Kỹ thuật khó được thực hiện ở tuyến dưới
Mới đây, BVĐK tỉnh Cao Bằng nhận chuyển giao kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống từ BV Hữu Nghị Việt Đức.
Đây là dịch vụ kỹ thuật mới được thực hiện theo đề án 1816 tại bệnh viện gồm: Phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống; phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng nằm trong kế hoạch đào tạo chuyển giao kỹ thuật giữa BV Hữu nghị Việt Đức và BVĐK tỉnh Cao Bằng trong năm 2023.
Ông L.T.M.H (77 tuổi, ở TP Cao Bằng) bị chấn thương cột sống xẹp T10 do tai nạn sinh hoạt là bệnh nhân đầu tiên thụ hưởng kỹ thuật mới này trong điều trị. Việc tạo hình thân đốt sống sẽ góp phần làm giảm các cơn đau lưng, giúp phục hồi cơ địa tự nhiên của cột sống và ngăn cột sống bị lệch cho người bệnh.
Bơm cement được coi là kỹ thuật ít xâm lấn, tiến hành thông qua vết mổ nhỏ, vì vậy cần độ chính xác rất cao. So với các phương pháp trước đây, kỹ thuật này thích hợp cho cả những người bị xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương một cách ổn định và ít gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Thời gian qua, BVĐK tỉnh Cao Bằng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của bệnh viện tuyến trung ương như BV Việt Đức, BV E, BV Bạch Mai… trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến nhằm triển khai một số kỹ thuật và đề án 1816, đề án Khám chữa bệnh từ xa qua đó các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có cơ hội nâng cao tay nghề, chuyên môn.
Điều đáng nói, sau khi làm chủ về chuyên môn kỹ thuật tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh lại tiếp nối vai trò là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của tỉnh, tham gia đào tạo và chỉ đạo tuyến đối với y tế huyện, các trung tâm y tế tuyến dưới…
Còn chị L.Q.T (ở Thanh Hóa bị u xơ tuyến vú bên phải) thay vì lo lắng khăn gói đi lên bệnh viện tuyến trung ương, chị quyết định ở lại BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa để điều trị. "Sau khi được tư vấn các ưu điểm của kỹ thuật mới tại bệnh viện từ các bác sĩ, tôi yên tâm khi quyết định ở lại đây điều trị", cchị T chia sẻ.
Tại đây, chị được các bác sĩ điều trị u xơ tuyến vú bằng sinh thiết có hỗ trợ chân không dưới siêu âm VABB cắt bỏ hoàn toàn các khối u, không để lại sẹo, không đau, nhanh ổn định và trở lại sinh hoạt bình thường.
Theo BSCK II Trần Văn Thiết, Giám đốc BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa, ung thư vú là một loại bệnh lý thường gặp nhất ở phụ nữ, nếu được chẩn đoán sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao. Để sinh thiết vú, trước đây bệnh viện thường áp dụng phương pháp sinh thiết mở hay sinh thiết lõi kim (CNB). Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều có những hạn chế như để lại sẹo, gây tổn thương nhiều (gây đau), tăng nguy cơ gây tổn thương đến núm vú, thành ngực hoặc mảnh mô sinh thiết nhỏ không đại diện hết tổn thương nên dễ bỏ sót bệnh. Do đó, có không ít phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ đang lo lắng về việc đảm bảo thẩm mỹ.
Kỹ thuật mới sẽ cung cấp thêm một lựa chọn cho chị em, đặc biệt là phụ nữ trẻ mắc ung thư vú. Với hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trung ương, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, giúp giảm đáng kể tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương.
Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân
Chia sẻ về công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ y tế tuyến trên cho tuyến dưới, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: Sau dịch Covid-19, như chúng ta đều biết hệ thống bệnh viện từ trung ương đến cơ sở đều gặp vô vàn khó khăn. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau 3 năm dịch Covid-19 tăng cao, hệ thống y tế đối mặt với những khó khăn như cung ứng thuốc, vật tư y tế bị gián đoạn… tuy nhiên hệ thống khám chữa bệnh đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Các bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục bền bỉ thực hiện tổ chức các chuyến đi khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới như BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế... đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh…
Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị ở bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật đã thực sự đúng nhu cầu, mô hình bệnh tật ở địa phương.
"Trong dịch Covid-19, đề án khám, chữa bệnh từ xa như một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch bùng phát. Có thể nói rằng công tác chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế.
Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân; đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; đồng thời, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương", ông Khuê cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận