Quản lý

Chuyện chưa kể mở “đường máu” Quyết Thắng

09/05/2016, 18:16

Các thế hệ CBNV CIENCO5 vẫn luôn tưởng nhớ, tri ân gần 1.100 CBNV ban hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ.

9
Ông Thân Đức Nam (hàng đứng, giữa) cùng các thành viên Ban liên lạc Ban Xây dựng 67 trong ngày ra mắt - Ảnh: Tấn Việt

Quyết Thắng - tên đường 20 cũng là khẩu hiệu, mục tiêu cho những tuyến đường được những cán bộ chiến sĩ Ban Xây dựng 67 mở bằng mồ hôi, máu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đó là bản tráng ca mở đường của những người quên thân mình xẻ dãy Trường Sơn, đảm bảo giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Cắt máu ăn thề, không bỏ trận địa

Những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua, Ban liên lạc của Ban Xây dựng 67 (gọi tắt Ban 67, tiền thân Tổng công ty XDCTGT 5 - CTCP, CIENCO5) lại nối dài hành trình, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang ngành GTVT trên địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình… Giữa làn khói hương nghi ngút, ông Nguyễn Bá Thơm (quê huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Trưởng ban liên lạc Ban 67 chia sẻ: “Đây là ngày “giỗ chung” của cả Ban 67 ngày ấy. Các thế hệ CBNV CIENCO5 bây giờ vẫn luôn tưởng nhớ, tri ân gần 1.100 CBNV ban hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Gần tuổi thất thập, mái tóc đã bạc, giọng ông Thơm đầy rắn rỏi, cương nghị nhắc về ký ức hào hùng mở đường 20 Quyết Thắng, con đường vắt ngang dãy Trường Sơn mang ý nghĩa “thế trận giao thông” đặc biệt quan trọng. Ngay từ tháng 4/1965, khi Ban 67 chưa thành lập, Thực hiện Nghị quyết 12 của T.Ư Đảng về công tác chi viện cho miền Nam, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định điều động hơn 200 cán bộ, kỹ sư tăng cường cho Đoàn 559. Lực lượng này nhận nhiệm vụ khảo sát, vạch tuyến, xây dựng và cải tạo những đường mòn thô sơ thành hệ thống đường Trường Sơn cho xe cơ giới đi.

* Sau nhiều năm ấp ủ, trung tuần tháng 4/2016 vừa qua, Ban liên lạc Ban 67 được các thế hệ lãnh đạo CIENCO5 thành lập. Ông Thân Đức Nam (Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), Chủ tịch danh dự của Ban cho rằng, dù ở đâu, cương vị nào, đã là các thế hệ Ban 67– CIENCO5 luôn giữ gìn, phát huy truyền thống hào hùng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; cùng nhau góp phần phát triển ngành GTVT Việt Nam...

* Thống kê chỉ riêng 10 tháng đầu năm 1968, trên địa bàn Ban 67 hoạt động, địch đã thực hiện gần 12 nghìn trận đánh phá cầu đường, ném xuống hơn 194 nghìn quả bom các loại. Nếu tính bình quân, mỗi km đường phải gánh chịu tới 311 quả bom các loại. Mỗi cán bộ chiến sĩ Ban 67 hứng chịu tới 43 quả bom. Riêng khu vực cua chữ A phải chịu 969 lần B52 đánh phá với trên 10 nghìn tấn bom. Bình quân mỗi người chịu tới 606 quả bom, chưa kể khoảng 2 nghìn trận địch đánh phá bằng máy bay phản lực các loại.

Theo ông Thơm, trong 77 ngày đêm, gần 5 vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP bất chấp hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng đường 20 Quyết Thắng, con đường chiến lược vượt Trường Sơn từ Phong Nha qua Aki - Ta Lê - Đèo Pu La Nhích (Quảng Bình) dài 125km, trong đó có 41km xuyên qua vùng núi đá. “Việc hoàn thành xuất sắc chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” trước thời hạn theo chỉ lệnh của Quân ủy T.Ư và Bộ Tư lệnh 559 (kế hoạch là 100 ngày - PV) đã thể hiện ý chí kiên cường, thông minh, sáng tạo của tập thể TNXP trên toàn tuyến”, ông Thơm tự hào.

Ông Hồ Văn Chi (SN 1945, quê huyện Đô Lương, Nghệ An), nguyên cán bộ Ban 67, nguyên Phó Tổng giám đốc CIENCO5 cho biết, ở trọng điểm Km12 trên đường 20 Quyết Thắng, địch tập trung đánh phá, có đợt suốt mấy tháng liền với cường độ chưa từng có trong các cuộc chiến tranh. Chỉ trong 3 tháng (7 – 9/1968), địch đã thực hiện ở đây hơn 1.000 trận bắn phá với tổng số bom ném xuống khu vực này hơn 17 nghìn quả bom. Đặc biệt, khu vực cua chữ A (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) địch “đánh phá suốt ngày đêm”.

