Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Sáng nay (30/3), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Phát biểu ý kiến tại nghị trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhất trí rất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, đại biểu Nhưỡng cũng có một số vấn đề băn khoăn và đóng góp để hoạt động tư pháp này càng tốt hơn.
"Có thể nói, về nhận thức thì chúng ta thấy vẫn tồn tại khái niệm "ngành tòa án". Thực ra không có khái niệm nào là “ngành” cả. Mỗi một tòa án là cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau, không có khái niệm "tòa án cấp trên" và tòa án cấp dưới”. Các thẩm phán, hội thẩm hoàn toàn độc lập, không được can thiệp bất kỳ vấn đề có liên quan để ảnh hưởng đến công lý", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu thực trạng "chúng ta thường có những cuộc làm việc liên ngành, vấn đề này tôi lại nhớ trong quá khứ có tham gia một phiên tòa trên góc độ luật sư ở Lạng Sơn. Viện kiểm sát ở phiên tòa này đã nói "vấn đề này chúng tôi đã có văn bản liên ngành". Tôi cho rằng những điều hết sức sơ hở, cần phải suy nghĩ và khắc phục để đảm bảo tính độc lập".
Đại biểu Nhưỡng cũng nêu vấn đề "chỉ tiêu trong xét xử". Theo ông Nhưỡng, kế hoạch làm việc thì cần có nhưng kế hoạch xét xử thì cần nghiên cứu lại.
"Chúng ta thấy trên một số nước có những phiên tòa có thể xét xử diễn ra cả năm. Tôi rất nhớ một đồng chí ở Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Quốc gia có nói "công lý không bao giờ có giá rẻ, thậm chí đổi cả bằng xương máu", ông Nhưỡng nói.
Về nội dung "xác định tỷ lệ oan sai", cũng được ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn.
"Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như thế nào. Chính vì tỷ lệ này có thể đã ảnh hưởng đến tâm lý. Công lý làm sao có tỷ lệ? Công lý là thiêng liêng, tròn trịa, công lý là công lý", ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Đại biểu đến từ đoàn Bến Tre cũng nêu vấn đề hòa giải ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện thực chất.
"Vừa qua chúng ta có luật hòa giải, đây là bước đổi mới. Nhiều hình thức hòa giải đã được chúng ta thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người đã phản ánh với tôi là hòa giải chưa đạt độ thực chất, vẫn còn có tình trạng "hòa giải dưới lưỡi dao". Đấy không phải là tính chất hòa giải. Tôi đề nghị làm sao người hòa giải thực sự trung lập, đảm bảo đi đến thỏa thuận công bằng", đại biểu Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, cần phải nâng cao chế độ lương cho những thẩm phán.
"Tôi lấy ví dụ, lương nghị sĩ Quốc hội, của Bộ trưởng của Australia là 65 nghìn đô/năm nhưng lương thẩm phán cấp huyện là 75 nghìn đô/năm, lương của thẩm phán cấp cao là 100 nghìn đô/năm. Như vậy để chúng ta thấy chế độ lương thưởng của các thẩm phán trên thế giới như thế nào", ông Nhưỡng nói.
Cuối cùng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao, Ban dân nguyện cần dành thời gian làm việc, đặc biệt là vấn đề giải quyết các vụ việc giám đốc, tái thẩm đơn thư hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp để có xác định trách nhiệm chủ thể liên quan.
"Không được bàng quang trước tiếng kêu của nhân dân, cần quán triệt không được có thái độ tiêu cực trong hoạt động tư pháp, cứ bắt là có tội, cứ xử là phải có tội. Làm sao phải xứng đáng tư pháp là hộ pháp của nền kinh tế, toà án là hiện thân của công lý, chỗ dựa của công bằng, viện kiểm sát phải khẳng định vai trò khớp nối đầu vào và đầu ra của hệ thống tư pháp, bánh răng trung chuyển công bằng, khách quan. Đủ bản lĩnh để bánh xe tư pháp không chệch khỏi đường ray công lý, công bằng", ông Nhưỡng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận