Đúng như lời hát mà nhạc sỹ Nguyên Nhung từng viết: Em trải đẹp đời lên từng mảnh đất.
Cô dân quân dũng cảm, ngoan cường
Sáng 4/12/2018, PV Báo Giao thông có mặt tại nhà riêng bà Nguyễn Thị Dần (SN 1950, ở phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) - nguyên mẫu trong bài hát Cô dân quân làng Đỏ của nhạc sĩ Nguyên Nhung.
Trong ngôi nhà 2 gác khang trang, bà Dần vừa trông cháu nội, vừa hái rau ngoài vườn để chuẩn bị bữa trưa. Ở cái tuổi thất thập, trông bà vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bà kể, là con gái út trong gia đình có 2 anh em ở làng Đỏ, xã Hưng Dũng (nay là phường Hưng Dũng), mẹ mất sớm, anh trai đi bộ đội nên học xong lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ) bà ở nhà giúp bố và tham gia lực lượng dân quân du kích địa phương.
Những năm 60 của thế kỷ XX, khi thua đau trên các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ một mặt liên tục đưa quân đội và vũ khí hỗ trợ ngụy quân; mặt khác tạo cớ, thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc để ngăn chặn nguồn tiếp tế từ hậu phương. Trước tình hình đó, BCH Đảng ủy xã Hưng Dũng quyết định thành lập Trung đội dân quân trực chiến phòng không xã Hưng Dũng. Đơn vị gồm 11 chiến sĩ (3 nam, 9 nữ) là dân quân du kích địa phương thường trực 24/24h sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Năm 1967, cô gái Nguyễn Thị Dần vừa tròn 17 tuổi đã xung phong vào trung đội này.
Dù đơn vị mới được thành lập, các chàng trai cô gái chỉ đều mười tám, đôi mươi với vũ khí thô sơ nhưng với ý chí kiên cường, quyết tâm bảo vệ các trọng điểm như phà Bến Thủy, nhà máy điện, kho xăng, Thành ủy Vinh..., Trung đội đã làm nên những chiến tích vẻ vang: 2 lần tham gia bắn rơi máy bay A6, F4H.
Trong trận trực chiến bảo vệ cuộc bầu cử HĐND các cấp ngày 28/4/1968 trận địa bị trúng bom, Nguyễn Thị Dần và một số anh em bị thương được đưa về trạm xá xã cấp cứu. Sau một tuần điều trị, vết thương chưa kịp lành, bà lại tiếp tục trở về cùng đơn vị chiến đấu. Với vai trò là xạ thủ số một, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi lúc ấy đã trở thành một biểu tượng đẹp của lòng dũng cảm, kiên cường trên đất làng Đỏ anh hùng. Ngày 25/7/1968 đã đi vào huyền thoại với những trang sử oanh liệt nhất khi trung đội trực chiến hạ gục chiếc máy bay F4H ngay tại chỗ. Chính Nguyễn Thị Dần là người trực tiếp cầm khẩu 12 ly 7 siết cò làm cho chiếc máy bay chao đảo trước khi rơi xuống trong tiếng hò reo không ngớt của đồng đội. “Lúc đó chúng tôi ôm nhau khóc nức nở khi môi vẫn nở nụ cười chiến thắng”, bà Dần xúc động.
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Bà Dần kể, trong những năm tháng chiến tranh, 2 lần bà được vinh danh. Lần thứ nhất, sau khi bắn rơi máy bay F4H, bà được tiếp tổng cộng 18 đoàn nhà báo trong nước và quốc tế đến tìm hiểu. Sau đó, được Quân ủy Trung ương cho sang thăm nước Nga Xô Viết. Khi được một vị lãnh đạo cấp cao nước bạn hỏi tại sao nữ du kích Việt Nam mà không mang theo súng, Nguyễn Thị Dần khẳng khái nói: “Ở đây là Xô Viết anh hùng, đất nước hòa bình nên tôi không cần phải mang theo súng. Còn ở đất nước tôi, những dân quân du kích phải luôn sẵn sàng chiến đấu, dù là khi sản xuất hay khi ngủ...”. Câu trả lời của nữ du kích đã được nhiều lãnh đạo nước bạn khen ngợi.
Lần thứ hai là lần tham dự Đại hội Mặt trận Trung ương, bà vinh dự được gặp bác Tôn Đức Thắng. “Chia kẹo cho chúng tôi, bác Tôn dặn: Kẹo có thể chia nhưng nước thì không thể chia. Câu nói đó khắc sâu trong tâm trí tôi và là động lực để tôi hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó”, bà Dần kể.
Sau gần 3 năm trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, ngày 5/10/1968, Nguyễn Thị Dần được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Đến năm 1974, được hai gia đình mai mối, cô thiếu nữ kết hôn với anh bộ đội trong làng mới từ chiến trường miền Nam trở về. Chiến tranh kết thúc, hai vợ chồng bà đem sức trẻ cống hiến cho quê hương làng Đỏ. Chồng làm ở hợp tác xã thủ công nghiệp, còn bà tham gia cấp ủy và liên tục giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền xã Hưng Dũng.
21 tuổi, bà trở thành đại biểu HĐNĐ trẻ nhất tỉnh Nghệ An, đồng thời là đại biểu Đại hội Mặt trận Trung ương khóa 3. Sau đó, bà kinh qua các công việc ở Văn phòng Đảng ủy, Hội Phụ nữ, hợp tác xã… Tháng 11/1986, được sự tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân, bà được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hưng Dũng và liên tục giữ chức vụ này trong 10 năm liền.
Đến năm 1997, bà được cử đi học nâng cao nghiệp vụ tại Trường Chính trị Nghệ An để bố trí công tác khác. Tuy nhiên, đúng trong năm này, người chồng thân yêu của bà đột ngột ra đi sau một vụ TNGT. Đau đớn, mất mát nhưng bà vẫn một mình gắng gượng vừa học, vừa thay chồng chăm nuôi mẹ già hơn 80 tuổi và 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Số phận hẩm hiu vẫn chưa chịu buông tha người quả phụ bạc mệnh. Khi vừa hoàn thành xong chương trình học, bà được thông báo không thể bố trí công tác khác được vì không đủ điều kiện, phải về nghỉ “phục viên”.
Bà Dần suy sụp rồi ốm đau một thời gian dài, cơ thể sụt mất 10kg. Thế nhưng, với bản chất dũng cảm, ngoan cường của người lính năm xưa, bà đã gượng dậy, làm đủ mọi nghề để chăm nuôi các con thành người.
Nhìn đứa cháu vui đùa giữa sân, bà Dần kể tiếp, sau khi về hưu, ngoài phát triển kinh tế bà còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Nhiều năm liền bà là Bí thư Chi bộ, hội trưởng Hội Phụ nữ… khối Tân Phúc, phường Hưng Dũng. Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. “Giờ thì tôi nghỉ rồi. Mình già thành ra trì trệ, chậm chạp rồi. Nghỉ để tuổi trẻ khỏe mạnh, nhiệt huyết lên làm để đưa những cái mới vào”, bà Dần cười nói.
Ông Nguyễn Phúc Trang, Phó chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho biết: “Bà Nguyễn Thị Dần là tấm gương sáng về người phụ nữ Việt Nam “Trung hậu, đảm đang”. Sinh ra trong những năm tháng chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà đem sức trẻ cống hiến cho đất nước. Hòa bình lập lại, bà lại trong những người đi đầu góp công xây dựng quê hương, địa phương phát triển đi lên. Ở tuổi già, bà vẫn không ngừng rèn đạo đức, sống vui tươi, là gương sáng để con cháu và thể hệ sau noi theo”.
Năm 1971, lực lượng dân quân Hưng Dũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Dân quân du kích làng Đỏ anh hùng. Với cảm hứng từ hình ảnh cô dân quân Nguyễn Thị Dần, nhạc sĩ Nguyên Nhung đã sáng tác ca khúc Cô dân quân làng Đỏ cùng hình ảnh thanh cao, đẹp đẽ của cô gái tuổi mười tám, đôi mươi anh dũng, ngoan cường qua những câu hát:
Em hát giọng đò đưa
Mênh mang đất trời xứ Nghệ
Nghe sông Lam nước lấp lánh vỗ về
Từ chiến hào tay súng em dương lê
Đến đường cày lúa hàng hàng thẳng tắp
Em trải đẹp đời lên từng mảnh đất…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận