Kinh tế

Doanh nghiệp phải làm gì nếu buộc phải cắt lương, giảm nhân sự

08/05/2020, 13:32

Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh thì quyết định cắt lương, giảm nhân sự đối với mỗi chủ doanh nghiệp còn bị giằng xé hơn rất nhiều.

img
Nhân viên Viettel dốc sức thực hiện các giải pháp ứng dụng kỹ thuật trong trận chiến phòng dịch Covid-19

Cắt giảm nhân sự, giảm lương vốn được coi là quyết định rất khó khăn của mỗi chủ doanh nghiệp. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì quyết định này còn bị giằng xé hơn rất nhiều.

Lãnh đạo gửi tâm thư, nhân viên đồng cảm

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, mới đây, chủ tịch một tập đoàn trong lĩnh vực cơ điện thuộc top 3 tại Việt Nam đã phải viết bức tâm thư gửi toàn bộ nhân viên.

Nội dung bức thư có đoạn: “Tập đoàn có thể lựa chọn sa thải những nhân sự tại các dự án tạm thời dừng hoạt động, thậm chí đã dừng hoạt động từ 6 tháng trước; Hoặc cũng có thể sa thải những vị trí nhân sự đang thực sự không cần thiết cho tập đoàn trong năm 2020… Chúng ta có nhiều hơn một cách để sa thải nhân sự hơn là lựa chọn cắt giảm lương của toàn bộ tổ chức. Tuy nhiên, tôi tự hỏi khi chúng ta sa thải đưa những con người đã từng gắn bó ra khỏi tổ chức, với bối cảnh dịch bệnh hiện tại không biết họ sẽ đi đâu, làm gì để kiếm việc mới, lo cho gia đình của họ. Vì vậy trong giai đoạn hiện tại, với tư cách lãnh đạo, tôi quyết định giảm 50% lương các vị trí quản lý và chỉ huy trưởng công trình; Giảm 30% lương đối với cán bộ kỹ thuật. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tháng. Căn cứ vào tình hình tháng 6, chúng ta sẽ đưa ra phương hướng giải pháp tiếp theo”.

Ngay lập tức, những dòng thư trên đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khích lệ tinh thần của nhân viên. Chia sẻ về quyết định cắt giảm lương, một cán bộ kỹ thuật của tập đoàn này cho hay: “Không ai muốn điều đó xảy ra, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, tôi thực sự cũng không biết cuộc sống của những đồng nghiệp của tôi sẽ ra sao nếu họ bị cho thôi việc sau khi đã gắn bó với công ty trong thời gian dài…”.

Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI, tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.

Có 40% doanh nghiệp cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Trước bối cảnh trên, bà Vũ Ngọc Tuyết, Giám đốc nhân sự NSJ Group chia sẻ, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần linh hoạt trong các quyết định về nhân sự và đặt chữ “Nhân” lên hàng đầu. “Trong hoàn cảnh bình thường thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều thời gian đưa ra phương pháp, kế hoạch để thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại lại cần có sự linh hoạt và tính ứng biến cao đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa quy mô, cơ cấu quỹ lương. Nếu như những tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, quỹ lương có thể đủ sức để ứng phó trong trường hợp giảm doanh thu đột ngột từ 2 - 3 tháng thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chịu rất nhiều áp lực, do đó quyết định nhân sự phải được đưa ra rất nhanh trong 1 ngày, thậm chí trong 1 giờ”.

Theo bà Tuyết, không thể có bài toán chung về nhân sự cho tất cả, tùy từng hoàn cảnh, có thể quyết định sa thải nhân sự, giảm lương hay thay đổi dịch vụ cho phù hợp. Tuy nhiên, bất cứ lựa chọn nào cũng phải đối mặt với cách thức thực hiện ra sao.

“Chúng ta không thể đơn giản gọi nhân viên tới tuyên bố cho họ nghỉ việc vì lý do tài chính khó khăn. Thay vào đó, hãy chọn cách có thể đối thoại với người lao động, cởi mở những gì chúng ta đang phải suy nghĩ và lo lắng. Khi tâm của người lãnh đạo được trao đi sẽ nhận lại sự đồng cảm từ phía người lao động. Ngoài ra trong trường hợp quỹ lương còn có thể thì nên hỗ trợ phần nào cho nhân sự bị sa thải để họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đi tìm công việc khác”, vị giám đốc nhân sự chia sẻ.

Tinh thần nhân viên quyết định “sức khỏe” doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc kinh doanh khối DN của Viettel Bussiness Solutions, nhân sự là câu chuyện đau đầu nhất trong thời điểm diễn ra khủng hoảng. Tuy nhiên nếu tiếp cận với tinh thần tiêu cực thì DN rất dễ đi xuống, thậm chí bị đổ vỡ trước khi rơi vào khó khăn do mất đơn hàng, giảm lợi nhuận. “Tinh thần của nhân viên sẽ quyết định sức khỏe của doanh nghiệp. Nếu trên dưới chung lòng chung sức thì không mục tiêu nào là không đạt được”.

Để minh chứng, ông Việt Anh dẫn ra câu chuyên của Amazon khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, đơn hàng chưa tăng nhưng “ông vua bán lẻ trực tuyến” đã quyết định bất ngờ tăng lương, tuyển thêm người lao động.

“Quyết định này không chỉ khích lệ tinh thần nhân viên mà còn lan tỏa hiệu ứng truyền thông kích thích hành vi mua bán trực tuyến trên thị trường. Hiện tăng trưởng doanh thu của Amazon chỉ tăng 5% nhưng giá trị cổ phiếu của hãng này đã tăng tới 30%”, ông Việt Anh dẫn chứng và chia sẻ thêm một ví dụ trong nước, khi khó khăn đang bủa vây, Vingroup lại quyết định sản xuất máy trợ thở phục vụ cho công tác điều trị Covid-19. Chính điều này đã tạo hình ảnh ấn tượng trên thị trường, ngay lập tức cổ phiếu của Vingroup bật dậy tăng trưởng.

Trở lại câu chuyện của Viettel Bussiness Solutions, ông Việt Anh khẳng định, bối cảnh khó khăn dịch bệnh lại chính là thời điểm để doanh nghiệp này thể hiện tinh thần luôn sát cánh bên người lao động. “Thời gian vừa qua, chúng tôi đã ra quyết định tăng lương. Trước mùa dịch, chi phí tiền lương chiếm khoảng 6% tổng chi phí của đơn vị. Chính vì vậy dù có tăng 10% chi phí tiền lương thì cũng chỉ mất đâu đó 6,6% tổng chi phí. Tuy nhiên điều này tạo khích lệ để nhân viên yên tâm công tác, cống hiến và phát huy trí tuệ cho công việc”, vị giám đốc kinh doanh chia sẻ.

Không chỉ tăng lương cho nhân viên, Viettel Bussiness Solutions nhận ra cơ hội lớn để tăng khả năng thích ứng, chuyển dịch hình thức làm việc. “Trước đây, do đặc thù sản phẩm dịch vụ, 90% nhân viên của chúng tôi làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đã tăng cường đào tạo cho nhân viên kỹ năng bán hàng trực tuyến, đồng thời hoàn thiện công cụ hỗ trợ giám sát. Kết quả trong tháng 3 và tháng 4, bán hàng online đã tăng trưởng 20%, chiếm tỷ trọng 10% cơ cấu doanh thu của đơn vị. Đây là sự chuyển dịch lớn mang lại hiệu quả thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mà trước đây dù đã có những sự thay đổi vẫn không thể đạt được”, ông Việt Anh cho biết.

Trong trận chiến phòng dịch Covid-19, Viettel Bussiness Solutions cũng là đơn vị tham gia nhận nhiệm vụ về nền tảng kỹ thuật từ các bộ ngành và Chính phủ. “Qua đây nhân viên của chúng tôi cũng cảm thấy công việc mình đang làm thực sự có giá trị quan trọng, lấy đó làm tự hào và ra sức cống hiến”, ông Việt Anh nói và chia sẻ: “Sự khích lệ tinh thần với nhân viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vận hành doanh nghiệp. Trong khi cả xã hội lo lắng về nền kinh tế thì doanh nghiệp hãy chứng tỏ luôn đứng bên cạnh người lao động. Một khi được truyền lửa thì nhân viên sẽ nhìn rõ mục tiêu, đích phấn đấu và tận hiến”.

Theo ông Vũ Thế Anh, Giám đốc khách hàng của Ureka Media Hà Nội, những việc phải làm ngay trong quản trị nhân sự mùa dịch mà doanh nghiệp có thể tham khảo gồm: Quy hoạch lại nhân sự, loại bỏ nhân sự không phù hợp, nhân sự có kết quả làm việc không tốt; Xử lý các vấn đề sa thải nhân sự theo đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín nhân sự; Cơ cấu lại tổ chức, cấu trúc lại các phòng ban để tinh gọn, tập trung nguồn lực tạo ra nhiều giá trị không ảnh hưởng tới mắt xích chung về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp; Tranh thủ thời gian để đào tạo nguồn lực chủ chốt; Tỉnh táo trong quyết định nhân sự và có phương án dự phòng khi thị trường quay trở lại; Toàn bộ nguồn lực công ty trở thành đội ngũ bán hàng; Đối thoại với nhân sự ở lại và ra đi; Chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn quay trở lại thị trường; Có giải pháp hành chính hỗ trợ nhân sự trong thời điểm khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.