Một người ủng hộ giơ cao cờ Syria có mang hình Tổng thống Assad |
Hôm nay (14/3), Hòa đàm Syria sẽ được nối lại giữa các bên tại Geneva (Thụy Sĩ), bước tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhưng triển vọng hòa đàm này có vẻ… không khả quan.
Chính phủ và phe đối lập như… “mặt trăng - mặt trời”
Syria trước thềm hòa đàm chẳng khác nào một “chảo lửa” - bất chấp những nỗ lực của các nhà ngoại giao nhằm đem lại một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông này. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem xác nhận sự tham gia của Chính phủ tại cuộc bàn thảo nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria. Tuy nhiên, ông này cho rằng, cuộc hòa đàm sẽ thất bại nếu phe đối lập tiếp tục “ảo tưởng rằng thất bại ở Geneva đồng nghĩa với yếu thế trong cuộc chiến”.
Ông Moualem thẳng thắn chỉ trích rằng, đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura “không có quyền” đề xuất các chương trình nghị sự hay bất kỳ cuộc bầu cử Tổng thống nào của Syria trong tương lai. Không những thế, ông Moualem còn khẳng định: “Phái đoàn Chính phủ sẽ từ chối mọi nỗ lực để đưa vấn đề thành lập Chính phủ liên bang vào chương trình nghị sự. Tôi thành thực khuyên rằng, nếu các bên có ý tưởng này, đừng nên xuất hiện tại cuộc đàm phán”, ông Moualem nói.
Những phát ngôn cứng rắn của Ngoại trưởng Syria được đưa ra sau khi đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Mistura nói rằng, chế độ liên bang có thể được thảo luận tại các cuộc thương lượng, đồng thời tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội được Tổng thống Syria ấn định vào ngày 13/4 sẽ không có hiệu lực. Chỉ vài giờ sau, người phát ngôn của Ủy ban đàm phán Phe đối lập - Mohamad Alloush, người đã có mặt ở Geneva để chuẩn bị tham gia hòa đàm gọi những phát biểu của ông Moualem là… “vô giá trị”.
Ông Alloush khẳng định: “Chúng tôi cho rằng giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu bằng sự ra đi của ông al-Assad. Không thể bắt đầu giai đoạn này với sự hiện diện của chế độ và người đứng đầu chế độ như hiện nay”.
Chưa bắt đầu đã lo đổ bể
Khi các bên tham gia còn đầy rẫy bất đồng trước thềm hòa đàm, đương nhiên giới quan sát, dư luận quốc tế cũng không tránh khỏi hoài nghi về một kết quả khả quan.
Hôm qua, chưa bước vào đàm phán, phái đoàn Chính phủ Syria đã tuyên bố sẽ trở về Damascus trong vòng 24h nếu phe đối lập không tỏ ra hợp tác. Phát ngôn viên của Ủy ban đàm phán cấp cao phe đối lập (HNC), ông Monzer Makhous cáo buộc, ông Mouallem đã “đặt nền móng cho một chiếc quan tài… Geneva”, đủ để thấy các phe phái nhìn nhận như thế nào về khả năng thành công của hòa đàm. Ông này nói với kênh truyền hình Al Arabiya Al Hadath: “Mouallem đang “khai tử” hòa đàm tại Geneva trước khi nó bắt đầu”.
Theo hãng tin BBC, có vẻ như, các bên đang bị ép ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva và nhận định: “Không ai muốn bị đổ lỗi trong bất kỳ một sự cố nào. Song, có một “ranh giới đỏ” cho Damascus, đó là hòa đàm sẽ không thảo luận về số phận ông Assad, không thảo luận về bầu cử Tổng thống, không xem trọng vai trò của đặc phái viên Liên hợp quốc trên bàn nghị sự”. Vậy, số phận người dân Syria sẽ đi về đâu?
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, một cuộc không kích của quân Chính phủ Syria đã giết chết 7 dân thường hôm 11/3 vừa qua. Chưa kể một làn sóng phản đối việc thành lập Chính phủ liên bang Syria và sự hiện diện của Tổng thống Assad vẫn diễn ra đều đặn ở quốc gia này. Cuộc nội chiến Syria kéo dài suốt 5 năm qua khiến: 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa vẫn chưa có hồi kết, ngay cả khi Hòa đàm Syria đã bắt đầu.
Các cuộc hòa đàm về tương lai Syria từng được tổ chức cách đây hai năm, nhưng không đi đến đâu. Phe Chính phủ muốn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, còn phe đối lập lại muốn thảo luận về một Chính phủ chuyển giao trước. Vì vậy, cuộc hòa đàm lần này nhiều khả năng sẽ rơi vào bế tắc, khó tìm ra một lối thoát cho cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6 ở quốc gia Trung Đông này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận