như thế mới tránh được thảm họa tắc đường ngày đầu vận hành buýt nhanh", bạn đọc Lý Trí Minh đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận