"Ngân hàng SCB tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý"
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Tổ chức tín dụng mới.
Ông cho rằng, việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng trong thực tế, việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam còn thấp.
Về giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng, ông Lê Xuân Nghĩa nhận thấy công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập.
Dẫn chứng về trường hợp của Ngân hàng SCB, tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý. Ông Nghĩa nói rằng, nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi.
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.
Ông Nghĩa cho rằng, một số ngân hàng hiện đang vượt quá các tỷ lệ an toàn vốn quy định. Theo đó, không nên có lộ trình dài để các ngân hàng này tuân thủ, mà nên yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ ngay trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Song, ông cũng lo ngại về việc các ngân hàng có thể tìm cách trốn tránh các quy định, như việc phát hành trái phiếu trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra.
Nói về việc đảm bảo đáp ứng quy định mới về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty Luật SBLAW cho rằng, cần lưu ý việc các lãnh đạo các tập đoàn tài chính thường nhờ người thân hoặc nhân viên trong tập đoàn để đứng thay cho các chủ sở hữu ngân hàng tại công ty sân sau, để tránh quy định về vượt trần tỷ lệ sở hữu.
"Thông thường, một công ty sân sau như vậy sẽ có 2 HĐQT, trong đó lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định. Điều đó dẫn tới hệ lụy pháp lý rất lớn", ông Hà nói và kiến nghị, cần điều tra về dòng tiền của những người có số tiền lớn đầu tư vào ngân hàng, để có giải pháp minh bạch.
Rút giấy phép ngân hàng vi phạm nhiều lần
Nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhân được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
Còn Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ "đặc thù" của văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.
TS Hiếu cũng cho hay, bên Mỹ có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải "Affidavit" rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này. Đáng lo hơn nữa là còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
"Về vai trò của nhà quản lý, các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó.
Ví dụ, các cổ đông bị nghi ngờ có sự kết nối với nhau thì thường có dấu vết kết nối qua tài khoản, thể hiện trên sổ sách. Dĩ nhiên có giao dịch tiền mặt, không có dấu vết, nhưng điều này rất ít. Thường thường, các giao dịch đó có thể tìm ra dễ dàng. Nhưng quan trọng là phải làm thanh tra nghiêm túc, rõ ràng. Trường hợp vụ SCB, cán bộ phát hiện ra sai phạm nhưng nhận hối lộ và che giấu thì vô cùng nguy hiểm", ông Hiếu nói.
Ông đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt, ở nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần, thì phải rút giấy phép. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận