Kiếm thêm tiền tỷ nhờ chiếu trên mạng
Ngay sau khi lên sóng vào giờ vàng trên các kênh truyền hình, hàng loạt gameshow giải trí tới các talkshow như “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Chọn ngay đi”, “Bạn muốn hẹn hò”, “Vợ chồng son”, “Giải mã kỳ tài”… đều được đăng tải bản đầy đủ trên kênh YouTube, Facebook, Fanpage... theo từng tập và thu hút trăm nghìn đến hàng triệu, chục triệu lượt xem.
Trong đó, những gameshow đình đám như “Người ấy là ai”, “Ơn giời, cậu đây rồi” còn có nhiều tập luôn lọt top thịnh hành trên YouTube.
Đơn cử, tập 6 của “Người ấy là ai” mùa 3 đã thu hút hơn 9,8 triệu lượt xem và đang lọt top 14 thịnh hành sau 2 tuần đăng tải. Tập 7 đăng tải cách đây 1 tuần cũng đang có hơn 7,4 triệu lượt xem, giữ top 3 thịnh hành.
“Ơn giời, cậu đây rồi” cũng cho thấy sức hút của mình khi các tập đều có trung bình từ 3 - 7 triệu lượt xem, con số đáng nể với một video có thời lượng mỗi tập dao động khoảng 2 giờ.
Thực tế, thời lượng trên lớn hơn nhiều so với bản trên truyền hình và đây là một trong những lý do các nhà sản xuất quyết định phát lại gameshow trên nền tảng kỹ thuật số.
Bởi, họ sẽ không phải cắt xén chương trình, hay bị kiểm duyệt gắt gao về hình ảnh phát sóng.
Chưa kể, khai thác gameshow trên cả hai nền tảng còn có nhiều cái lợi khác so với chỉ phát trên truyền hình.
Bà Phương Thanh, đại diện truyền thông của Đông Tây Promotion cho biết, truyền hình luôn chiếu vào một khung giờ nhất định nên nhiều người có thể bị bỏ lỡ khi có việc bận.
“Đăng lại trên mạng là một cách vừa để người xem có thể xem lại và không bỏ lỡ chương trình, vừa thuận lợi cho việc quảng bá”, bà Thanh cho hay. Từ đó, con số lượt xem trên mạng cũng được xếp vào một trong những yếu tố thể hiện độ “hot”, sự thành công của gameshow. Đây cũng là xu hướng chung của các nhà sản xuất gameshow không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới trong thời đại công nghệ 4.0.
Không chỉ vậy, khai thác gameshow trên YouTube cũng là một cách để các nhà sản xuất kiếm thêm từ số lượt xem.
Kênh của các “ông lớn” nhà sản xuất gameshow hiện nay đều có số lượt theo dõi và xem các video đăng tải ở mức khủng như Đông Tây Promotion (hơn 6,2 triệu lượt đăng ký), Điền Quân Entertainment (gần 5 triệu lượt đăng ký)… nên số tiền họ thu về từ các video đăng tải cũng không nhỏ.
Theo Social Blade (trang web theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội), kênh của Điền Quân cũng có thể mang về từ 7.000-112.000 USD/tháng (khoảng 165 triệu - 2,6 tỷ đồng) với lượt xem từ các gameshow đình đám như “Giọng ải giọng ai”, “Thách thức danh hài”. Kênh của Đông Tây Promotion với hàng loạt gameshow như “Nhanh như chớp”, “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Chọn ai đây” ước tính có thể kiếm được 26.000 - 420.000 USD/tháng (hơn 600 triệu - 9 tỷ đồng).
Đại diện của nhà sản xuất Đông Tây không phủ nhận việc gameshow đăng cả trên truyền hình, cả trên mạng là một cách để kiếm thêm doanh thu bởi “đây là xu hướng chung”.
Nảy sinh nhiều bất cập
Một điểm chung không chỉ của các gameshow mà với tất cả các sản phẩm đăng trên YouTube là đều được đặt bằng những nhan đề khơi gợi sự tò mò.
Cũng từ đây, đã có gameshow bị phản ứng gay gắt bởi đưa cả tình tiết nhạy cảm như một cách để câu lượt xem trên mạng. Gần đây nhất, chương trình “Vợ chồng son” tập 351 bị khán giả phản ứng dữ dội khi bản trên YouTube đã để cặp đôi bố và con nuôi vô tư kể chuyện giường chiếu nhạy cảm.
Phân đoạn này khi lên sóng truyền hình đã được cắt và biên tập, nhưng bản trên mạng vẫn giữ nguyên. Ồn ào này đã khiến chương trình bị mất điểm trong mắt khán giả và còn bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM “sờ gáy”.
Cùng đó, yếu tố kiếm thêm tiền cũng chẳng “dễ nuốt” bởi sự cạnh tranh trên YouTube hiện nay rất cao.
Thêm nữa, cách tính tiền trên YouTube cũng phải dựa trên nhiều yếu tố, rồi việc ăn chia giữa các đơn vị như nhà đài, nhà sản xuất, bên trung gian của YouTube.
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó giám đốc Vietcomfilm, số tiền mà nhà sản xuất có thể kiếm được từ khai thác gameshow trên YouTube chỉ là một khoản chi phí nhỏ để bù cho sản xuất, khó có thể lấy lãi. Thông thường, ngay cả các YouTuber cũng không kiếm tiền từ lượt xem mà chỉ kiếm tiền ở các nguồn khác như nhà tài trợ, bởi lượt xem phải lên từ từ theo năm tháng chứ không phải “một phát ăn ngay”.
“Tuy số tiền kiếm được từ YouTube không nhiều nhưng lại mang tính thường xuyên và lâu dài”, ông Dũng nhận định.
Ngoài ra, việc khai thác gameshow trên cả truyền hình và YouTube tuy có nhiều cái lợi, nhưng khi gameshow tràn lan sẽ khiến truyền hình mất thế độc quyền và có thể là một trong những nguồn cơn gây ảnh hưởng tới rating chương trình khi phát sóng.
Bởi, khán giả có thể không cần xem tivi nhưng vẫn xem lại được trên mạng.
Từ đây, “miếng bánh” quảng cáo cũng bị chia nhỏ thị phần. Thời gian qua, giá quảng cáo của nhiều gameshow dần tụt dốc. “Giọng hát Việt” một thời nổi tiếng và có giá quảng cáo cao nhất là 250 triệu đồng (năm 2017) cho spot 30s, nhưng đã tụt xuống mức 180 triệu vào năm 2019.
“Ơn giời, cậu đây rồi” vào năm 2018 có mức báo giá quảng cáo cao nhất là 280 triệu đồng/30s nhưng tới năm 2020, mức giá đã xuống 200 triệu đồng/30s.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để mức giá quảng cáo gameshow bị tụt dốc và việc khai thác trên cả hai nền tảng chỉ có thể là một trong số đó.
Phó giám đốc của Vietcomfilm nhìn nhận, vẫn có một số đơn vị chỉ đưa vài phần trong gameshow lên YouTube chứ không đăng cả bản đầy đủ, tiêu biểu như các gameshow của Đài Truyền hình Vĩnh Long. “Đây là cách thông minh để nhà đài và nhà sản xuất bảo vệ mình, vừa có thể PR chương trình nhưng cũng không gây ảnh hưởng tới rating khi phát truyền hình”, ông Trần Anh Dũng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận