Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải

Những năm qua, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư với nhiều công trình trọng điểm đưa vào khai thác, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cơ sở để vận tải bứt phá phát triển.

Cung đường gần lại

Người dân Quảng Ninh không thể quên ngày 1/9/2018, khi tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe. Thay vì từ Hà Nội đi Hạ Long mất 3 - 4 giờ trên QL18, nhờ có cao tốc nay chỉ còn 1,5 giờ.

Cảnh ô tô chen chúc, nhiều khi tắc nghẽn trên con đường đến với thành phố du lịch Hạ Long đã không còn. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không chỉ phát huy mạnh mẽ giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mà quan trọng hơn, còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực.

Tiếp đó, dự án đường cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái được triển khai, trở thành mảnh ghép cuối cùng tuyến đường cao tốc xương sống của tỉnh Quảng Ninh. Viễn cảnh ăn sáng ở Hà Nội, trưa ngắm biển

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 1.

Chỉ trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành giao thông vận tải đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho vận tải phát triển.

Trà Cổ, chiều mua sắm ở cửa khẩu Móng Cái, tối ngủ ở Hạ Long đã thành hiện thực. Nhờ tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác, Quảng Ninh trở thành địa phương sở hữu tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam với 200km, mở rộng cánh cửa kết nối vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.

Hay như trước đó, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng và đi vào khai thác, đã giúp các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm đến 1/3 thời gian vận chuyển hành khách, hàng hóa; qua đó tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu suất, hiệu quả vận tải.

Trước đây, từ Hải Phòng lên Hà Nội phải đi qua QL5 mất từ 3 - 4 tiếng, thì nay với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ.

Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ là hai trong số ít các địa phương trên cả nước tạo được sự bứt phá nhờ vào hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông phát triển không chỉ giúp thay đổi diện mạo mà còn đóng góp lớn trong việc kết nối, giao thương, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho cả địa phương lẫn toàn khu vực.

Từ định hướng đến hành động

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2020) đã khẳng định chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó quan tâm đẩy mạnh thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, nhất là mạng lưới giao thông.

Nghị quyết chỉ rõ: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ các tuyến có nhu cầu vận tải lớn.

Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT của năm chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải.

Trong đó, quy hoạch các công trình giao thông hiện đại, kết nối đồng bộ gồm: Mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia để kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc - Nam, các cửa khẩu, các cảng hàng không, các cảng biển quốc tế, các tuyến đường vành đai đô thị có nhu cầu vận tải lớn, với tổng chiều dài 6.411km; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; các cảng biển cửa ngõ quốc tế tại khu vực Bắc - Trung - Nam; quy hoạch mạng đường bay theo mô hình nan quạt với tần suất khai thác cao...

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Chỉ trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành GTVT đã tạo ra sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Riêng năm 2023 đã có 9 dự án đường cao tốc mới hoàn thành gồm: Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2 và Tuyên Quang - Phú Thọ.

Với số dự án này, cả nước đã có thêm 475km đường cao tốc, tức là cứ một ngày trong năm 2023 chúng ta xây xong được 1,3km đường cao tốc, nâng tổng số kilomet đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.822km.

Cùng các tuyến đường cao tốc, các cảng biển, sân bay, hạ tầng đường sắt cũng được đầu tư mạnh mẽ. Trong đó, các tuyến đường sắt giữ vai trò kết nối với hạ tầng giao thông hiện có, hình thành hệ thống vận tải đa phương thức, tối ưu hóa trong vận chuyển hành khách, hàng hóa, giúp giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, diện mạo cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong hơn hai thập kỷ qua. Hạ tầng giao thông kết nối là một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến chi phí logistics, quyết định hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ở đâu có giao thông thuận lợi, ở đó sẽ là cực tăng trưởng.

"Việt Nam đang làm rất tốt việc hoàn thiện bộ mặt giao thông trên cả nước. Đây sẽ là điểm cạnh tranh trong thu hút đầu tư của nhiều địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp", ông Nakajima Takeo nói.

Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian

Nhờ phát triển đột phá về hạ tầng trong nhiều năm qua, vận chuyển hàng hóa và hành khách đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp vận tải ngày càng tăng nhanh về số lượng, cải thiện đáng kể chất lượng và ngày càng tạo được uy tín cho các đối tác có nhu cầu về vận chuyển.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh nhìn nhận, trước đây, cơ sở hạ tầng xuống cấp, dịch chuyển giao thông chậm, không những ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải mà còn gây ảnh hưởng đến sự an toàn tài sản và tính mạng con người. Tuy nhiên, đến nay mọi việc đã khác.

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 3.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 được khánh thành ngày 29/4/2023.

"Mỗi ngày đơn vị vận hành khoảng 60 chuyến vận chuyển hành khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, đều đã đổi lộ trình di chuyển trên các tuyến cao tốc QL45 - Mai Sơn, Mai Sơn - Cao Bồ, Cao Bồ - Pháp Vân thay vì QL1 như trước. Nhờ đó, mỗi chuyến đi tiết kiệm thời gian di chuyển đến 20 phút, góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí. Nhờ di chuyển trên cao tốc, xe khách không phải đi qua các khu vực đông dân cư nên cũng đảm bảo an toàn hơn", ông Dũng nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, phát triển hạ tầng giao thông không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, giao thương giữa các vùng, khu vực của đất nước mà còn góp phần giảm chi phí vận tải, giảm chi phí xã hội. Qua đó, giúp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo liên kết vùng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước.

Bộ GTVT cho biết, nếu như năm 2013 cả nước có gần 5.800 đơn vị kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023 đã tăng lên gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải. Phương tiện vận tải cũng tăng trưởng về số lượng và chất lượng, nếu như năm 2013 cả nước có gần 122.000 xe thì đến năm 2023 con số này tăng lên hơn 921.000 xe.

Đến năm 2023, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng qua các năm và đảm nhận khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập cảnh. Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 hơn 756 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.

Đường sắt cao tốc đón tương lai

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với vận tốc thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 4.

Theo tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam,đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành với chiều dài khoảng 1.541km,tốc độ thiết kế 350km/h.

Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương dọc tuyến.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên kết nối mới, thu hẹp khoảng cách địa lý, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các vùng miền với tốc độ nhanh chóng.

Hiện nay, vận tải đường bộ chiếm ưu thế với 60%, trong khi đường sắt chỉ chiếm 2,9%, gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu vận tải. Khi đường sắt tốc độ cao hoàn thiện đi qua 20 tỉnh, thành, nơi tập trung hơn 60% khu kinh tế và 40% khu công nghiệp của cả nước sẽ tạo nên trục xương sống cho hệ thống giao thông quốc gia, kết nối các vùng miền một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn giúp tái cấu trúc cơ cấu ngành vận tải bằng việc giảm tải cho vận tải đường bộ, phân bổ hợp lý lưu lượng vận tải giữa các loại hình giao thông. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích" mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics và thu hút đầu tư nước ngoài. Dự án này được kỳ vọng nâng cao hiệu quả vận tải, giảm chi phí logistics ít nhất 50%.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần quy hoạch hệ thống vận tải đa phương thức, kết nối đường sắt tốc độ cao với các loại hình giao thông khác như đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa... tạo nên mạng lưới giao thông liền mạch, hiện đại.

"Trục cao tốc huyết mạch Bắc - Nam đã hoàn thành rất nhiều dự án thành phần, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương. Trước đây, khó có thể nghĩ di chuyển từ Hà Nội tới Nghệ An trong một ngày, nhưng giờ chỉ 3 - 4 giờ.

Kết nối giao thông tốt hơn đã thú đẩy vận tải phát triển. Việc kết nối các địa phương, hay kết nối giữa các đô thị lớn, cảng biển đang thu hút các dự án đầu tư của doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí. Đây cũng sẽ là động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương đa dạng hơn", ông Nghiêm nhận định.

Siêu sân bay Long Thành và kỳ vọng mới

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Việc khởi công xây dựng dự án vào năm 2021 được ví như động lực thúc đẩy vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam phát triển, đóng vai trò mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao trong tương lai.

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 5.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã nên hình hài.

Dự án đang được xây dựng đạt cấp 4F, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm sau năm 2030.

Giai đoạn I của dự án triển khai xây dựng 2 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, 1 đài kiểm soát không lưu và các công trình phụ trợ; công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Theo quy hoạch, sẽ có 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt nhẹ, gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây. Những tuyến đường này khi hình thành cùng với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mở ra cơ hội cho các loại hình vận tải khác cùng phát triển.

Sân bay quốc tế Long Thành với diện tích hơn 5.000ha cũng được quy hoạch dựa theo mô hình tạo hệ sinh thái đồng bộ, xung quanh sân bay sẽ tập trung rất nhiều doanh nghiệp logistics và kho bãi.

Đột phá hạ tầng giao thông thúc đẩy vận tải- Ảnh 6.

Thi công tháp không lưu sân bay Long Thành vượt tiến độ gần 2 tháng.

Là địa phương được hưởng lợi lớn nhất khi sân bay nằm trên địa bàn, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, tỉnh Đồng Nai xác định lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Ông Eric Lamare, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng vận chuyển hàng không Air Bridge Cargo từng nhận định, dự án sân bay quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ thúc đẩy vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Điều đó sẽ khiến nhiều công ty lớn đổ dồn về Việt Nam và vận tải hàng hóa qua đường hàng không sẽ đóng vai trò rất lớn với mức tăng trưởng trong tương lai, có thể lên tới trên 50%.

Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Từ dự án sân bay quốc tế Long Thành có thể thấy Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của khu vực và thế giới.

26/12/2024, 10:39