Cuộc sống an toàn

Đào tạo kỹ năng lái xe, kéo giảm TNGT ở miền núi

29/12/2021, 11:24

Thông qua đào tạo lái xe sẽ góp phần tuyên truyền ATGT, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, kéo giảm tai nạn giao thông ở vùng miền núi.

TNGT tại các vùng nông thôn, miền núi chỉ sau trên quốc lộ

Thời gian gần đây, trật tự ATGT vùng miền núi thời gian qua vẫn diễn ra rất phức tạp. Tình trạng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm Luật Giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu, bia khi điều khiển mô tô, xe máy vẫn diễn ra phức tạp.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29%; đường làng, thôn, xóm chiếm 19%. Tính chung TNGT tại các vùng nông thôn, miền núi cao thứ hai, chỉ sau TNGT trên các tuyến quốc lộ.

img

Làm tốt công tác đào tạo lái xe là một kênh để đưa Luật Giao thông đường bộ vào cuộc sống các địa phương miền núi - Ảnh minh họa

Trong số các vụ TNGT ở miền núi, phần lớn do thanh thiếu niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số gây ra. Đây là hồi chuông báo động về sự thiếu hiểu biết luật giao thông liên quan đối tượng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Nhóm lỗi thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thường gặp là chưa đủ tuổi điều khiển các phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe; vi phạm các quy định về đội mũ bảo hiểm, tốc độ, nồng độ cồn; tụ tập dàn hàng ngang trên đường, rú ga gây mất trật tự công cộng. Một số vụ việc được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc gây hậu quả nặng nề, để lại đau thương, mất mát cho người thân.

Điển hình như vụ việc một xe gắn máy chở 3 thanh niên dân tộc thiểu số, không làm chủ được tốc độ, đi sai làn đường, đâm chính diện xe khách giường nằm tại huyện Chư Sê (Gia Lai), làm 3 nạn nhân tử vong tại chỗ vào tháng 1/2020. Cả 3 nạn nhân là học sinh mới 15-16 tuổi.

Hay 2 vụ tai nạn xảy ra liên tiếp vào ngày 4/5 và ngày 5/5 tại huyện Đức Cơ khiến 6 người tử vong. Hầu hết các nạn nhân đều đang là học sinh dân tộc thiểu số, có 3 nạn nhân mới 14 tuổi.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân là do trở ngại trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT tại các vùng đồng bào dân tộc. Trong đó, dễ nhận thấy là điều kiện kinh tế - xã hội, địa hình hiểm trở, thiếu hệ thống báo hiệu ATGT và yếu tố văn hóa vùng miền có nhiều khác biệt. Đặc biệt là người dân chưa nắm vững quy tắc giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho hay, TNGT ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi xảy ra cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.

"Hiểu biết về Luật GTĐB của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, trong khi địa bàn nông thôn, miền núi rộng, lại thiếu lực lượng tuần tra kiểm soát. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, tình trạng người uống rượu, bia say vẫn điều khiển xe máy rất phổ biến", ông Đạt dẫn nguyên nhân.

Giáo trình đào tạo cho người dân tộc cần biên soạn lại

Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng cao kỹ năng lái xe an toàn và ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân vùng đồng bào dân tộc khi điều khiển phương tiện là rất cấp thiết.

Cũng theo ông Lê Văn Đạt, các địa phương cần chủ động các giải pháp bảo đảm ATGT khu vực nông thôn, miền núi, trong đó tham mưu cho chính quyền các địa phương vào cuộc, gắn trách nhiệm cụ thể tới tận trưởng thôn, bí thư chi bộ, cơ quan văn hóa, xã văn hóa để tạo ý thức trách nhiệm cao từ cơ sở.

“Muốn thay đổi nhận thức, trước hết phải khai thác triệt để văn hóa của đồng bào dân tộc ở vùng đó. Ví dụ đưa phim ảnh đến chiếu, biểu diễn sân khấu ở vùng đồng bào dân tộc. Thấy hấp dẫn, gần gũi với văn hóa, đời sống, người dân ở xa vài chục cây số cũng đến xem. Cùng đó, tăng cường hệ thống biển báo, hạ tầng ATGT ở vùng nông thôn, xây dựng và quản lý bằng quy ước, hương ước trong từng thôn, bản”, ông Đạt nói.

PGS.TS Chu Công Minh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cầu Đường, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, việc giáo dục pháp luật ATGT, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện cho đồng bào dân tộc ngay từ khâu đào tạo, sát hạch lái xe sẽ hướng đến hiệu quả tốt, người dân nắm chắc pháp luật về giao thông, từ đó tuân thủ và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông an toàn.

“Việc đào tạo cần nghiên cứu để tìm ra những nội dung, cách giảng dạy làm sao dễ nghe, dễ hiểu, mang tính trực quan sinh động để bà con dễ nắm bắt. Nội dung đào tạo lái xe phải gắn với thực tiễn trong quá trình tham gia giao thông của bà con. Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần kiềm chế, giảm thiểu các vụ TNGT”, ông Minh nói.

Nói về chương trình đào tạo lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số, một chuyên gia giao thông cho rằng, nội dung đào tạo yêu cầu giáo viên phải là người biết nói tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với người học. Giáo trình đào tạo cần biên soạn lại trên cơ sở giáo trình đào tạo lái xe hạng A1 do Tổng cục Đường bộ ban hành.

"Để Luật Giao thông đường bộ đi vào cuộc sống, đặc biệt những đối tượng là đồng bào các dân tộc vùng cao biết ít chữ và không biết chữ, các Sở GTVT cần chủ động lập kế hoạch và thống nhất với các cơ sở đào tạo, các địa phương về lịch học và thi và phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần phối hợp với UBND các huyện, xã tuyên truyền về lớp học dành cho đồng bào có trình độ văn hóa thấp được học và thi lấy GPLX", chuyên gia bày tỏ.

Lớp học cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp phải được tổ chức giảng dạy riêng. Ngoài thời gian đào tạo theo quy định, giáo viên có thể hướng dẫn thêm cho học viên về nội quy, quy chế và cách thức tổ chức thi sát hạch.

Về phương pháp sát hạch, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp cần được sát hạch riêng phần lý thuyết. Bộ đề thi lý thuyết được biên soạn trên cơ sở bộ đề thi của Tổng cục Đường bộ do Sở GTVT ban hành và thống nhất quản lý.

Phần sát hạch thực hành thao tác kỹ thuật lái xe được thực hiện theo đúng quy trình do Tổng cục Đường bộ VN ban hành. Tổ sát hạch phải có ít nhất một sát hạch viên biết tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với người thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.