Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn diện, bền vững là xu hướng của mọi nền kinh tế, chuyển đổi xanh là lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp vận tải trong việc giao hàng, mở rộng thị trường, nhất là khi 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do vận tải.

Vận tải tác động đến môi trường thế nào?

Ngành vận tải đang là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đặc biệt là CO2, do sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo nhiều nghiên cứu, vận tải chiếm khoảng 15-20% lượng phát thải toàn cầu. Cùng đó, các phương tiện giao thông còn gây ra ô nhiễm không khí, tiếng ồn và suy giảm chất lượng sống của con người.

Hoạt động vận tải, nhất là vận tải đường bộ, sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel, tạo ra lượng lớn khí CO2, CH2, và N2O, góp phần gia tăng hiện tượng biến đổi khí hậu và làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải- Ảnh 1.

Việc sử dụng xe điện giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu rất tốt.

Vận tải phát thải các khí độc hại như CO (carbon monoxide), NOx (oxit nitơ) và SOx (oxit lưu huỳnh), cùng với các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10) gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch ở con người, làm giảm chất lượng không khí, đặc biệt ở các khu đô thị đông đúc. Tiếng động cơ và âm thanh từ hoạt động của xe cộ, tàu hỏa, máy bay... ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, gây căng thẳng và suy giảm chất lượng sống của người dân, đặc biệt ở các khu vực đô thị.

Hóa chất từ phương tiện vận tải, đặc biệt trong quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, tai nạn tràn dầu gây hại cho hệ sinh thái thủy sinh và làm ô nhiễm nguồn nước sạch; rác thải từ phương tiện vận tải (lốp xe, dầu nhớt, linh kiện cũ) và vận chuyển hàng hóa (bao bì, nhựa) làm gia tăng ô nhiễm đất và nước nếu không được quản lý đúng cách.

Vận tải đòi hỏi lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, từ nhiên liệu hóa thạch đến vật liệu sản xuất phương tiện dẫn đến làm cạn kiệt tài nguyên không tái tạo, gây mất cân bằng sinh thái.

Ngành vận tải là một trong những lĩnh vực kinh tế thiết yếu nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, chuyển đổi xanh là xu hướng không thể tránh khỏi trong ngành vận tải nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và hướng đến phát triển bền vững thông qua việc thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid và sử dụng nhiên liệu sinh học, các loại nhiên liệu bền vững trong vận tải cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến vào tổ chức quản lý điều hành vận tải.

Đây không chỉ là một xu hướng phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt.

Nếu được cải thiện và sử dụng bền vững trong vận tải, có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa. Biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường của ngành vận tải bao gồm: Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm lượng phương tiện cá nhân; sử dụng năng lượng tái tạo (như xe điện, nhiên liệu sinh học); tăng cường áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất và vận hành phương tiện; xây dựng chính sách khuyến khích giảm khí thải và bảo vệ môi trường; quản lý rác thải và xử lý ô nhiễm đúng quy trình.

Xu hướng chuyển đổi xanh

Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải đang trở thành một trọng tâm toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, phát triển và ứng dụng phương tiện giao thông xanh như phát triển các phương tiện chạy bằng điện như ô tô, xe buýt và xe tải điện đang được phát triển mạnh mẽ. Tesla, BYD và nhiều hãng khác đang dẫn đầu trong việc sản xuất xe điện hiệu suất cao.

Bên cạnh đó là phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo như hydro, pin nhiên liệu và năng lượng mặt trời đang được nghiên cứu và ứng dụng trong vận tải. Xe đạp điện và xe tay ga điện được sử dụng như một loại hình phương tiện phổ biến tại đô thị, giảm phát thải và giảm tắc nghẽn giao thông.

Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải- Ảnh 2.

Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện.

Cùng đó, xu hướng sử dụng các công nghệ thông minh trong vận tải và tổ chức vận tải như Hệ thống giao thông thông minh (ITS) góp phần tối ưu hóa lộ trình, giảm ùn tắc và tiêu thụ nhiên liệu; sử dụng internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) trong giám sát hiệu suất phương tiện và quản lý phương tiện hiệu quả hơn; công nghệ tự lái hứa hẹn giảm tai nạn và tiêu thụ nhiên liệu qua lộ trình tối ưu.

Nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt chạy điện, xe điện trên đường ray (tram) và tàu cao tốc chạy bằng năng lượng xanh; đưa ra các chính sách hỗ trợ như giảm giá vé, tăng chất lượng dịch vụ và tạo các làn đường riêng cho xe công cộng…

Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ như dầu thực vật, chất thải nông nghiệp, giúp giảm khí thải CO2 so với nhiên liệu hóa thạch; nhiên liệu tổng hợp (e-fuels) được sản xuất từ khí CO2 và hydrogen, đang được thử nghiệm cho máy bay và tàu biển.

