Thi viết về GTVT

Dùng cuốc, xẻng mở đường chiến lược giữ biên cương

31/03/2022, 06:00

Ít ai biết, để tạo ra con đường chiến lược Bình Gia - Thất Khê, hơn 1.300 TNXP chỉ có cuốc, xẻng, xà beng trong tay.

Tuyến đường chiến lược Bình Gia - Thất Khê thành hình phá thế độc đạo, giúp bộ đội hành quân kịp thời đẩy lùi quân địch, bảo vệ vững chắc biên cương.

Ít ai biết, để tạo ra con đường ấy, hơn 1.300 TNXP chỉ có cuốc, xẻng, xà beng trong tay.

img

Thanh niên xung phong Lạng Sơn dùng cuốc, xẻng, xà beng mở đường Gia Bình - Thất Khê (Ảnh: Tư liệu)

Nhiệm vụ đặc biệt

Đã 42 năm trôi qua, song ký ức hào hùng về những ngày tháng dùng xà beng, cuốc, xẻng làm con đường chiến lược vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông Nguyễn Anh Nhưỡng (85 tuổi), Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Lạng Sơn, nguyên Phó Ban chỉ huy công trường mở đường chiến lược Bình Gia - Thất Khê.

Ông Nhưỡng kể, năm 1978, ông bất ngờ nhận được quyết định điều động đến phụ trách đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường nối huyện Bình Gia và Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

“Chúng tôi nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn, sau đó đến tháng 12/1978 mới tách tỉnh - PV) về chủ trương mở con đường chiến lược bảo vệ đất nước.

Lúc này giữa Cao Bằng và Lạng Sơn chỉ được kết nối bởi QL4A. Trong khi đó, tuyến quốc lộ huyết mạch này lại chạy dọc theo biên giới Việt - Trung”, ông Nhưỡng kể.

Theo ông Nhưỡng, trên tuyến này, nhiều đoạn qua huyện Tràng Định có vị trí dưới chân núi, trong khi đỉnh núi là mốc biên giới nên sẽ rất dễ bị đổ bộ, chiếm đóng, chia cắt khi xảy ra chiến sự. Đây là tình thế rất bất lợi khi tỉnh lị Cao Lạng lại nằm tại Cao Bằng, quân tiếp viện sẽ không thể tiếp cận, chi viện cho tiền tuyến.

“Trung ương và tỉnh đều bày tỏ quyết tâm bằng mọi giá phải mở được con đường Bình Gia - Thất Khê nối QL1B từ huyện Bình Gia đến QL4B, huyện Tràng Định, Lạng Sơn”, ông Nhưỡng nhớ lại.

Tháng 10/1978, Tỉnh ủy Cao Lạng huy động 1.332 thanh niên tình nguyện, chia thành các tổ, đội đến công trường. Ngoài nhiệm vụ làm đường, lực lượng thanh niên tình nguyện còn được trang bị vũ khí, được huấn luyện thành các đội tự vệ, sẵn sàng chiến đấu.

Công trường nằm giữa vùng núi hoang vu với núi đá cao, vực sâu, chỉ một vài đoạn đã có đường mòn, là lối đi lại của người dân bản địa.

Vừa làm đường vừa sẵn sàng chiến đấu

Lúc đầu, toàn đội không được trang bị bất kỳ máy móc, trang thiết bị nào nên phải dùng dao phát quang cây rừng. Sau đó lấy cuốc, xẻng, xà beng cuốc đất, lật đá mở đường, tạo thành hướng tuyến, mở đường cho xe đi qua.

Thế rồi, tại các điểm núi cao, vực sâu, có vị trí đất đổ thải, san lấp ở xa, những thanh niên xung phong có mặt tại công trường còn sáng tạo ra dụng cụ mới là “trang” và “cáng”.

“Trang” là các tấm ván bằng gỗ lớn, được đặt nằm ngang, ở giữa ván được đục lỗ, gắn tay cầm bằng thanh gỗ dài giúp người phía sau dễ dàng điều khiển. Người phía trước sẽ buộc dây thừng vào tấm ván để xúc, kéo đất hiệu quả hơn.

“Cáng” thì được chế tạo từ bao tải, có cán gỗ dành cho 2 người khiêng đất, giúp lượng đất đá san lấp, vận chuyển được nhiều và thuận tiện hơn.

Theo Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn, tuyến đường Bình Gia - Thất Khê hiện nay được đổi tên thành đường tỉnh 226, kết nối với các QL1B, 3B, 4A và đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang được đầu tư xây dựng.
Không chỉ có vai trò chiến lược về quốc phòng, tuyến đường còn tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, giúp người dân vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tuyến đường này sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và nâng cấp thành QL3E.


Nhờ những cải tiến trên, chỉ sau 5 tháng thi công rầm rộ, nền đường cơ bản được hình thành.

Tuy nhiên, ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc ồ ạt tràn qua biên giới, chiếm đóng Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong đó, địa bàn Thất Khê, huyện Tràng Định ác liệt nhất vì địch quyết chiếm đóng để chia cắt hậu phương với tiền tuyến.

Lúc này, đội thanh niên xung phong mở đường nhận mệnh lệnh phục vụ cho mặt trận chiến trường Tràng Định, trở thành trạm trung chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược từ hậu phương đến tiền tuyến và hỗ trợ vận chuyển người bị thương về phía sau cứu chữa.

Đặc biệt, đội đã cử người cảnh giới, bí mật dẫn đường, đưa đón, hướng dẫn bộ đội chủ lực hành quân theo QL1B từ Thái Nguyên lên Bình Gia rồi theo tuyến đường chiến lược này đến Thất Khê, bất ngờ đánh úp quân địch, giành lại quyền kiểm soát biên giới.

“Đến giữa tháng 3/1979, chiến dịch bảo vệ biên giới trên đã kết thúc thắng lợi. Đội thanh niên xung phong đã tham gia 17.550 ngày công, không kể ngày đêm, mưa dầm gió bấc tại biên giới để hướng dẫn, đưa bộ đội đến tiền tuyến.

Nhưng rất may, tuyến đường chiến lược này vẫn được giữ bí mật, không bị địch phát hiện, đánh phá. Toàn đội cũng không ai bị thương hay hy sinh trong chiến dịch đặc biệt này”, ông Nhưỡng vui vẻ nói.

Nhịn đói mở đường

Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ đặc biệt, Đội thanh niên xung phong đã được chỉ thị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mở đường. Lúc này, tỉnh Cao Lạng đã được tách thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Dù được tỉnh quan tâm, song do kinh tế lúc đó còn khó khăn nên nhiều tổ, đội sản xuất đã rơi vào cảnh thiếu gạo ăn, nước uống, thực phẩm. Nhiều thời điểm, chỉ còn đủ gạo nấu cháo ăn tạm qua bữa nhưng các thanh niên xung phong vẫn quyết bám công trường, nhịn đói đào đất, phá núi làm đường.

Bên cạnh việc nhờ Ty lương thực Lạng Sơn kịp thời cấp gạo cứu đói, ban chỉ huy công trường đã quyết định khai hoang đất trồng rau, mở trang trại nuôi dê, bò tại các doanh trại. Nhiều thời điểm trang trại đã phát triển đến 600 con dê, 200 con bò, đủ cung cấp thực phẩm tại chỗ cho các tổ, đội làm đường.

Và rồi, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1979), tuyến đường trên đã được tổ chức thông xe kỹ thuật với nền đường rộng 7,5m, dài gần 58km nối từ Bình Gia đến thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định.

Cả công trường ai cũng phấn khởi khi chứng kiến xe ô tô chở lãnh đạo Tỉnh ủy Lạng Sơn và các sở, ngành đã di chuyển thuận lợi từ Bình Gia đến Tràng Định trên chính tuyến đường này.

Sau lễ thông xe, Trung Quốc tiếp tục nhiều lần tấn công các điểm cao quốc phòng tại Tràng Định, tuyến đường đã kịp thời phục vụ vận chuyển quân đội đến chi viện, giữ vững biên giới.

Ngay sau đó, đội thanh niên xung phong tiếp tục nhận lệnh cứng hóa mặt đường bằng cấp phối đá dăm. Theo đó, đơn vị dùng cuốc, xẻng, búa phá núi, khai thác đá để thảm mặt đường.

Cuối năm 1979, công trường vinh dự được đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Đình Doãn dẫn đầu, tới thăm và động viên.

Cảm phục tinh thần dùng sức người phá đá, mở đường tại công trường, lãnh đạo Bộ GTVT quyết định điều động, cấp cho công trường 2 chiếc máy ủi, 5 xe ô tô tải phục vụ vận chuyển đá thảm đường.

Nhờ đó, việc trải thảm mặt đường diễn ra thuận tiện, nhanh chóng và chất lượng hơn. Đến năm 1989, toàn bộ mặt đường đã được cứng hóa bằng bê tông nhựa.

Nhưng để tiết kiệm ngân sách, công trình chiến lược này không tổ chức lễ khánh thành, Đội Thanh niên xung phong mở đường lại lặng lẽ rời đi, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mở các tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ông Nghiêm Văn Hải, nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn (từ năm 2015 - 2020) kể, năm 1990, sau khi học xong đại học, ông về Phòng Kỹ thuật, Sở GTVT Lạng Sơn nhận công tác.

“Quá trình nhận bàn giao, quản lý tuyến đường, tôi đã được lãnh đạo Sở các thời kỳ và ông Nguyễn Anh Nhưỡng kể cho nghe những câu chuyện rất cảm động về những năm tháng hào hùng. Trân trọng những đóng góp to lớn đó, hàng năm Sở GTVT đều chú trọng đầu tư, mở rộng thêm nhiều đoạn trên tuyến, giúp người dân đi lại an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hải chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.