Trưa ngày 27/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết, từ tháng 6/2019 đến nay chúng tôi đã điều trị 3 ca bệnh nhiễm khuẩn huyết do Whitmore và tất cả đều được cứu sống. Trong đó có 1 trường hợp cụ ông 86 tuổi quê ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vừa được điều trị thành công và xuất viện hôm nay.
“Nhiều người lầm tưởng vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”, nhưng chúng không ăn thịt người mà có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei. Loại vi khuẩn này cũng như các loại vi khuẩn khác gây bệnh cho người ở những mức độ khác nhau, nặng nhất có thể gây tử vong. Bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, bằng các loại kháng sinh đặc hiệu với Burkholderia pseudomallei", bác sỹ tình cho biết thêm.
Dạng vi khuẩn này thường cư trú trong đất, nước hoặc bụi đất, xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua tiếp xúc giữa vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau: nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.
Được biết năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Hòa Binh đã được đào tạo kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Withmore. Từ năm 2017 đến nay đã phát hiện 9 ca mắc bệnh Withmore tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Binh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận