Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá

Thương mại điện tử, chuyển đổi số quốc gia và xu hướng của nền kinh tế số mang đến cho doanh nghiệp vận tải cơ hội bứt phá. Công nghệ số hình thành những mô hình kinh doanh linh hoạt, mang lại hiệu quả trong quản trị nhân sự, tài chính.

Quả ngọt đầu mùa

Hơn 15 năm phát triển trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đến nay, mọi hoạt động quản lý phương tiện, tài xế, khách hàng, tài chính… của Công ty TNHH X.E Việt Nam đã trở nên dễ dàng nhờ ứng dụng chuyển đổi số.

Nếu như trước đây, khách hàng phải đến tận văn phòng hoặc gọi số điện thoại nhà xe để đặt xe, thậm chí phải vào bến mua vé, chờ đợi đến giờ xe chạy, thì nay chỉ cần ngồi ở nhà, vào app hoặc website của hãng xe, dễ dàng có thể chọn cho mình chuyến đi, giờ đi, vị trí ghế ngồi phù hợp. Thậm chí, có thể đặt giúp người thân và thanh toán online một cách tiện lợi.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 1.

Nhân viên bộ phận an toàn giao thông của doanh nghiệp vận tải giám sát hoạt động của các phương tiện qua phần mềm quản lý vận tải.

Ông Nguyễn Trọng Khánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH X.E Việt Nam cho biết, thông qua phần mềm đặt xe và phần mềm hợp đồng, thông tin của hành khách sẽ được lưu trữ và chia sẻ nội bộ đến các bộ phận từ điều hành, nhân viên các điểm văn phòng, lễ tân đến lái xe để chủ động trong phục vụ. Khi có sự cố xảy ra cũng dễ dàng lưu trữ thông tin hành khách để tra cứu, đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhận biết khách hàng thân quen, khách hàng tiềm năng để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Đặc biệt, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe cùng với việc xây dựng bộ phận an toàn giao thông đã giúp doanh nghiệp quản lý, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của phương tiện, tài xế, khách hàng trong suốt quá trình di chuyển.

“Bộ phận an toàn giao thông của X.E Việt Nam có 21 người, chia làm 3 ca hoạt động, giám sát 24/24h các phương tiện hoạt động. Cùng với chế tài xử lý vi phạm của tài xế do công ty đề ra, đến nay, không còn tình trạng tài xế tự ý bắt khách dọc đường, chạy quá tốc độ”, ông Khánh nói.

Ứng dụng công nghệ còn giúp doanh nghiệp quản lý thời gian bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, lượng nhiên liệu tiêu thụ, định mức phụ tùng, khấu hao phương tiện, từ đó, có kế hoạch bảo dưỡng, xác định thời gian thanh lý, thay thế phương tiện một cách phù hợp.

Ngoài những phần mềm trên, ông Khánh cho biết, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều áp dụng các phần mềm khác trong quản lý và vận hành như: Phần mềm kế toán, tổng đài chăm sóc khách hàng, phần mềm hành chính nhân sự… Tuy nhiên, tùy từng quy mô, định hướng hoạt động, mỗi doanh nghiệp sẽ quyết định ứng dụng các tính năng của phần mềm đó đến đâu cho phù hợp.

Tiết kiệm nhờ làm thủ tục online

Là một trong những doanh nghiệp logistics tiên phong thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng chuyển đổi xanh trong ngành, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực vận hành của mình.

Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing của đơn vị này, thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort, lệnh giao hàng và hệ thống kho hàng điện tử cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng. Trong đó, chỉ tính riêng việc ứng dụng cảng điện tử đã cho phép khách hàng khai báo trực tuyến thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 2.

Nhân viên bộ phận an toàn giao thông Công ty TNHH X.E Việt Nam tăng cường giám sát hoạt động của các phương tiện qua phần mềm quản lý vận tải, thiết bị giám sá hành trình và camera giám sát lắp trên xe khách vận tải.

Với các tính năng như check-in online, áp dụng tại cảng Cát Lái cũng giúp giảm thời gian chờ của phương tiện trước cổng cảng, tiến đến phát triển cảng tự động. Kết quả, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.

Nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi số, Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị đang chiếm 90% thị phần sản lượng container tại khu vực TP.HCM đã tiết kiệm khoảng 30.000 - 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3.000 - 5.000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính, cắt giảm được 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.

Tân Cảng Sài Gòn hiện đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại 16 cơ sở cảng trải dài tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cùng hệ thống 7 ICD hỗ trợ kết nối. Tân Cảng - Cát Lái và Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) là một trong những cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Hiện tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14 - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.

Tuy vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất. Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 3.

Việc triển khai đổi GPLX trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia góp phần giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.

Muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc doanh nghiệp phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn khi các doanh nghiệp được thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn.

Dưới góc độ đơn vị tư vấn, ông Yoshihiro Wake, Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế Công ty Abeam Consulting cho biết, việc chuyển đổi số rất quan trọng đối với ngành logistics. Thông qua số hóa “sinh đôi” từ lượng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tích hợp và phân tích những dữ liệu trong ngành như đường vận chuyển, phương thức vận chuyển. Qua đó, có thể giám sát được các quy trình trong chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post, để có thể chuyển đổi số, bước đầu tiên là phải chuyển đổi về con người, nhân lực. Từ kinh nghiệm thực tế trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với hơn 40.000 nhân viên, ông Sơn cho biết, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi về phương thức làm việc, sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số, mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nhân lực, góp phần gia tăng lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số doanh nghiệp chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới.

Theo Bộ Công thương, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 14 - 16%, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu. Thành tựu đó có một phần quan trọng của việc thực hiện, triển khai thành công các giải pháp số hóa của ngành.

Ngành giao thông đi đầu chuyển đổi số

Giao thông là huyết mạch của một quốc gia, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân. Chính phủ đã xác định giao thông là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên phát triển chuyển đổi số. Bộ GTVT đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số với mục tiêu thay đổi căn bản phương thức quản lý, điều hành, tạo cơ hội đột phá cho ngành GTVT thời gian tới.

Bộ đã ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06 tại Bộ GTVT. Trong đó, Bộ tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn.

Giữa năm 2023, Bộ GTVT được xếp hạng là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT sẽ triển khai chuyển đổi số theo hướng số hóa từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, vận tải, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng quy mô từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2025, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của GTVT; trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm phương tiện với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã hoàn thành kết nối hơn 35 triệu giấy phép lái xe và hơn 4,6 triệu dữ liệu đăng kiểm phương tiện ô tô.

Các đơn vị như Cục Đăng kiểm VN, Cục Hàng hải VN đã thay thế toàn bộ hồ sơ giấy bằng dịch vụ trực tuyến và được pháp lý hóa bằng các thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính đăng kiểm, mang lại sự tiện lợi cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Hay trong lĩnh vực quản lý đường bộ, Cục Đường bộ VN đã xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho các xe kinh doanh vận tải bằng quy trình ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ô tô vận tải để phát hiện các vi phạm qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý vận tải và an toàn giao thông.

Hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, là một trong ba khâu đột phá chiến lược phát triển đất nước được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính phủ đã thể chế chủ trương này bằng nhiều nghị quyết và chương trình hành động.

Bộ GTVT luôn nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Một số kết quả nổi bật có thể kể đến là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe, chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong vận tải, đăng kiểm.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Vì vậy, nhận thức phải được chuyển biến trong kiến tạo thể chế phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới, xây dựng chính sách chú trọng sử dụng công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Quá trình xây dựng chính sách, quản lý nghiệp vụ, vận hành và phải được triển khai đồng bộ ở quy mô toàn xã hội, từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải - logistics và cả người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ vận tải.

Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN, những năm qua, đơn vị này đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số với việc sử dụng mô hình điện toán đám mây cho hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu lĩnh vực đường bộ.

Cục Đường bộ VN đã phát triển dữ liệu số với việc hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu quản lý phương tiện với gần 950.000 phương tiện kinh doanh vận tải và đã cấp phù hiệu, biển hiệu thuộc quyền quản lý và dữ liệu cho 88.300 đơn vị kinh doanh vận tải đã cấp giấy phép vào hệ thống.

Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030”. Đây là cơ sở để Cục Đường bộ VN ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực đường bộ.

Các hoạt động quản lý, điều hành của Cục Đường bộ VN được chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể triển khai vận hành chủ yếu trên môi trường trực tuyến; tự động hóa được các công tác liên quan đến kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp, phương tiện và người lái xe tham gia kinh doanh vận tải, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, học viên học lái xe thông qua các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

Đại diện Tập đoàn Viettel cho hay, những năm qua, doanh nghiệp này đã phát triển và khai thác hiệu quả các nền tảng công nghệ như dữ liệu lớn (Big data), internet kết nối vạn vật, thanh toán số, điện toán đám mây…

Các nền tảng này sẽ giúp ngành giao thông vận tải nhanh chóng triển khai lập các cơ sở dữ liệu quốc gia một cách thông minh, liên thông dữ liệu, phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ cũng như kết nối với Chính phủ. Ví dụ cơ sở dữ liệu người lái, phương tiện, kết nối hạ tầng và phương tiện vận tải, đồng thời, phục vụ các nhiệm vụ khác như: điều khiển giao thông, quản lý đăng kiểm, quản lý vận tải.

Theo các chuyên gia giao thông, để phục vụ người tham gia giao thông, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số mua vé tự động, thanh toán online. Cùng đó là hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Tự động nhận diện đối tượng để cảnh báo an toàn, an ninh tại các nhà ga, bến đỗ và phương tiện công cộng.

Nhận diện những thách thức

ÔNG VŨ KIÊM VĂN, PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HỘI TRUYỀN THÔNG SỐ VIỆT NAM: Cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, chuyển đổi số đang mang lại những thay đổi lớn và sâu rộng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp vận tải có thể theo dõi, quản lý và điều phối phương tiện, tài xế và hàng hóa một cách hiệu quả. Các ứng dụng và hệ thống quản lý vận tải (TMS) giúp giảm thiểu thời gian chết, điều phối tuyến đường hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí nhiên liệu và bảo trì phương tiện.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 4.

Ông Vũ Kiêm Văn.

Dữ liệu lớn thu thập từ các thiết bị kết nối internet (IoT), cảm biến và các hệ thống GPS giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi vận hành, từ đó dự báo nhu cầu, lập kế hoạch vận chuyển phù hợp và tối ưu hóa nguồn lực. Đơn cử như, ứng dụng công nghệ trong phân tích dữ liệu thời tiết và giao thông sẽ giúp doanh nghiệp xác định tuyến đường nhanh nhất hoặc an toàn nhất.

Khách hàng cũng có thể theo dõi tình trạng đơn hàng hoặc chuyến vận chuyển theo thời gian thực, nâng cao sự minh bạch và độ tin cậy. Ngoài ra, các nền tảng trực tuyến và ứng dụng còn giúp khách hàng dễ dàng đặt và quản lý dịch vụ, từ đó nâng cao mức độ hài lòng.

Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh như dịch vụ chia sẻ xe (ride-sharing) hoặc vận tải theo yêu cầu (on-demand logistics) phát triển. Xu hướng trong tương lai không xa nữa, robot và các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong kho bãi, xe tự lái trong vận chuyển đường dài, sẽ thay đổi diện mạo của ngành vận tải. Điều này giúp tiết kiệm chi phí lao động, giảm thiểu rủi ro và hạn chế sai sót trong quá trình vận hành.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn và thách thức. Nhiều doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa đủ cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết như hệ thống quản lý vận tải (TMS), thiết bị kết nối internet IoT và phần mềm theo dõi phương tiện.

Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhất là các công nghệ tiên tiến như hệ thống định vị, theo dõi GPS, hay trí tuệ nhân tạo (AI) cần đầu tư ban đầu đáng kể. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nên việc cân nhắc chi phí đầu tư là một rào cản lớn.

Đội ngũ nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và vận hành các hệ thống số hóa trong ngành vận tải còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng để thu hút hoặc đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 5.

Đường sắt triển khai bán vé tàu điện tử bằng nhiều hình thức, qua website, qua app, ví điện tử... nên khách không phải in vé, chỉ cần đưa thông tin vé được gửi về qua điện thoại là nhân viên soát vé dễ dàng.

Chuyển đổi số trong vận tải cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải, kho bãi, nhà cung cấp dịch vụ logistics và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, tính kết nối và liên thông dữ liệu trong lĩnh vực này còn yếu, gây cản trở cho việc triển khai các giải pháp công nghệ tổng thể và đồng bộ.

Các quy định về dữ liệu, bảo mật và tính pháp lý của các hoạt động chuyển đổi số trong ngành vận tải còn chưa đầy đủ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại áp dụng công nghệ mới do lo ngại rủi ro về pháp lý và bảo mật dữ liệu.

Để chuyển đổi số ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải, Chính phủ có thể đầu tư và xây dựng hạ tầng số, các nền tảng chung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải kết nối và sử dụng các dịch vụ số. Hỗ trợ các chương trình đào tạo kỹ thuật số cho doanh nghiệp và phát triển các khóa học ngắn hạn để nâng cao kỹ năng cho người lao động trong ngành.

Cùng đó, cần xây dựng các quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch liên quan đến an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin và quyền riêng tư cho các hoạt động chuyển đổi số vận tải.

Đồng thời, cần có khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như dịch vụ chia sẻ xe, vận tải theo yêu cầu và các nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến.

Chính phủ cũng nên khuyến khích hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải và các công ty công nghệ để triển khai các dự án thử nghiệm, từ đó rút ra kinh nghiệm và nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong ngành vận tải. Các dự án hợp tác công - tư có thể giúp tăng cường tính kết nối giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Mặt khác có thể thúc đẩy triển khai các mô hình thí điểm (sand-box) để kiểm tra và đánh giá các công nghệ mới trước khi áp dụng rộng rãi. Có thể cho phép một số doanh nghiệp vận tải thử nghiệm các mô hình vận tải thông minh hoặc công nghệ tự động hóa, tạo môi trường linh hoạt để họ kiểm chứng hiệu quả mà không gặp rào cản pháp lý.

Công nghệ giúp kiểm soát mọi thứ

ÔNG NGUYỄN VĂN THANH, TỔNG GIÁM ĐỐC XANH GMS: Kinh nghiệm khi kinh doanh taxi truyền thống là chúng ta thường quản lý điều hành trực tiếp từng tài xế. Nhưng để giảm chi phí, chúng ta phải đầu tư công nghệ để kiểm soát mọi thứ bằng hệ thống, dữ liệu để thích ứng nhanh. Vì vậy đầu tiên chúng tôi đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Thanh.

Hiện các đơn hàng của chúng tôi đến từ nền tảng ứng dụng lên đến hơn 70%, rất khác so với các đơn vị taxi khác. Các đối tác của tôi khi lên nền tảng XanhSM chung thì khách hàng khi đến đó sẽ có các đối tác đón. Điều này giúp bớt rất nhiều các khâu như trực tổng đài, điều hành, lưu thông tin để kiểm tra rất dễ dàng. Vì vậy, tiếp đến kinh nghiệm cần phải áp dụng công nghệ vào việc vận hành nhiều hơn.

Doanh nghiệp cần liên kết để chuyển đổi số

ÔNG NGUYỄN VĂN QUYỀN, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM: Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vận tải là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp nhờ đó cũng được nâng cao.

Ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật số mang đến sự cải tiến toàn bộ tư duy, tầm nhìn, giá trị, cách vận hành trong một doanh nghiệp vận tải. Bằng cách sử dụng các công nghệ như: AI, Big data, app điều hành vào việc thu mua, dự trữ, vận tải, phân phối, kho bãi, xử lý đơn hàng, đặt xe điều xe, thanh toán, chăm sóc khách hàng... giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Chuyển đổi số, cơ hội để vận tải bứt phá- Ảnh 7.

Ông Nguyễn Văn Quyền.

Trước kia, dịch vụ xe ôm hay taxi truyền thống là dịch vụ thống trị tại thị trường Việt Nam. Khách hàng muốn đi xe ôm phải đi bộ ra đầu ngõ, muốn sử dụng taxi phải gọi lên trung tâm tổng đài. Công việc điều hành của các đơn vị taxi được thực hiện qua bộ đàm, các thông tin được viết trên giấy.

Giờ đây, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ taxi, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng được cài đặt trên smartphone, qua các ứng dụng liên kết như: VNPay, Momo, Mobile Banking, Traveloka... Khách hàng có thể thanh toán chuyến đi qua các ví điện tử Momo, Ví Việt; thanh toán bằng thẻ ngân hàng, thẻ Visa, Mastercard… tiện lợi và dễ dàng. Tất cả đều nhờ chuyển đổi số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải cần sự đồng bộ, thống nhất, liên kết giữa các doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực, nhất là khi việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn, vào cuộc chậm.

Tuy nhiên, kể cả trường hợp các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng công nghệ thì hiệu quả có tốt hay không còn phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan và đơn vị quản lý Nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chỉ đạo cụ thể để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất.

26/12/2024, 12:23