Có ngày giặc đánh liên tiếp 20 trận, huy động cả máy bay B52 rải bom, ban đêm thả pháo sáng khống chế người và xe của ta qua lại. Tổ C5, Đội TNXP 25 (tiền thân của Công ty CP Xây dựng công trình 525) lúc này được phân công phụ trách đoạn cua chữ A. Sợ C5 quá sức chịu đựng, Ban chỉ huy đội TNXP 25 quyết định thay thế C5 bằng đơn vị khác. Được tin, toàn thể cán bộ, đội viên C5 đã làm đơn tình nguyện ở lại. Có người cắn ngón tay lấy máu ký vào đơn thề “Quyết tử cho cua chữ A quyết thắng”, không một ai chịu rời vị trí. C5 lúc bấy giờ nổi lên là ngọn cờ đầu của toàn tuyến đường 20 Quyết Thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”. Sau này, toàn tổ C5 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

7

Thanh niên xung phong Ban Xây dựng 67 vận chuyển đá, kiên cố hóa mặt đường 20 Quyết Thắng - Ảnh: Tư liệu CIENCO5

Mở "đường máu"

Ông Võ Khắc Mai (80 tuổi, quê huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), nguyên Phó phòng Kỹ thuật Ban 67 kể, đầu năm 1968, đang là Đội trưởng Đội Khảo sát thiết kế Cục Công trường 2 tại Yên Bái, ông được điều động khẩn vào Ban 67. Di chuyển trên xe cùng ông Hoàng Ngọc Phiên, nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Công trình Giao thông 2, ông Mai dính ngay những trận bom oanh tạc của địch.

“Xe đi từ Hà Nội vào đến cầu Cấm (Nghệ An) thì bị địch phá nát đường. Cả đoàn quyết định vòng lên phía Tây Nghệ An tìm đường vào Quảng Bình. Ngày đó, khoảng 17h, xe chạy trên con đường đất bị hai máy bay địch phát hiện. Chúng ném bốn quả bom chặn đầu phía trước, bốn quả chặn phía sau, cô lập đoàn xe. Mọi người chạy nhanh xuống ruộng bậc thang cạnh đó nấp, liền bị địch dội bốn quả bom ngay lùm cây”, ông Mai nhớ lại và kể, khi lổm ngổm trèo lên đường, ông mới phát hiện đồng hồ đeo tay của mình đã văng mất từ lúc nào. Một chiếc xe trong đoàn xe bị phá hủy, nhiều người bị thương. Cả đoàn nén đau vượt lên phía trước.

8
Chiếc radio - quà của Bác Hồ gửi cán bộ chiến sĩ Ban Xây dựng 67 năm 1967 - Ảnh: Tư liệu CIENCO5

Năm 1972, giữa khói lửa chiến tranh, 7 chiến sĩ TNXP giỏi nhất trên đường 20 Quyết Thắng được lệnh rút về Hà Nội học bổ túc hết cấp II. 7 người này kiên quyết không về, nài nỉ ban chỉ huy được tiếp tục bám đường. Biết ý nguyện của cấp dưới, ông Dương Kim Thành, nguyên Thường vụ Đảng ủy Ban 67 phải thuyết phục “về học cũng chính là mở đường, truyền ý chí cho thế hệ học sinh miền Nam tại Hà Nội”. Lúc này, 7 đồng chí mới ngậm ngùi đồng ý, nhưng xin đêm đó được cùng toàn đội ra Đường 15 (đường Trường Sơn Đông) thăm lại từng trọng điểm bị bắn phá ác liệt.

Ông Nguyễn Văn Châu (SN 1941), nguyên Trưởng ban Kiểm soát CIENCO5, giọng trầm buồn, đầy ám ảnh giây phút phải tự tay đào đất chôn 12 đồng đội. Năm 1968, một đoàn vận tải đi qua đường 15 trong đêm bất ngờ rơi vào trận địa bom tọa độ của địch. Một tổ TNXP 12 người được lệnh tìm đường cho đoàn xe tránh trận địa. Trong đêm tối không ánh đèn, các TNXP nghĩ ra cách đốt nhiều cây đuốc, rồi cầm trên tay chạy về hướng ngược lại để thu hút máy bay. Đến khi đoàn xe thoát được, ra hiệu cho các TNXP tắt đuốc, liên tiếp nhiều quả bom oanh tạc, 12 chiến sĩ bỏ mạng. “Đến sáng hôm sau trở lại trận địa, chúng tôi chia nhau nhặt xác các bạn rồi tập trung đào hố chôn cất. Cả đoàn quyết định ngồi lại bên phần mộ đến chiều tối”, ông Châu nghẹn ngào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.