Thị trường

Chó Pitbull cắn chết người: Việt Nam có cấm nuôi khi nhiều nước đã làm?

25/05/2021, 06:05

Sau vụ chó Pitbull cắn chết người, nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên xem xét cấm nhập khẩu hoặc cấm nuôi loại chó này hay không?

img

Anh Nguyễn Thanh Hải (chủ nuôi chó Pitbull cắn chết người tại Long An) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau vụ việc cho Pitbull ở Long An cắn chết người, thậm chí chủ chó cũng bị chó cắn suýt mất mạng, nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên xem xét cấm nhập khẩu hoặc cấm nuôi loại chó này khi nhiều nước trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế nuôi giống chó này?

Chưa có quy định cấm nhập khẩu

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đây không phải vụ việc đầu tiên chó Pitbull cắn chết người mà thực tế đã có nhiều vụ việc tương tự. Năm 2018 cũng đã nổi lên với sự việc chó ngao Tây Tạng cắn chết một người ở Hà Nội.

Bộ NN&PTNT cũng đã liệt kê những giống chó nguy hiểm, thường xuyên cảnh báo nhắc nhở trên các phương tiện truyền thông và yêu cầu sự hợp tác từ chủ nuôi những giống chó trên tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, Bộ đã nhiều lần cảnh báo và có văn bản chỉ đạo rất rõ việc quản lý đàn chó và thả rông chó.

Còn về việc có nên cấm nuôi hay cấm nhập khẩu loại chó nay hay không thì theo ông Long, quy định pháp luật về chăn nuôi và thú y (Luật thú y và Luật chăn nuôi) đều chưa có quy định về việc cấm nhập loại động vật này.

Tuy nhiên, khi nhập về thì tất cả quy trình, thủ tục kiểm dịch phải đúng quy định bao gồm xuất xứ nguồn gốc, tình trạng sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho đàn chó.

Do vậy, vấn đề mấu chốt ở đây việc tổ chức triển khai thực hiện ở cấp cơ sở, cụ thể là cấp UBND xã, phường, thị trấn và nhận thức, cũng như sự hợp tác của chủ nuôi chó...

"Người ta có mong muốn, có nhu cầu nuôi loài vật đó thì phải đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và trong trường hợp xảy ra sự cố, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp chó bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.

Ngoài ra, chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật", ông Long bày tỏ.

Ông Long cũng chia sẻ, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Y tế để tổng kết, đánh giá Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021.

Trong quá trình này, những tồn tại bất cập sẽ được Bộ nghiêm túc rà soát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục có chỉ đạo.

Thành lập các đội xử lý chó thả rông

Ông long cho biết, Bộ NN&PTNT cũng vừa gửi công văn yêu cầu các địa phương thành lập các đội xử lý chó thả rông. Đồng thời, lập sổ theo dõi các hộ nuôi chó và số lượng của từng hộ để phục vụ việc tiêm phòng vaccine.

Các địa phương được yêu cầu xây dựng kế hoạch trình lên UBND cấp tỉnh, thành phố để được cấp kinh phí, nguồn lực thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại.

Trong đó, thống kê chính xác các hộ nuôi chó tại từng địa phương; Yêu cầu các hộ nuôi chó nhốt, xích; Trường hợp chó ra đường phải đeo rọ mõm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức các hoạt động của năm cuối và tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021.

Cụ thể là đánh giá, phân tích chi tiết các nội dung về kết quả đạt được và chưa làm được, những khó khăn, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; Đề xuất cụ thể các nội dung, giải pháp phòng, chống bệnh dại trong giai đoạn tiếp theo.

Theo trang banpitbulls.org, hiện có trên 35 quốc gia và nhiều tỉnh thành hoặc các bang ban bố lệnh cấm nuôi chó Pitbull sau những hệ lụy đáng tiếc mà giống chó này gây ra.

Trong số này đó bao gồm Argentina, Bavaria, Belarus, Bermuda, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Guyana, Ireland, Israel, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Ukraine, Vương quốc Anh và Venezuela là các quốc gia cấm nuôi Pitbull trên toàn quốc.

Ngoài ra, có tới 15 trên tổng số 16 bang tại Đức cũng cấm nuôi chó Pitbull, cũng như một số khu vực tại Trung Quốc, Australia, Bỉ, Trung Quốc, Canada.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.