Doanh nghiệp

Dán quảng cáo che lấp trạm biến áp, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân

04/12/2024, 11:19

Hiện nay, các biển "Cấm lại gần, cấm sờ, có điện nguy hiểm chết người…” trên các trạm biến áp, tủ điện bị che lấp bởi những tờ rao vặt, làm mất đi tính cảnh báo và tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân.

Những năm qua, tại Hà Nội, cột điện, tủ điện hay trạm biến áp bỗng trở thành nơi để treo, dán những quảng cáo, rao vặt, tìm giấy tờ… Những hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Bất chấp các quy định của pháp luật rất nhiều tờ quảng cáo, rao vặt ngang nhiên xuất hiện trái phép trên các công trình lưới điện.

Chưa hết, các tủ điện, trạm biến áp đều được cảnh báo rất rõ về việc cấm lại gần vì có điện tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng nhưng nhiều người vẫn cố tình đến gần để dán, vẽ quảng cáo.

Dán quảng cáo che lấp trạm biến áp, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân- Ảnh 1.

Các trạm biến áp, tủ điện đều gắn biển “Cấm lại gần, có điện, nguy hiểm chết người” để cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: EVNHANOI.

Ông Trần Văn Duy, Trưởng ban An toàn EVNHANOI cho biết: "Các tờ rơi, quảng cáo không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Các biển cấm bị che lấp bởi những tờ quảng cáo làm mất đi tính cảnh báo và tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, nhất là vào thời điểm mưa bão hoặc nắng nóng".

CBCNV của EVNHANOI phải thường xuyên thực hiện việc bóc dỡ biển quảng cáo để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như công tác quản lý vận hành. Mặc dù rất nhiều đợt ra quân bóc, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép diễn ra thì tình trạng này vẫn tiếp diễn như "nấm mọc sau mưa". Những đối tượng quảng cáo trái phép thường lợi dụng đêm khuya, vắng người để thực hiện hành vi treo, dán quảng cáo trái quy định nên việc kiểm tra, phát hiện các đối tượng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện, các lực lượng chức năng thì các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố nên chủ động cập nhật văn bản luật, quy chế, nắm bắt thông tin có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình để có hình thức quảng cáo phù hợp. Không tận dụng trạm điện tủ điện làm nơi dán quảng cáo, rao vặt.

Hiện nay, đã có những quy định xử phạt về các hành vi nêu trên. Cụ thể, căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 38 năm 2021 về việc xử phạt hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 38 năm 2021quy định phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Bên cạnh đó căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38 năm 2021, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.