Xã hội

Chuyên gia đầu tiên về TP.HCM làm việc: "Về nước không vì lương 100 triệu"

24/04/2023, 15:28

TS. Hoàng Thế Bân, người đầu tiên về TP.HCM làm việc theo chương trình thu hút chuyên gia chia sẻ, tiền không phải là vấn đề quyết định.

Trong giai đoạn 2018 - 2022 TP.HCM mời được 5 chuyên gia, thực tế chỉ có 2 người đang làm việc tại Khu Công nghệ cao, còn 3 người vẫn đang chờ thủ tục giấy tờ.

Trong đó, TS. Hoàng Thế Bân là người đầu tiên về TP.HCM làm việc theo chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố.

TS. Hoàng Thế Bân đã có những chia sẻ với Báo Giao thông về quá trình hơn 7 năm làm việc tại Khu công nghệ cao, cũng như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

img

TS. Hoàng Thế Bân, chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực ở Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức

Trả lương cao chưa chắc đã hấp dẫn chuyên gia

Được biết, ông đã từng làm việc tại Nhật Bản một thời gian dài, lý do nào khiến ông trở về làm việc tại TP.HCM?

Từ năm 2012, khi tôi đang làm việc ở Nhật Bản thì đã nghe thông tin TP.HCM có chương trình thí điểm thu hút chuyên gia, nhà khoa học về làm việc, tôi có tìm hiểu. Nhưng đến năm 2016, tôi mới về Việt Nam và bắt đầu ký hợp đồng với thành phố. Đến thời điểm này, tôi đã làm việc được 7 năm.

Trước khi về, tôi đã tìm hiểu rất kỹ Khu Công nghệ cao TP.HCM (Saigon Hi-Tech Park Training Center), môi trường này rất phù hợp với tôi. Môi trường làm việc phong phú, đa dạng, bao gồm trung tâm nghiên cứu phát triển khu công nghiệp, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp… với nhiều chuyên môn, đặc thù khác nhau.

Đất nước ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn, cần nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Trong khi ở nhiều trường tại Việt Nam, việc đào tào không ăn khớp với những gì doanh nghiệp cần. Vì vậy, những trung tâm đào tạo như ở Khu công nghệ cao là rất cần thiết.

Mô hình đào tạo này không có gì mới ở các nước, nhưng Việt Nam khá mới mẻ. Đào tạo thích nghi nhưng phải theo chuẩn mực quốc tế. Ở đây chúng tôi không đào tạo chung chung mà theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Các em khi ra trường làm việc không bị bỡ ngỡ.

Vào năm 2016, một dự án của Nhật Bản đã giúp Khu công nghệ cao đào tạo về tự động hóa và rô-bốt. Mô hình đào tạo mới này tập trung vào kỹ năng, ưu tiên phục vụ lại cho các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao. Kết quả chúng tôi đã rất thành công, doanh nghiệp rất hài lòng.

Thời điểm ông về làm việc, chính sách đãi ngộ với các chuyên gia, nhà khoa học được cho là rất tốt, chẳng hạn trả lương tháng hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ nơi ở, xe đi lại... Phải chăng quyết định về nước làm việc của ông là vì những chính sách đãi ngộ này?

Không. Chính sách đãi ngộ chỉ là một phần, không phải là quyết định. Đặc thù lao động chuyên gia không giống lao động khác.

Bản thân người trong cuộc không chú trọng nhiều đến chính sách đãi ngộ, lương bổng cao hay thấp. Tất nhiên, cũng có những chuyên gia cân nhắc vấn đề này, còn tôi chú trọng vào môi trường làm việc.

Môi trường làm việc rất quan trọng, bởi nó đóng góp rất nhiều cho sự thành công của chuyên gia. Ở đây tôi muốn nói không phải môi trường vật lý, mà môi trường về con người.

Người lãnh đạo phải là người hiểu được hoạt động của chuyên gia. Cùng với đó, người hỗ trợ, trợ lý của chuyên gia cũng rất quan trọng, để cùng phối hợp làm việc.

Nói cách khác, yếu tố con người rất quan trọng, nó tác động đến thành công, hiệu quả làm việc của chuyên gia.

Cơ sở vật chất tại Khu công nghệ cao lúc đầu chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Tôi tìm giải pháp bằng cách thông qua đào tạo quốc tế. Cụ thể liên kết với Nhật Bản, thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Nhật.

Khi thuyết phục doanh nghiệp Nhật Bản nhận nguồn nhân lực chất lượng cao thì đổi lại, họ hỗ trợ mình các thiết bị máy móc, chuyển giao công nghệ, dạy kiến thức mới. Chúng tôi lại dùng kiến thức đó để dạy lại cho các em vừa mới ra trường.

Sau khi liên kết đào tạo nhân lực thành công với Nhật Bản, Trung tâm tiếp tục mở thêm chương trình đào tạo nhân lực Việt - Hàn. Hàn Quốc sẽ cung cấp cơ sở vật chất để Việt Nam đào tạo nhân lực cung cấp cho doanh nghiệp của họ. Họ đánh giá cao về nguồn nhân lực đào tạo của Trung tâm.

Tuyển chuyên gia không thể làm như tuyển lao động thường

Theo ông, vì sao thời gian qua dù có những chính sách rất tốt nhưng chưa thu hút được nhiều chuyên gia về làm việc?

Chương trình thu hút chuyên gia không mới, nhiều nước đã làm thành công rồi. Cụ thể là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… họ đã làm nhiều năm nay và lộ trình thành công của họ cần thời gian 20 - 30 năm chứ không phải một vài năm.

TP.HCM đi đầu trong việc thu hút các chuyên gia, tuy nhiên không đạt như kỳ vọng. Có nhiều lý do, nhưng việc tìm chuyên gia phải kiên trì đồng thời phải uyển chuyển, không nên đóng khung vào quy định của Nhà nước.

Bởi lao động các chuyên gia rất đặc biệt, đa số họ hầu hết đã lớn tuổi, trải qua thời gian làm việc lâu ở nước ngoài nên về giấy tờ thủ tục càng đơn giản càng tốt. Quy trình tuyển dụng của thành phố hiện rất nhiều thủ tục, giấy tờ, qua nhiều bước phức tạp.

Vậy, thành phố cần thay đổi chính sách thế nào để phù hợp với thực tế, thưa ông?

Cần thay đổi tư duy về tuyển dụng, mở rộng chương trình đến nhiều đối tượng. Những đơn vị có nhu cầu là các doanh nghiệp, trường học và nên giao quyền tự chủ để họ tìm kiếm chuyên gia cho chính họ.

Thành phố không nên can thiệp sâu vào quy trình tuyển dụng, để doanh nghiệp họ tự quyết và tự chịu trách nhiệm, thành phố chỉ nắm chủ trương chính sách. Cách làm đó mới đúng chuẩn mực quốc tế.

Lâu nay việc tìm chuyên gia vẫn như tuyển dụng các loại hình lao động khác. Thành phố thông báo xong rồi ngồi chờ. Chờ chuyên gia nộp đơn rồi xét, phỏng vấn... Do đó, cách làm này không hiệu quả.

Các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc họ chủ động tìm chuyên gia ở các tổ chức thông qua các hiệp hội, tìm khắp thế giới, biết những chuyên gia nào giỏi ở lĩnh vực gì và có thông tin về những chuyên gia đó là họ chủ động tiếp cận và thuyết phục, mời gọi. Vì không đơn giản để mời những người chuyên gia mình cần.

Theo kinh nghiệm các nước đi trước, trước khi thu hút chuyên gia cần có nơi hội tụ các chuyên gia. Tập trung chuyên gia Việt kiều, những người có nhu cầu để gặp gỡ với các chuyên gia trong nước, tăng giao lưu, trao đổi chuyên môn giữa chuyên gia trong nước và ngoài nước...

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, thời gian qua chuyên gia ở Khu Công nghệ cao đã có những đóng góp nổi bật khi triển khai, áp dụng nhiều đề tài nghiên cứu vào thực tiễn.

Cụ thể, gồm các hoạt động như tư vấn xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm hợp tác đào tạo Việt - Hàn (khánh thành 30/11/2021); tư vấn xây dựng và phát triển các mô hình đào tạo cung ứng nhân lực kỹ thuật chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (tập trung vào các lĩnh vực công nghệ số hóa – chuyển đổi số, dữ liệu lớn – trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh – tự động hóa).

Bên cạnh đó, còn là việc thiết kế, chế tạo lắp thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng của TP.HCM; chế tạo cảm biến đo độ biến dạng bằng công nghệ vi cơ điện tử MEMS ứng dụng trong đo cầu đường...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.