Thay đổi hành vi người tiêu dùng: Chia sẻ phương tiện thông qua các dịch vụ như Grab, Uber và xe đạp/xe scooter chia sẻ giúp giảm số lượng phương tiện cá nhân lưu thông; tăng cường sử dụng phương tiện phi cơ giới như đi bộ, xe đạp được khuyến khích qua quy hoạch đô thị thân thiện với người đi bộ.

Ban hành các chính sách và quy định hỗ trợ chuyển đổi xanh như:

Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn về mức phát thải hoặc các tiêu chuẩn tương tự cho phương tiện; các chính sách khuyến khích tài chính như giảm thuế, hỗ trợ mua xe xanh và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như trạm sạc xe điện; cam kết, luật hóa các cam kết và xây dựng các chiến lược phát triển quốc gia về chuyển đổi xanh, đưa ra các lộ trình và cam kết giảm phát thải trong ngành vận tải.

Phát triển dịch vụ logistics xanh thông qua sử dụng phương tiện chạy điện và tàu điện trong vận chuyển hàng hóa; tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm khoảng cách vận chuyển, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng qua công nghệ trí tuệ nhân tạo; tăng cường vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa thay cho vận tải đường bộ.

Còn nhiều thách thức

Chuyển đổi xanh là một xu hướng phát triển tất yếu trong ngành vận tải hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên phải kể đến đó là chi phí đầu tư ban đầu để mua sắm phương tiện vận tải xanh đòi hỏi chi phí sản xuất, mua sắm và bảo trì cao hơn so với các phương tiện truyền thống. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ như trạm sạc điện, hệ thống cung cấp nhiên liệu sạch, hay công nghệ quản lý thông minh cũng cần nguồn vốn lớn để xây dựng và duy trì.

Hạn chế về công nghệ cũng là cản trở không hề nhỏ. Hiệu suất của các loại năng lượng sạch, chẳng hạn như pin lithium-ion, vẫn còn hạn chế về dung lượng lưu trữ, tốc độ sạc và tuổi thọ. Các công nghệ thay thế như nhiên liệu hydro hay nhiên liệu sinh học chưa được áp dụng rộng rãi do thiếu tiêu chuẩn hóa và chi phí sản xuất cao.

Ở nhiều quốc gia, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa sẵn sàng để hỗ trợ các loại phương tiện xanh, chẳng hạn như mạng lưới trạm sạc điện không đủ phủ rộng hoặc thiếu các trạm cung cấp nhiên liệu thay thế. Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn hoặc các quốc gia đang phát triển, việc triển khai hạ tầng xanh gặp nhiều khó khăn hơn.

Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải- Ảnh 3.

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) góp phần tối ưu hóa lộ trình, giảm ùn tắc và tiêu thụ nhiên liệu.

Về chủ quan, việc thay đổi thói quen người tiêu dùng đòi hỏi mất nhiều thời gian. Người tiêu dùng thường quen thuộc và tin tưởng vào các phương tiện truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh chi phí của các phương tiện xanh cao hơn. Sự e ngại về độ tin cậy, khả năng hoạt động và chi phí vận hành dài hạn của các phương tiện mới cũng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm.

Về mặt pháp lý và chính sách, chưa có khung pháp lý hoặc chính sách cụ thể để hỗ trợ mạnh mẽ việc chuyển đổi xanh trong ngành vận tải. Các chính sách khuyến khích như trợ giá cho phương tiện xanh, ưu đãi thuế, hoặc hạn chế phương tiện gây ô nhiễm còn chưa đồng bộ.

Điều quan trọng nữa là khả năng tài chính của doanh nghiệp và quốc gia có tác động không hề nhỏ đến quá trình chuyển đổi. Các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nguồn lực hạn chế để đầu tư vào công nghệ xanh. Ở các quốc gia đang phát triển, áp lực về phát triển kinh tế ngắn hạn có thể khiến việc đầu tư vào chuyển đổi xanh chưa được ưu tiên.

Thêm nữa, áp lực từ thị trường và cạnh tranh khiến doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với áp lực từ các đối thủ chưa áp dụng chuyển đổi xanh nhưng vẫn có chi phí vận hành thấp hơn. Việc giữ giá cạnh tranh trong khi chuyển đổi sang phương thức vận tải bền vững là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các phương tiện xanh vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí cao, sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và khả năng lưu trữ năng lượng.

Việc chuyển đổi xanh cũng yêu cầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng và hệ thống logistics, gây ra những gián đoạn trong thời gian đầu. Quá trình sản xuất các phương tiện xanh đòi hỏi nguyên liệu thô đặc biệt, chẳng hạn như lithium, cobalt cho pin. Việc khai thác và cung ứng các nguyên liệu này gặp nhiều vấn đề về môi trường và xã hội.

Ngoài ra, vì vận tải thường xuyên xuyên biên giới (đặc biệt là vận tải hàng không và đường biển), cần có sự phối hợp quốc tế để đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ chế hỗ trợ, điều này hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngành vận tải sẽ phải đối mặt với những thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn trong chuyển đổi xanh. Để từng bước khắc phục và vượt qua những thách thức này, các nước cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ mới để giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và giao thông thông minh. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, tạo động lực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để chuẩn hóa và chia sẻ kinh nghiệm.

Tương lai ngành vận tải trong chuyển đổi xanh

Tương lai ngành vận tải trong bối cảnh chuyển đổi xanh sẽ gắn liền với các xu hướng công nghệ và chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.

Những thay đổi cơ bản của ngành vận tải trong chuyển đổi xanh trong tương lai đầu tiên có thể kể đến là ứng dụng năng lượng sạch. Các loại phương tiện chạy điện (EV) và sử dụng pin nhiên liệu hydro sẽ thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Giá thành giảm và công nghệ pin tiến bộ đang giúp xe điện trở nên phổ biến hơn. Nhiên liệu sinh học và e-fuel để giảm phát thải cũng sẽ là nhiên liệu phổ biến cho ngành hàng không và vận tải biển.

Xe tự lái và các hệ thống logistics tự động sẽ được sử dụng phổ biến để tối ưu hóa hiệu quả vận tải, giảm chi phí và lượng khí thải. Công nghệ blockchain và IoT (Internet of Things) sẽ được ứng dụng trong việc theo dõi và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thất thoát và tối ưu lộ trình.

Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải- Ảnh 4.

Nhiều quốc gia quy định các hãng vận chuyển bắt buộc phải thực hiện trung hòa carbonbằng việc sử dụng xe xanh.

Về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông xanh có thể thấy, các quốc gia đang đầu tư mạnh vào hạ tầng trạm sạc xe điện. Hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện, tàu điện ngầm và xe đạp chia sẻ sẽ được phát triển tối đa để giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.

Xu hướng phát triển cảng xanh ngày càng phổ biến trong ngành hàng hải và logistics, tập trung vào sử dụng dụng năng lượng mặt trời, gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác trong vận hành cảng, sử dụng thiết bị xếp dỡ và phương tiện vận chuyển trong cảng chạy bằng điện hoặc hybrid để giảm phát thải…

Về chính sách và quy định, ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham gia cam kết thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Các chính phủ sẽ đánh thuế carbon để giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ.

Nhận thức và hành vi người tiêu dùng đối với vận tải xanh sẽ có nhiều chuyển biến. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các phương tiện xanh và các dịch vụ giao thông thân thiện với môi trường. Dịch vụ giao hàng chặng cuối bằng xe đạp, robot, hoặc drone đang được thử nghiệm và áp dụng rộng rãi hơn.

Chính phủ và doanh nghiệp cùng thúc đẩy

Chuyển đổi xanh trong ngành vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong quá trình này, cả chính phủ và doanh nghiệp đều có vai trò quan trọng và bổ sung cho nhau.

Chính phủ cần chủ động xây dựng chính sách và chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh, đề ra các mục tiêu dài hạn về giảm phát thải và phát triển vận tải xanh. Qua đó, xây dựng các lộ trình cụ thể để phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, xe chạy bằng hydro, hoặc các phương tiện công cộng bền vững.

Đồng thời, cung cấp hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ vận tải xanh cũng như triển khai các chương trình trợ cấp, ưu đãi thuế cho người dân và doanh nghiệp khi mua sắm hoặc sản xuất phương tiện xanh. Ban hành các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt đối với phương tiện giao thông. Áp dụng cơ chế phạt hoặc thuế đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm cao.

Đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc điện, trạm tiếp nhiên liệu hydro và hệ thống giao thông công cộng thông minh. Xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển hỗ trợ các phương tiện ít phát thải.

Đối với doanh nghiệp, cần chủ động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo như xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu hydro, hoặc các loại nhiên liệu sinh học; cải tiến thiết kế và hiệu suất của các phương tiện để giảm tiêu thụ năng lượng. Sử dụng các phương tiện xanh trong hoạt động vận tải hàng hóa và logistics; ứng dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hành trình, giảm tiêu hao nhiên liệu.

Tham gia vào các chương trình hợp tác công - tư (PPP) để phát triển hạ tầng xanh; Thực hiện các dự án thí điểm và mô hình vận tải xanh tại địa phương. Thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua cam kết giảm phát thải trong chuỗi cung ứng; tạo niềm tin với người tiêu dùng và đối tác, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vận tải xanh với giá cả hợp lý.

Sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp sẽ tạo động lực cho phát triển thị trường xanh theo hướng: Chính phủ thiết lập khung pháp lý, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn doanh nghiệp cung cấp giải pháp thực tiễn triển khai công nghệ, dịch vụ để thực thi.

Đồng thời, thúc đẩy tuyên truyền và nâng cao nhận thức công cộng về lợi ích của vận tải xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và phương tiện không phát thải. Việc đồng hành của chính phủ và doanh nghiệp sẽ quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh trong ngành vận tải, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh và tương lai ngành vận tải- Ảnh 5.

26/12/2024, 10:40