Giới hạn tốc độ không quá 30km/h đối với khu vực dễ bị tổn thương như trước trường học, bệnh viện, chợ... và không vượt 50km/h đối với khu vực nội thị là đề xuất vừa được Ban An toàn giao thông trình UBND TP.HCM.
Kiến nghị này được đưa ra dựa trên khảo sát từ kinh nghiệm quốc tế. Các phân tích chỉ ra nếu va chạm ô tô ở tốc độ 50km/h, tỷ lệ tử vong lên đến 80%; trong khi va quẹt khi tốc độ dưới 30km/h, tỷ lệ sống sót tới 90%.
Song, một số chuyên gia giao thông cho rằng căn cứ này vẫn chưa sát với thực tế một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Việc giới hạn tốc độ cần được tính toán kỹ hơn.
Giảm tốc độ, chưa chắc giảm tai nạn
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng TP.HCM là đô thị đặc biệt, mật độ giao thông dày đặc và thường xuyên ùn tắc.
PGS Phạm Xuân Mai nhìn nhận việc căn cứ vào số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn để khống chế tốc độ phương tiện là chưa phù hợp.
"Những khu vực trước chợ, trường học thông thường muốn chạy nhanh cũng không được. Mặt khác, các vị trí này cũng có biển báo nhắc nhở, không cần quy định người dân cũng chấp hành. Nếu ra thêm quy định chỉ là thừa, không cần thiết", PGS.TS Phạm Xuân Mai phân tích.
Chuyên gia cho rằng TP cần nghiên cứu, căn cứ theo số liệu thực tế để quy định giới hạn tốc độ. Cụ thể như tính toán khu vực tai nạn giao thông xảy ra là bao nhiêu phần trăm, do tốc độ xe lưu thông hay do nguyên nhân khác.
"Các vụ tai nạn ở TP.HCM có nhiều nguyên nhân, chiếm phần lớn do chạy ẩu, lạng lách không đúng làn đường, chứ không phải do chạy nhanh. Trong khi một số trường hợp chạy xe phân khối lớn trong nội đô, tốc độ hơn 60-80km/h, phóng nhanh gây tai nạn, tôi cho rằng đối tượng này mới nên cấm", PGS Phạm Xuân Mai góp ý.
Mặt khác, ông Mai cho rằng với lượng phương tiện lớn, TP.HCM đang đối mặt nhiều vấn đề kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
"Việc khống chế tốc độ càng chậm chưa chắc giảm tai nạn. Ngược lại sẽ càng gây ách tắc, ô nhiễm hơn", chuyên gia Phạm Xuân Mai lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cũng cho rằng khuyến nghị giới hạn tốc độ đối với các khu vực dễ tổn thương như trường học, bệnh viện, chợ... là cần thiết. Tuy nhiên, ông Tính cho rằng cơ quan quản lý cần phân tích kỹ việc khống chế tốc độ di chuyển của xe trong nội đô xuống 50km/h.
Theo ông Tính, trên thực tế, khu vực nội đô rất ít trường hợp tai nạn do xe chạy quá tốc độ. Lý do là mật độ giao thông lớn, quy định cho phép xe chạy 50-60km/h nhưng người dân chỉ chạy được với tốc độ trung bình 30-35km/h.
Hiện, hạ tầng đường sá được nâng cấp rộng, đẹp, thông thoáng, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng dần được nâng cao.
"Theo đúng nguyên tắc, người dân phải được đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Không thể lấy tốc độ trung bình tăng để khẳng định nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Ý thức của người tham gia giao thông mới tác động trực tiếp tới việc tăng hoặc giảm số vụ tai nạn", ông Lê Trung Tính nói.
Chỉ nên giới hạn một số vị trí
Có quan điểm khác, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng đề xuất giới hạn tốc độ tại một số vị trí ở TP.HCM là hoàn toàn phù hợp.
Theo TS Khương Kim Tạo, hiện hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định giới hạn tốc độ cho phép trong thành phố không vượt quá 50km/h. Một số tuyến đường có điều kiện thông thoáng, dải phân cách được giới hạn tốc độ không quá 60km/h. Tuy nhiên, phần lớn là giới hạn tốc độ không quá 50km/h.
"50km/h là tốc độ thông hành tối ưu của xe, có thể giải quyết các vấn đề về an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tốt nhất", ông Tạo nói.
Phân tích thêm, TS Tạo cho hay trong từng điều kiện và tình thế giao thông cụ thể, cơ quan quản lý có thể đưa ra quy định về tốc độ phù hợp. Điển hình như trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, khu vực có mật độ giao thông cao, nguy hiểm… tốc độ có thể được khống chế ở 40-30-20km/h thậm chí có thể dưới 10km/h.
"Song, không có nghĩa là khu vực nào cũng quy định giới hạn tốc độ không quá 30-50km/h. Phải tùy theo địa hình cụ thể để đưa ra giá trị tốc độ an toàn. Vì thậm chí cũng có những khu vực có gắn biển báo dừng xe để quan sát trước khi đi tiếp", TS Khương Kim Tạo nêu quan điểm và cho rằng nếu ban hành quy định dưới tốc độ 50km/h trên toàn thành phố là không hợp lý.
Theo TS Khương Kim Tạo, giới hạn tốc độ chỉ là hướng dẫn về mặt luật pháp, song sẽ là cơ sở tạo điều kiện cho người lái xe làm chủ tốc độ tốt hơn. Chúng ta không căn cứ vào việc tốc độ trung bình của TP.HCM hiện là 33 hay 40km/h để ban hành quy định giới hạn tốc độ 30-50km/h. Như vậy là không đúng - TS Tạo nói thêm.
Đại diện Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cũng cho biết Liên hợp quốc kêu gọi hạn chế tốc độ trong nội đô dưới 50km/h và 30km/h tại khu dân cư đông để nâng cao an toàn giao thông. Một số quốc gia cũng ban hành quy định quản lý tốc độ được kể đến như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Canada, Mỹ...
Theo viện này, việc giảm tốc độ không gây ùn tắc giao thông, mà nâng cao an toàn, giảm nguy cơ tai nạn, thương tích nếu xảy ra va chạm. Dẫn chứng cho thấy, con người mất từ 0,7-2 giây để phản ứng khi xảy ra sự cố, tốc độ di chuyển phù hợp thì người đi bộ, xe máy kịp thời phản ứng.
Hôm 28/11, Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức hội thảo Quản lý tốc độ giao thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP.HCM. Tại đây, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, ban đã trình UBND TP.HCM xin chủ trương thực hiện kiểm soát tốc độ ở một số khu vực dễ gây tổn thương. Sau khi được chấp thuận, Ban sẽ thực hiện thí điểm một số trường học để tổ chức khuyến cáo người dân giới hạn tốc độ khi đi qua khu vực này.
Ông Lợi dự kiến, đề xuất này có thể gây phản ứng. Tuy nhiên, việc áp dụng giới hạn tốc độ đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới như: Singapore, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản.
Theo đề xuất, tốc độ bị giới hạn không quá 50km/h đối với các đường nội đô, trừ một vài tuyến 4 làn xe trở lên như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... Đồng thời, chính quyền thực hiện các giải pháp, hình thức cảnh báo, không quá 30km/h ở các khung giờ nhất định tại nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, chợ...
Hiện, tốc độ tối đa đối với ôtô, xe máy khi đi trong khu vực đông dân cư là 60km/h khi chạy trên đường đôi, đường một chiều hai làn xe trở lên; tối đa 50km/h với đường hai chiều, đường một chiều một làn xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận