LTS: Dưới bàn chân ta là những con đường, ngày ngày ta đi đó nhưng ít người biết con đường đang thổn thức. Để đánh thức, làm sống dậy những con đường, từ tháng 1/2022, Báo Giao thông phát động Cuộc thi viết “Ký ức về những con đường”.
Đây là dịp để những người trong cuộc khắc họa lại chuyện hậu trường từ khi hình thành dự án, giai đoạn thi công - xây dựng, cho đến lúc hoàn thành đưa các tuyến đường vào khai thác, sử dụng; cùng đó, khắc họa chân dung đội ngũ những người làm đường cần mẫn, dũng cảm, tài hoa...
Sau khi kết thúc cuộc thi viết năm 2022, Báo Giao thông sẽ tập hợp và in thành cuốn sách: “Ký ức về những con đường” để lưu giữ lại như một món quà nhỏ để tôn vinh và tri ân những người làm nên những con đường trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Kỳ I: Cơm muối, mắm tôm làm đường huyền thoại
Để thi công những con đường huyền thoại nơi nước bạn Lào, hàng nghìn chàng trai, cô gái của Ban 64 phải ăn cơm muối, mắm tôm, thậm chí bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc…
Tuyến đường 7 Bắc Lào (Xiêng Khoảng đi Nậm Cắn) ngày nay, nơi ghi dấu những hy sinh thầm lặng của những người thợ cầu đường Việt Nam khi xưa
Hằn đọng trên mặt giấy nứa Việt Trì
Trong tầm mắt và tầm tay chỗ bàn làm việc của tôi, có một vật bọc trong tấm nilon mỏng trong suốt. Như một thứ vô thức, tôi để nó phát lộ và hiện diện rất nhiều năm của cuộc đời làm báo.
Cũng không hiểu sao mình lại để thế? Có lẽ cái vật ấy như một chỉ dấu gợi bao kỷ niệm? Và như cả một thông điệp của sự nhắc nhở? Vật ấy là bản báo cáo in roneo.
Bây giờ thì vô số các loại giấy ngoại, nội trắng nõn hoặc bản mềm điện tử dành cho các bản báo cáo, nhưng hồi đó, sang nhất chỉ có loại giấy nứa Việt Trì dùng để in roneo. Vậy nên, đến giờ nó ngả màu rất chóng, đã vàng xuộm, căng hết nhỡn lực mới đọc được...
Bản báo cáo ấy hiện có tại bộ phận lưu trữ của Trung ương Đoàn. Không có số. Góc trái đóng dấu “Mật’’ ghi ngày 9/6/1983 mang tiêu đề: “Báo cáo kết quả khảo sát nghiên cứu tình hình ở một số đơn vị thuộc Liên hiệp Xí nghiệp giao thông số 8 đang giúp Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào xây dựng cầu đường tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng của đoàn công tác Trung ương Đoàn”.
Người cán bộ phụ trách bộ phận lưu trữ ấy về hưu từ lâu. Anh cán bộ mới làm công việc này đang sắp ra từng thứ, từng khoản... Cái thì sang vào đĩa CD, vào ổ cứng máy tính, thứ thì đem huỷ... Cái cười của anh cán bộ được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ đến là tươi khi vỗ vỗ vào bản báo cáo vàng xuộm ấy: “À, những thứ này giải mật từ lâu...’’.
Giải mật! Cụm từ ấy là để chỉ một tình thế, một cục diện, một vấn đề nay đã khác trước, đã đổi thay!
Nhưng khi ấy, để có được bản báo cáo 30 trang vàng xuộm này, nhóm công tác chúng tôi phải mất 42 ngày đêm len lỏi, gập gềnh qua những cánh rừng Lào rậm rịt những muỗi và vắt để tới được các đơn vị của Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8, những Đội cầu 75 , 572 rồi 574, 575...
Các thành viên khác của đoàn công tác, họ từng người có việc của họ nhưng làm cái thân anh nhà báo đi theo chẳng thể dừng ở việc tham góp xây dựng bản báo cáo ấy coi như là xong việc được mà phải viết! Nhưng viết gì?
Mà thuở ấy, tôi đương hăng. Ấn tượng của cả chuyến đi dằng dặc rừng rú đang còn hôi hổi...
Vậy là chuyến bươn rừng trên đất bạn Lào ngần ấy ngày đêm rốt cục chỉ “khuôn’’ lại vỏn vẹn có... một trang báo với cái “tít’’ vừa củ mỉ cù mì vừa kêu choang choang: “Lớn lên từ những con đường”.
Đến muối cũng không có mà ăn…
Đoàn công tác của chúng tôi tới các đơn vị Cầu 75, 572, 675, 674 thuộc Liên hiệp Xí nghiệp xây dựng giao thông số 8. Lực lượng lao động gồm 3.091 người có 632 nữ. Đông nhất là đơn vị 572: 1.150 người, có 257 là nữ.
Xuân Ba
Hầu hết các xí nghiệp cán bộ công nhân không yên tâm công tác, lo lắng nhiều tới tương lai và cuộc sống. Thời gian công tác là không có thời hạn. Muốn chuyển công tác về nước thì không có cơ quan nào nhận.
Đã có hàng trăm đơn xin chuyển công tác của cán bộ và hàng ngàn đơn xin thôi việc của công nhân mà Liên hiệp Xí nghiệp giao thông 8 không thể giải quyết được. Bởi giải quyết sẽ không còn lực lượng sản xuất nữa...
Dù các đơn vị coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tìm mọi biện pháp để hạn chế, song kết quả không thực hiện được vì đời sống và chế độ không đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Nếu tốc độ cứ giảm 10% như thế thì tính đến năm 1983 sẽ mất khoảng trên 1.000 lao động.
Một số bữa ăn của anh chị em: Quý I/1981 có tới 80% bữa ăn bằng muối tức là 19.200/24.000 bữa. Tuy nhiên, đến quý II/1981, còn chẳng có muối mà ăn, do mưa xe không vận chuyển vào được. Sang Quý III/1981, lại có 20.000 bữa ăn toàn mắm tôm.
100% cán bộ công nhân có ký sinh trùng sốt rét, một số người chết do sốt rét ác tính. Đặc biệt nữ công nhân do khí hậu khắc nghiệt và điều kiện làm việc vất vả, dụng cụ và trang bị vệ sinh thiếu hoặc không có nên 100% chị em đều mắc bệnh phụ khoa.
Hơn 200 chàng trai, cô gái vĩnh viễn nằm lại những con đường
Tổ công tác của chúng tôi, 6 người lèn trên một chiếc U oát, khi đó đã là sang! Anh Nguyễn Văn Hồ, khi đó là Uỷ viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn phụ trách.
Từ cửa khẩu Na Mèo, chúng tôi bỏ lại con đường 217 lổn nhổn đá đầu sư cắt chéo qua miền Tây Thanh Hoá. Xe bắt đầu đổ dốc rồi lại cheo leo ngoằn ngoèo trên những con dốc mà độ cao “cho phép’’ ù cả tai của con đường 6 Bắc Lào.
Nhiều năm trước, nơi đây chỉ là con đường mòn cắt chéo vùng rừng hiểm trở phía Bắc dẫn tới khu căn cứ địa Cách mạng Lào Khang Khay Viêng Xay thuộc tỉnh Hủa Phăn.
Ban 64 của Chính phủ được thành lập tiền thân của Tổng công ty Xây dựng giao thông 8 bây giờ, bắt đầu thời điểm làm đường gian nan giúp cách mạng Lào của lực lượng Thanh niên xung phong - những người thợ tình nguyện Việt Nam.
Phía cực Bắc, B142, một bộ phận của Ban 64 mở con đường gần như mới tinh từ Tây Trang đi Mường Khoa dài 75km. Từ Na Mèo, những chàng trai cô gái của 572, 674, rồi 675...
Năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác. Ròng rã như vậy từ năm 1965, bắt đầu kiến tạo con đường số 6 huyền thoại của Bắc Lào xuyên qua căn cứ địa Viêng Xay, băng qua Sầm Nưa, xuyên xuống Phu Lau Mường Hiềm, vượt qua Nậm Nơn thẳng tới Bản Ban của Phum Xa Vẳn của Xiêng Khoảng để nối với đường 7 của vùng Trung và Nam Lào.
Mới chỉ kể một hơi một mạch những địa danh trên cũng đã trúc trắc, nói chi ngần ấy năm con đường 3,5m, đoạn rải đá đoạn trải nhựa dài non 300km cứ thế mà âm thầm bền bỉ xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, rồi những đèo dốc trùng điệp nước Lào.
Chỉ có choòng, cuốc, xẻng, búa tạ quai đá và thuốc nổ và bàn tay con gái vùng chiêm, vùng bãi xứ Thanh, Nam Hà, Nghệ An, Nam Định... tới thời điểm bọn tôi sang mới có mấy cái máy gạt và đoạn từ Nậm Nơn đi Mường Hiềm đang vào giai đoạn thi công quyết liệt.
Tính tới thời điểm đó, hơn 200 chàng trai cô gái của Ban 64 của Liên hiêp Xí nghiệp giao thông 8 vĩnh viễn nằm lại dọc những con đường huyền thoại của tình hữu nghị Việt Lào!
Trên đây, tôi vừa nhắc đến cái gì nhỉ? A, cái máy gạt... Cái buổi trưa mùa mưa rừng Lào ở quãng Mậm Nơn Mường Hiềm mà tự dưng có nắng sáng bừng lên ấy tới đoạn đang làm dở của Xí nghiệp 572, đường rất khó đi, một bên là vực “taluy’’ âm hun hút thăm thẳm... Một bên là “taluy’’dương cao ngất sừng sững.
Một chiếc máy gạt cổ lỗ loại ĐT-75 đang tằng tằng đưa đất mà thuốc nổ vừa hất ra từ “taluy’’ dương sang bên mép vực. Một “ca” thi công mà người ngoài ngó thoạt có vẻ hơi mạo hiểm nhưng là thường đối với dân chuyên làm đường.
Lúc ấy, đường cũng khó đi. 6 người chúng tôi rời chiếc U oát lèn chặt những người xuống một tí cho thoáng.
Dằng dặc cả ngày đường chỉ thấy cây rừng với màu xanh lẹt trùng điệp gần xa. Ngó chiếc máy gạt màu lửa này đâm thấy đỡ tẻ vì nó gợi cái không khí văn minh và tiếng động cơ phố phường... Anh chàng lái cái máy gạt trẻ măng còn một thoáng giơ tay vẫy chúng tôi.
Chưa hút tàn nửa điếu thuốc, bây giờ kể lại vẫn mồn một trước mắt tôi vậy, chiếc DT-75 chỉ khẽ nhao đi một tẹo rồi chả nghe tiếng vèo hoặc tiếng ầm nào cả. Nhoáng cái, chiếc máy lẫn người lái bay vèo vào khoảng không của cái vực thăm thẳm…
Cả bọn chúng tôi tất cả đều sững sờ chết lặng. Không ai kịp thốt được một tiếng nào!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận